Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ca thụ tinh ống nghiệm đầu tiên ở Việt Nam diễn ra thế nào?

Ngày 30/4/1998 đã trở thành một dấu ấn không thể nào phai nhòa của các bác sĩ BV Từ Dũ khi đón nhận tiếng khóc chào đời của 3 đứa trẻ được sinh ra bằng phương pháp thụ ống nghiệm.

Ca thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên của Việt Nam

Ngày 30/4/1998 đã trở thành một dấu ấn không thể nào phai nhòa trong ký ức của đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ khi đón nhận tiếng khóc chào đời của 3 đứa trẻ được sinh ra bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên ở Việt Nam.

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng (nguyên GĐ Bệnh viện Từ Dũ) là người đã đưa kỹ thuật này thực hiện thành công ở Việt Nam.

Bé gái đầu tiên chào đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm năm 1998 (ảnh tư liệu của BV Từ Dũ).
Bé gái đầu tiên chào đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm năm 1998 (ảnh tư liệu của BV Từ Dũ).

Năm 1994, BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng đã tự xin học bổng, thậm chí quyết định bỏ tiền túi ra để đưa đội ngũ nhân viên, bác sĩ của bệnh viện sang Pháp và Singapore để tham quan và học hỏi kỹ thuật cũng như kinh nghiệm từ các nước đã áp dụng thành công thụ tinh trong ống nghiệm. Về mặt pháp lý, bác sĩ Phượng cùng luật sư Phan Trung Hoài đã soạn ra dự thảo quyết định thành lập ngân hàng tinh trùng cho bệnh viện Từ Dũ.

Sau nhiều năm âm thầm chuẩn bị, ngày 19/8/1997, hơn 30 phụ nữ vô sinh đầu tiên tại Việt Nam đã được chuyển phôi làm thụ tinh trong ống nghiệm. Trong số các bệnh nhân, có hơn 10 người thụ tinh thành công. Đến ngày 30/4/1998, 3 em bé thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên chào đời, đánh dấu một bước ngoặt lớn cho ngành sản khoa Việt Nam.

Năm 1999, em bé đầu tiên của Việt Nam ra đời từ kỹ thuật ICSI (tiêm trực tiếp tinh trùng vào bào tương trứng) tại Khoa Hiếm muộn – Bệnh viện Từ Dũ. ICSI là phương pháp mang lại hiệu quả thụ tinh cao với tỷ lệ 60-85%. 

Khác với thụ tinh trong ống nghiệm, thay vì cấy trứng với hàng trăm tinh trùng, thì ICSI chỉ chọn lựa một tinh trùng tốt nhất để tiêm trực tiếp vào trứng. ICSI đã mang lại niềm hy vọng và cơ hội lớn lao cho các cặp vợ chồng hiếm muộn mà nguyên nhân vô sinh như không xuất tinh được, thiểu năng tinh trùng, kháng thể kháng tinh trùng, hoặc trường hợp trứng ít, chất lượng kém, hay do trứng và tinh trùng không kết hợp được với nhau…

Liên tiếp những năm sau đó là những thành công vang dội của y tế TPHCM trong việc hỗ trợ sinh sản: 2000: Thực hiện thành công kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm - xin trứng; 2002: Triển khai kỹ thuật ICSI với tinh trùng sinh thiết từ mào tinh; 2003: Lần đầu tiên thụ tinh thành công bằng tinh trùng và trứng trữ lạnh.

Năm 2013, Bệnh viện Từ Dũ cũng là nơi xử lý thành công ca sinh 5 đầu tiên của Việt Nam.

Bệnh viện Hùng Vương đã thành công trong công trình phá thai nội khoa. Chính những lợi ích của phương pháp này đem lại cho người bệnh và Bộ Y tế đã đưa phá thai nội khoa vào "Chuẩn quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản". Ngoài ra, BV Hùng Vương còn "sản sinh" ra phương pháp đẻ không đau đang được triển khai rộng rãi tại các BV sản phụ khoa...

Lần đầu tiên phẫu thuật tách rời thành công cặp song sinh dính nhau

Cặp song sinh Việt - Đức trước khi phẫu thuật.
Cặp song sinh Việt - Đức trước khi phẫu thuật.

Năm 1988, lần đầu tiên ca phẫu thuật tách rời thành công cặp song sinh Việt - Đức diễn ra tại TP.HCM đã làm rạng danh nền y học nước nhà, gây sự chú ý đối với giới y học thế giới. 

Ngày 25/2/1981 tại tỉnh Gia Lai - Kontum (cũ) Nguyễn Việt và Nguyễn Đức chào đời với hình hài dị thường: song sinh dính theo kiểu “Ischiopagus Tripus” (dính phần xương chậu, có hai chân và một chân cụt, chung một bàng quang, một hậu môn, chung bộ phận sinh dục).

Hai anh em được đưa ra Bệnh viện Việt - Đức Hà Nội điều trị, đến đầu tháng 12/1982 được chuyển vào BV Từ Dũ. Ngày 22/5/1986, Việt bị hội chứng não cấp, sốt cao và hôn mê, sau đó được Hội Chữ thập đỏ Nhật đưa sang Tokyo, sau bốn tháng mười ngày chữa trị, ngày 29/10/1986 hai cháu trở về VN.

Việt đã khỏi bệnh nhưng mất vỏ não, không còn tri giác để tiếp xúc với thế giới bên ngoài, ăn thường xuyên bị sặc, ngưng thở, nhiều lần phải cấp cứu. Nguy cơ chết đột ngột của Việt luôn đe dọa mạng sống của Đức. Vì vậy đầu năm 1988, BV Từ Dũ đã đề nghị Sở Y tế TP.HCM cho mổ tách hai cháu.

Ngày 4/10/1988, ca mổ Việt - Đức kéo dài 15 giờ với sự tham gia của 70 giáo sư bác sĩ đã thành công vang dội, được cả thế giới biết tiếng và được ghi vào sách kỷ lục Guinness năm 1991.

http://infonet.vn/ca-thu-tinh-ong-nghiem-dau-tien-tai-viet-nam-dien-ra-nhu-the-nao-post161667.info

Theo Bạch Dương/Báo Infonet

Bạn có thể quan tâm