“Ngày con chào đời, có lẽ tôi không về kịp để ôm bé vào lòng. Nhưng vì nhiệm vụ, mình phải hoàn thành và tạm gạt nỗi buồn qua một bên. Sau này về, tôi sẽ kể cho con nghe những câu chuyện chống dịch của mình”.
Điều dưỡng Nguyễn Đình Hưởng, khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, chia sẻ sau khi vừa kết thúc ca trực kéo dài 10 giờ tại Bệnh viện 30/4 Bộ Công an (TP.HCM).
Mới 2 tuần trước, gương mặt thay vì ướt đẫm mồ hôi do khẩu trang, quần áo bảo hộ, đang áp sát vào chiếc bụng bầu của vợ, lắng nghe từng nhịp tim thai.
Anh Hưởng có thói quen nói chuyện vu vơ với con trước khi đi ngủ. Lúc này, việc duy nhất anh có thể làm là mở điện thoại, gọi cho vợ để gửi một nụ cười: “Anh vẫn ổn, em và con ở nhà cố gắng giữ gìn”.
16h ăn trưa, 22h ăn tối
Ngày 8/7, hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ trưởng Y tế trước tình hình dịch Covid-19 ở TP.HCM, điều dưỡng Hưởng cùng 15 nhân viên y tế thuộc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tập trung tại sảnh chính trước khi lên xe, tới sân bay Nội Bài vào hỗ trợ công tác điều trị bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 tại đây.
Ngày điều dưỡng Hưởng cùng đoàn chi viện của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương lên đường vào TP.HCM. Ảnh: BVCC. |
Gần 2 tuần trôi qua, anh đã dần làm quen với công việc tại Bệnh viện 30/4 Bộ Công an.
Hôm nay, nam điều dưỡng bắt đầu ca trực lúc 6h. Sau khi bàn giao với ca trước và tiếp nhận bệnh nhân, anh lần lượt đo, kiểm tra dấu hiệu sinh tồn cho bệnh nhân. Không giống với bệnh nhân hồi sức tích cực thông thường, việc làm này với các trường hợp mắc Covid-19 có thể phải lặp lại mỗi 30 phút để đảm bảo theo dõi sự thay đổi trong diễn biến bệnh.
Xong xuôi, điều dưỡng Hưởng tiếp tục làm thuốc, hỗ trợ bệnh nhân ăn và vệ sinh cá nhân cho họ. Thay vì kết thúc ca trực sau 8 giờ như thường lệ, anh cố gắng hoàn thành nốt các công việc đang dang dở và chỉ thực sự nghỉ ngơi sau 10 giờ.
“Tùy từng ngày và số lượng bệnh nhân, thời gian làm việc có thể tăng lên 9-10 giờ/ca. Khối lượng công việc của chúng tôi rất lớn khi các bệnh nhân Covid-19 tại khoa Hồi sức tích cực đều có diễn biến nặng. Tình trạng sức khỏe của các bệnh nhân cũng thay đổi liên tục”, điều dưỡng Hưởng cho biết.
Điều dưỡng Hưởng trong ca trực tại Bệnh viện 30/4 Bộ Công an (TP.HCM). Ảnh: NVCC. |
Theo anh, các bệnh nhân Covid-19 phải thở máy yêu cầu điều dưỡng phải làm khá nhiều thao tác như vệ sinh, hút đờm... Khác với các loại bệnh thông thường, bệnh nhân Covid-19 không có người nhà hỗ trợ trong khi lực lượng nhân viên y tế lại tương đối mỏng.
Điều dưỡng này cho biết có nhiều ngày, anh thường bắt đầu bữa trưa lúc 16h và ăn tối khi đồng hồ vừa điểm 22h, chân, tay run vì đói. Tuy nhiên, anh chỉ cười và khẳng định “dần cũng thành quen”.
“Khối lượng công việc lớn khiến tôi và các đồng nghiệp mệt mỏi. Các bộ đồ bảo hộ gây ngột ngạt, bí bách. Cộng thêm đó là cảm giác phải xa nhà, nhớ gia đình, vợ, con không hề dễ chịu. Chúng tôi đến nay cũng không còn để ý đến ngày tháng, chỉ cảm thấy thời gian từ lúc xa nhà có vẻ đã khá dài”, điều dưỡng này tâm sự.
Dẫu vậy, anh Hưởng cùng các nhân viên y tế khác đều hiểu rằng cả nước đang chung tay chống dịch, những khó khăn này đều phải khắc phục. Họ tự nhận thức được mình phải đặt công việc lên hàng đầu.
Xa nhà, vợ lại đang mang bầu sau 3 năm hiếm muộn, hai vợ chồng thường xuyên gọi điện cho nhau.
Nam điều dưỡng tâm sự: “Làm cha mẹ, ai cũng mong ngóng được bế đứa con của mình lúc chào đời. Nhưng nhiệm vụ đã giao phó, mình đành chấp nhận. Sau này về, mình kể cho con nghe cũng được. Chuyện bố đã đi chống dịch như thế nào, các y bác sĩ, lực lượng quân đội, công an, người dân cả nước từng vất vả ra sao”.
Anh chia sẻ nỗi sợ lớn nhất lúc này của mình là vợ mang bầu không có chồng bên cạnh, suy nghĩ nhiều, ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé.
“Mong muốn duy nhất của tôi là chúng ta sớm đẩy lùi dịch bệnh, mọi người có thể về với gia đình. Tôi được về nhà, đón con chào đời”, người đàn ông sắp lên chức bố tâm tư.
Giọt nước mắt của người ở lại
“Có thai đúng vào những giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, không được ở bên chồng, tôi phải nhờ bố mẹ hỗ trợ nhiều. Lắm lúc thấy người ta mang bầu nhưng có chồng bên cạnh, tôi cũng tủi thân”, điều dưỡng Nguyễn Phương Linh, khoa Virus - Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, vợ anh Hưởng, chia sẻ.
Hai vợ chồng thường xuyên gọi điện tâm sự khi có cơ hội. Ảnh: NVCC. |
Ngày chị Linh phát hiện có thai cũng là thời điểm cả 2 vợ chồng nằm trong lực lượng hỗ trợ công tác đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 cho Đại hội Đảng XIII. Tranh thủ giờ nghỉ trưa, chị gọi cho chồng báo tin. Niềm hạnh phúc lúc đó tưởng như vỡ òa bất chấp họ không thể trực tiếp bên nhau.
Trải qua những mốc quan trọng của thai kỳ cùng nhau, sát ngày sinh, anh Hưởng và chị Linh một lần nữa phải xa nhau vì dịch Covid-19.
Nhận tin chồng được điều động vào TP.HCM chi viện, chị Linh chỉ dám buồn, có chút lo lắng. Làm cùng ngành, chung bệnh viện, nữ điều dưỡng hiểu được tính chất công việc của chính mình và chồng.
“Những chuyến đi này thường không xác định được ngày về. Chúng tôi cũng bảo nhau khi bé chào đời, chồng cũng chỉ về bế con thôi chứ không ở bên mình được lúc sinh. Tôi chỉ biết động viên anh cố gắng, giữ gìn sức khỏe”, chị Linh chia sẻ.
Giữa những ca trực căng thẳng, anh Hưởng tặng vợ và "bé Kem" sắp chào đời vài dòng thơ với hy vọng về tương lai:
"Cuộc sống dịch vốn dĩ chẳng thích gì
Cả ngày dài làm việc không ngừng nghỉ
Khi đêm về lại phải suy nghĩ
Nhớ gia đình, nhớ vợ ở nơi xa.
Dẫu biết rằng cuộc chiến còn dài quá…
Không nản lòng vì sức khỏe của nhân dân
Đảng và Nhà nước vẫn luôn ân cần
Vậy nên em không cần phải lo lắng.
Em hãy lo cho mình và thiên thần nhỏ
Sớm chào đời, mạnh khỏe là anh vui
Rồi mai này khi trời Nam hửng nắng
Anh trở về bên gia đình nhỏ thân thương.
Anh sẽ đưa con cắp sách tới trường
Kể con nghe những ngày dài em vất vả
Vì miền Nam ruột thịt ba từng đã…
Xa gia đình, ngay cả lúc sinh con.
Con Covid vô hình, nhưng đáng sợ…
Mấy thập kỷ qua chưa thấy bao giờ
Cả thế giới sững sờ vì đại dịch
Việt Nam mình tự hào lắm con yêu".