Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ca sĩ 'sao xẹt'

Chỉ bằng 1-2 bài hát ăn khách là thành “sao”, nên tên tuổi của họ cũng nhanh chóng bị lãng quên khi bản thân không đủ thực lực để tạo được sức hút sau đó.

Thị trường ca nhạc Việt Nam thời gian qua ghi dấu hàng loạt những giọng ca bỗng dưng thành hiện tượng nhưng cũng nhanh chóng mất hút chỉ sau một khoảng thời gian ngắn.

Tự sinh tự diệt

Thỉnh thoảng, người trong giới vẫn hỏi nhau Duy Mạnh đi đâu rồi? Không có nhiều người biết hoạt động nghề của ca sĩ Duy Mạnh hiện nay thế nào. Duy Mạnh từng là hiện tượng của làng ca nhạc Việt khoảng 10 năm trước, trở thành “sao” chỉ sau album Tình em là đại dương. Vị trí ngôi sao cùng với nguồn thu nhập “khủng” mà Duy Mạnh có được là niềm khát khao của nhiều ca sĩ lúc bấy giờ.

Tất nhiên, sự nổi tiếng của Duy Mạnh cũng gây tranh cãi ít nhiều với 2 luồng ý kiến trái chiều nhưng sự thật là ca sĩ này đã khuấy đảo thị trường nhạc Việt một thời với hàng loạt những ca khúc từng vang lên khắp các hang cùng ngõ hẻm. Vì vậy, sự “biệt tăm” của Duy Mạnh được ví như sao băng xẹt qua bầu trời, không ít người thấy tiếc cho anh.

Ca sĩ Duy Mạnh nổi ồn ào rồi biến mất vì không có sự sáng tạo so với thành công ban đầu Ảnh: Leon Trần

Thực tế, trường hợp như Duy Mạnh không hiếm ở thị trường nhạc Việt. Lý Hải, Ưng Hoàng Phúc, Đăng Khôi, Quang Vinh, Nhật Tinh Anh… những giọng ca trẻ hơn như Khánh Phương, Akira Phan, Vĩnh Thuyên Kim, Hòa Mi, Sơn Ca... hay thậm chí là những giọng ca được giới chuyên môn đánh giá rất cao như Xuân Phú, Thảo Nguyên, Thùy Chi... đều vụt sáng lên rồi rút lui lặng lẽ sau một thời gian ngắn.

“Hiện tượng đó tồn tại khá lâu ở thị trường nhạc Việt. Nó tự sinh và tự diệt như quy luật tất yếu” - nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện đúc kết.

Sự nghiệp bế tắc

Một trong những lý do mọi người đều dùng để lý giải sự biến mất của các giọng ca này mà giới chuyên môn gọi là “ca sĩ sao băng” là không có bài hit (ca khúc ăn khách). Nổi lên bằng một ca khúc ăn khách nhưng sau đó, chính những nhân vật này không có thêm bất cứ ca khúc nào gây chú ý, việc không còn được nhắc đến là điều dễ hiểu. Tuy vậy, theo phân tích từ giới chuyên môn, lý do đằng sau còn rất nhiều và điều quan trọng chính là thực lực của ca sĩ.

Nhạc sĩ Nguyễn Hồng Thuận cho rằng hiện tượng ca sĩ có thành “sao băng” hay không là phụ thuộc chủ yếu vào thực tài của họ. “Đường dài mới biết ngựa hay”, một ca sĩ có thể có vị trí lâu dài trên thị trường ca nhạc là vì bản thân họ luôn chứng minh mình có năng lực, sản phẩm âm nhạc ra đời sau luôn tốt hơn, hoàn thiện hơn so với sản phẩm trước đó. Theo anh, nhiều ca sĩ may mắn có được một ca khúc ăn khách nổi lên thành sao nhưng sau đó không có gì mới, thậm chí kém hơn. Khi không như mong đợi, công chúng sẽ thất vọng và đó là lý do ca sĩ “sao băng” nhanh chóng bị lãng quên.

Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng độ hút khách ban đầu chỉ là bước tạo đà cho ca sĩ. Nhiều ca sĩ đã nhanh chóng bị lãng quên bởi chính họ không biết phải làm gì cho chính mình trên đường dài. Chưa kể, chính vì thành công ban đầu, bản thân nhiều người cũng không thoát ra khỏi hào quang cũ để làm những điều mới mẻ hơn.

“Nhiều ca sĩ vì áp lực thành công ban đầu, đã sản sinh ra rất nhiều sản phẩm na ná với thành công trước đó và chính điều này gây nên nhàm chán, đẩy họ ra xa với công chúng” - nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện nhận định.

Theo nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, ngoài việc thiếu thực lực, cảm giác sợ dấn thân cũng chính là điều mà các ca sĩ “sao băng” vấp phải. Họ sợ mất khán giả nên lần nào xuất hiện cũng chỉ hát đi hát lại ca khúc đã giúp họ tạo dấu ấn ban đầu. Có ca sĩ hát một ca khúc của mình gần 10 năm trời nên dù ca sĩ không chán thì người nghe cũng thấy ngán ngẩm. Đó là lý do nhiều giọng ca đã có được mốc thành công ban đầu nhưng chính họ tự đẩy mình vào con đường bế tắc.

Thực tế, Duy Mạnh cũng cố gắng ra mắt những sản phẩm mới nhưng tất cả đều giống hệt một Duy Mạnh cách đây cả chục năm khiến cho công chúng trẻ không cảm thụ được. Ưng Hoàng Phúc hay Nhật Tinh Anh cũng cố gắng cập nhật xu hướng nhưng đều thất bại vì thiếu độ tinh tế và nhanh nhạy như lớp ca sĩ trẻ. Nhiều giọng ca khác vẫn âm thầm đi hát nhưng chỉ “bào lại thành công cũ”, có trường hợp bỏ nghề hoàn toàn như ca sĩ Lê Tuấn.

Dễ nổi nhờ ăn may

Một thị trường ca nhạc có quá nhiều ca sĩ nhưng khan hiếm ca khúc mới, thực sự hay. Điều đó tạo nên tình trạng ca sĩ mãi khai thác những tác phẩm cũ, thậm chí là quá cũ so với thời hiện tại. Trong điều kiện như vậy, khả năng một ca khúc mới, lạ, dễ nghe ra đời thành ăn khách là điều dễ hiểu.

Không phải công chúng quá dễ dãi nhưng rõ ràng có những giọng ca thực sự ăn may khi có được đúng một ca khúc ăn khách và được mời đi biểu diễn khắp nơi. Họ nghiễm nhiên trở thành ca sĩ ngôi sao ngắn hạn, cũng ra mắt nhiều sản phẩm âm nhạc khác sau đó nhưng vì thực lực không có nên sự thành công ăn may cũng không còn. Nhìn chung, thị trường ca nhạc Việt Nam hiện nay có rất nhiều ca sĩ nhưng quanh đi quẩn lại cũng chỉ vài cái tên nổi trội. Bảng xếp hạng âm nhạc trong nước thể hiện điều này khá rõ.


http://nld.com.vn/van-hoa-van-nghe/ca-si-sao-xet-20151211220926887.htm

Theo Thùy Trang/ Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm