Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cả nước thiếu khoảng 45.000 giáo viên

Cả nước hiện thiếu khoảng 45.000 giáo viên, trong đó bậc mầm non thiếu hơn 32.000 người. Trong khi đó, bậc tiểu học đến THPT lại dôi dư khoảng 27.000 thầy cô.

Sáng 14/1, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị sơ kết học kỳ I năm học 2016-2017 của các sở GD&ĐT. Vấn đề thừa thiếu giáo viên được nêu ra bàn thảo.

Cả nước hiện thừa khoảng 27.000 giáo viên các trường công lập từ tiểu học đến THPT nhưng lại thiếu hơn 30.000 giáo viên công lập ở bậc học mầm non.

Theo báo cáo tại hội nghị, tình trạng thừa giáo viên xảy ra tại nhiều địa phương, ở tất cả cấp học từ tiểu học đến THPT. Thanh Hóa là tỉnh thừa nhiều giáo viên nhất, hơn 2.000 người. Trong khi đó, tỉnh này cũng thiếu gần 2.200 giáo viên mầm non.

tinh trang thua thieu giao vien anh 1
Tình trạng thừa giáo viên tiểu học đến THPT nhưng thiếu giáo viên mầm non diễn ra trên cả nước. Ảnh minh họa: Giáo Dục và Thời Đại.

Bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa, cho biết sở có thể điều số giáo viên thừa xuống dạy mầm non nhưng chỉ để dạy các môn phụ hoặc phụ trách hành chính. Họ cũng phải đáp ứng được yêu cầu về tuổi tác.

Một số địa phương khác như Thái Bình, Nghệ An cũng gặp tình trạng tương tự.

Để giải quyết vấn đề này, thời gian qua, một số địa phương đã điều chỉnh giáo viên thừa ở bậc phổ thông sang dạy mầm non, song đây chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài, nó tiềm ẩn nhiều rủi ro về mặt chất lượng do bậc mầm non đòi hỏi những kỹ năng và phương pháp sư phạm chuyên biệt.

Ông Trần Trung Dũng, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, cho biết ông không đồng tình với việc chuyển giáo viên dôi dư từ bậc phổ thông sang dạy mầm non.

Ông cho rằng ngành học mầm non có yêu cầu đặc thù và giáo viên phải được đào tạo bài bản.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng lo ngại nếu chúng ta làm không hợp lý sẽ dẫn đến tình trạng học sinh không được học đúng chương trình, giáo viên cũng gặp ức chế.

Do đó, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ yêu cầu việc điều chuyển giáo viên phải được tiến hành một cách bài bản, khoa học, đồng bộ, không tự phát, cảm tính.

Bộ đã giao ĐH Sư phạm Hà Nội thiết kế khung chương trình đào tạo cho những giáo viên này. Thay vì chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ trong vài tháng như trước đây, sắp tới, họ phải học thêm văn bằng hai trước khi sang dạy bậc học khác.

Ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội, khẳng định việc quan trọng nhất là tập trung vào mô đun tâm lý học lứa tuổi. Theo ông, ở bậc mầm non, điều đáng chú trọng là "dỗ", giáo dục hình thành nhân cách đầu đời cho trẻ.

Công tác sắp xếp, điều chuyển giáo viên cũng cần được thực hiện thận trọng, minh bạch, công tâm, tránh gây bức xúc cho đội ngũ giáo viên và ảnh hưởng trực tiếp chất lượng dạy học.

Thanh Hóa đã điều chuyển hơn 100 giáo viên dôi dư ở huyện Thạch Thành sang dạy mầm non. Tuy nhiên, sau khi chuyển về mầm non, đội ngũ này lại được sắp xếp làm công tác hậu cần như nấu cơm, rửa bát.

Đây là lần thứ hai Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị các giám đốc sở kể từ khi bộ trưởng mới nhận nhiệm vụ. Điều này cho thấy giáo dục phổ thông đang được quan tâm đặc biệt khi bậc học này có những vấn đề cấp thiết cần giải quyết.

Ba thách thức đối với Bộ trưởng GD&ĐT trong năm 2017

Năm nay, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và ngành giáo dục tiếp tục phải đi tìm lời giải cho bài toán chất lượng giáo dục đại học, vấn đề giáo viên và việc ứng dụng công nghệ thông tin.


Nguyễn Sương

Theo VTV

Bạn có thể quan tâm