Ca mổ này được xác nhận kỷ lục “Ca đại phẫu thuật phức tạp với đội ngũ y, bác sĩ tham gia nhiều nhất Việt Nam để mổ tách dính vùng bụng chậu cho cặp song sinh”.
Sáng nay (7/10), Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao bằng công nhận cho đại diện Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM).
TS Nguyễn Phùng Phong, Kỷ lục gia thế giới về Siêu trí nhớ, Phó Viện trưởng thường trực Viện Kỷ lục Việt Nam (phải) trao bằng kỷ lục cho đại diện Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Ảnh: Duy Hiệu. |
Tổ chức Kỷ lục Việt Nam cũng trao huy hiệu cá nhân cho 3 bác sĩ tham gia trực tiếp ca mổ, gồm TS.BS Trương Quang Định, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố; BSCKII Phan Văn Tiếp, khoa Chấn thương - Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á và BCKII Tạ Thúy Hằng, Trưởng khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
TS Định cho biết tổng chi phí cho ca mổ tách song Nhi đến nay là 1,2 tỷ đồng, trong đó, bảo hiểm y tế thanh toán 625 triệu đồng.
Tổng số tiền mạnh thường quân tài trợ cho 2 bé lên đến 2,3 tỷ đồng với 4.953 lượt hỗ trợ. Đa số mạnh thường quân chỉ ủng hộ không để lại danh tính. Trừ chi phí, bệnh viện trao lại sổ tiết kiệm cho gia đình 2 bé 1,5 tỷ đồng.
Trước đó, sáng 15/7, 93 y bác sĩ bước vào khu vực mổ để thực hiện kế hoạch tách rời cặp song sinh. Các ê-kíp được phân chia thời gian vào phòng theo kế hoạch.
Họ là những y bác sĩ chuyên môn và kinh nghiệm nhất tại Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Xuyên Á, Đại học Y dược TP.HCM, Trung tâm Medic…
Ca mổ tách song Nhi kéo dài 13 giờ. Ảnh: Thuận Thắng. |
TS.BS Trương Quang Định, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, là người rạch đường dao đầu tiên, mở màn cho cuộc mổ. Sau đó, 2 bé lần lượt được rạch da, cân cơ, mở bụng, tách cơ quan tiêu hóa, tạo hình niệu sinh dục, chỉnh hình khung chậu, kéo da, bó bột. Sau 13 giờ, cặp song sinh dính liền được tách hoàn toàn.
Sau 84 ngày hậu phẫu và chăm sóc tích cực, song Nhi hồi phục sức khỏe, chức năng các cơ quan dần ổn định. Bệnh viện cho 2 bé xuất viện về nhà trong thời gian chờ ca mổ tiếp theo. Hiện mỗi bé đạt cân nặng hơn 7,5 kg.
Sau phẫu thuật, các chuyên gia cho biết mổ tách chỉ là bước ban đầu. Việc chăm sóc, hồi sức và vật lý trị liệu cho 2 bé để có thể tìm lại sự bình thường mới là đích đến. Dự kiến, song Nhi trải qua ít nhất 4 ca mổ để tạo hình hoàn chỉnh các cơ quan.
Việt Nam từng thực hiện thành công nhiều ca phẫu thuật tách dính. Ca mổ tách cặp song sinh Nguyễn Việt và Nguyễn Đức dính liền phần bụng chậu năm 1988 đã đi vào lịch sử y học không chỉ của Việt Nam mà còn cả thế giới.
Các chuyên gia nhận định ca mổ tách Trúc Nhi, Diệu Nhi hiếm và rất phức tạp. Ca dính bụng chậu như thế này chỉ chiếm khoảng 6%. Việc bác sĩ Việt Nam tách thành công là dấu mốc lớn đối với ngành y tế.