Trong vòng 5 ngày (6-10/3), Việt Nam đã công bố thêm 18 ca mắc Covid-19 mới. Như vậy, tổng số người nhiễm SARS-CoV-2 ở nước ta là 34 trường hợp, trong đó 16 người đã khỏi bệnh. Sau 22 ngày không ghi nhận ca mắc mới, việc tiếp tục có người nhiễm virus corona khiến nhiều người dân hoang mang. Việt Nam đã chính thức bước sang giai đoạn 2 của cuộc chiến chống dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, ngành y tế Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong công tác thông tin về dịch bệnh và tuyên truyền cách phòng tránh, bảo vệ sức khỏe. Đó là do sự xuất hiện của những tin giả lan truyền trên mạng xã hội hay việc một số cá nhân không trung thực khi khai báo y tế.
Zing.vn đã có cuộc trao đổi với thạc sĩ Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Thi đua khen thưởng, Bộ Y tế, về vấn đề này.
Tin giả gây áp lực cho công tác truyền thông
- Là nơi cung cấp các thông tin chính thống về tình hình dịch bệnh Covid-19, ông cũng như Vụ Truyền thông - Thi đua khen thưởng, Bộ Y tế, có áp lực gì không? Quá trình tiếp nhận và cung cấp thông tin như thế nào?
- Thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, và Lãnh đạo Bộ, Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng - Bộ Y tế, là đầu mối cung cấp các thông tin chính thống của Bộ Y tế về tình hình dịch bệnh Covid-19.
Chúng tôi luôn cố gắng cung cấp thông tin nhanh nhất và chính xác nhất để các cơ quan truyền thông và người dân nắm được tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và Việt Nam, các khuyến cáo phòng, chống dịch bệnh nhằm vận động, hướng dẫn tất cả người dân cùng chung tay, đồng lòng trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Bên cạnh đó thông tin về công tác chỉ đạo, điều hành và các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 cũng được chuyển tải thường xuyên, chính xác nhất đến các cơ quan báo chí. Chúng tôi mong muốn các cơ quan truyền thông đại chúng thường xuyên cập nhật tin tức chính thống của Bộ Y tế và cung cấp đầy đủ, hiệu quả đến người dân.
Thạc sĩ Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Thi đua khen thưởng, Bộ Y tế. Ảnh: Tuấn Dũng. |
- Truyền thông đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với “cuộc chiến” phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh những thông tin chính thống từ Bộ Y tế, rất nhiều thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội gây hoang mang dư luận. Điều này có gây khó khăn cho Bộ Y tế?
- Đây là một trong những công việc chúng tôi phải đối mặt hàng ngày. Thực tế, lợi dụng diễn biến của dịch bệnh còn nhiều phức tạp, có một số đối tượng thường xuyên đăng tải những thông tin không chính xác, bịa đặt về tình hình dịch bệnh, lan truyền những biện pháp phòng ngừa không đúng, không có căn cứ, gây hoang mang dư luận.
Thậm chí, có những đối tượng còn chia sẻ trên mạng xã hội những nội dung, hình ảnh giả, không đúng sự thật về các bệnh nhân mắc Covid-19... đã gây rất nhiều áp lực cho công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Khi phát hiện những thông tin không chính xác, thiếu căn cứ hoặc tin giả, Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng đã phối hợp với các đơn vị liên quan để kiểm chứng thông tin và kịp thời xử lý; đồng thời phối hợp với các cơ quan báo chí tăng cường đăng tải và phát sóng các thông tin chính xác, các thông điệp truyền thông để cung cấp cho người dân kịp thời, tránh gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng đến kết quả công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Khai báo y tế không trung thực là hành vi đáng lên án
- Mới đây, người dân đã đổ xô đi mua thực phẩm, nhu yếu phẩm về tích trữ khi có ca mắc mới. Ông có lời khuyên gì với người dân hiện nay?
- Việc làm này xuất phát từ tâm lý hoang mang quá mức của người dân, khi thiếu kiến thức về dịch bệnh. Thực tế, người dân không nên lo lắng quá mức như vậy, bởi lẽ hành động đổ xô, chen lấn để mua hàng và xếp hàng dài để chờ thanh toán có thể khiến các siêu thị, các chợ đều trở nên đông đúc và lộn xộn, dẫn tới tình trạng mất kiểm soát và nguy cơ lây lan dịch bệnh có thể xảy ra.
Vì thế, trong tình hình hiện nay, mọi người hãy bình tĩnh, đoàn kết, thực hiện các khuyến cáo của ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch bệnh và hãy tự bảo vệ mình, tự bảo vệ gia đình mình và có trách nhiệm với cộng đồng.
- Ông nhận định gì về việc có một số cá nhân đi từ vùng dịch về trốn khai báo y tế và khai báo không chính xác trong thời gian vừa qua?
- Việc có một số cá nhân đi từ vùng dịch về không khai báo y tế hoặc khai báo không trung thực thời gian sinh sống và lịch trình đi lại trong những ngày gần đây là hành vi cần phải lên án.
Trong khi cả hệ thống chính trị đang nỗ lực để ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh thì một vài cá nhân lại thiếu ý thức, trách nhiệm trong khai báo y tế đã gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Tôi hy vọng mỗi người Việt Nam hãy thể hiện tình yêu nước và trách nhiệm công dân bằng những việc làm. Sự hợp tác cụ thể với các cơ quan chức năng trong phòng chống dịch là để bảo vệ chính mình, gia đình và xã hội.
- Dịch bệnh đã và đang có những diễn biến phức tạp, trên thế giới và tại Việt Nam tiếp tục ghi nhận những trường hợp mắc Covid-19, ông có lời khuyên gì cho người dân?
- Việt Nam đang quyết liệt đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và chúng ta đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, vì vậy, người dân nên tin ở Chính phủ và các cơ quan chức năng thực hiện tốt các chỉ đạo, khuyến cáo trong công tác phòng, chống dịch bệnh, không nên hoang mang, lo lắng quá mức.
Bên cạnh đó, mỗi người dân hãy luôn tự ý thức và tỏ rõ trách nhiệm trong cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19, cùng chung tay, đoàn kết góp phần chặn đứng, sớm đẩy lùi dịch bệnh.
Đồ họa: Minh Hồng - Hà Quyên |