Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vi phẫu tái tạo khuôn mặt cho thiếu nữ bị u xơ xương

Nguyễn Giang Ly (16 tuổi) đã được các bác sĩ Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt Trung ương chẩn đoán bị u xơ xương ăn mòn toàn bộ mặt bên ngoài của xương hàm từ năm 8 tuổi.

Sáng 13/8, Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt Trung ương (Hà Nội) đã tiến hành ca phẫu thuật vi phẫu tái tạo khuyết hổng hàm mặt cho bệnh nhân Nguyễn Giang Ly (16 tuổi, ở Thái Nguyên). Đây là ca vi phẫu thứ 500 mà bệnh viện áp dụng kỹ thuật này.

Nữ bệnh nhân này đã được các bác sĩ Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt Trung ương chẩn đoán bị u xơ xương ăn mòn toàn bộ mặt bên ngoài của xương hàm từ năm 8 tuổi. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, các bác sĩ chỉ có thể điều trị nội khoa. Khi trưởng thành, bệnh nhân mới có thể tiến hành vi phẫu tái tạo khuyết hổng hàm mặt.

Ca vi phau mien phi tai tao khuon mat cho thieu nu anh 1
Các bác sĩ tiến hành tư vấn, khám cho bệnh nhân 16 tuổi trước ca vi phẫu. Ảnh: T.L.

Trong hai tuần trở lại đây, bội nhiễm khiến Giang Ly phải nhập viện để điều trị. Lúc này, các bác sĩ quyết định phẫu thuật để tái tạo lại khuôn mặt cho Ly, trồng răng implant để giúp thiếu nữ này có thể ăn nhai và sở hữu khuôn mặt như người bình thường.

Ca mổ được diễn ra trong sáng 13/8 và dự kiến sẽ tiến hành phẫu thuật trong 10 tiếng. Chi phí được bệnh viện miễn phí hoàn toàn.

Bá sĩ Nguyễn Mạnh Hà, trưởng kíp mổ, cho biết trường hợp của Nguyễn Giang Ly khá đặc biệt vì bị tổn thương toàn bộ xương hàm dưới, phải cắt toàn bộ xương hàm dưới và phải làm vi phẫu hai thì.

“Bệnh nhân này tổn thương từ cành cao xương hàm trên bên phải ra hết cành cao xương hàm trên bên trái. Do đó, chúng tôi tiến hành cắt toàn bộ xương hàm từ phải qua trái và sử dụng kỹ thuật tái tạo xương hàm dưới bằng vạt xương mác nhờ kỹ thuật vi phẫu. Chúng tôi dự kiến phẫu thuật cắt toàn bộ xương hàm, chỉ giữ chỏm nội cầu. Sau khi cắt giữ chỏm nội cầu, chúng tôi sẽ giữ cung hàm cũ của bệnh nhân, sử dụng nẹp giữ chỗ cung hàm và lấy xương mác cẳng chân tái tạo xương này”, BS Hà nói.

Tổn thương xương hàm dưới của bệnh nhân này lớn, xương mác không đủ để tái tạo lại toàn bộ hàm dưới nên kíp phẫu thuật sẽ sử dụng kỹ thuật cắt xương mác ở chân phải để tái tạo 1/2 khuôn mặt bên phải và sẽ lấy xương mác ở chân bên trái để tiến hành tái tạo lại 1/2 khuôn mặt bên trái. Sau 6 tháng, bệnh nhân được đánh giá kiểm tra lại để cấy ghép và tái tạo răng cho bệnh nhân ăn nhai.

Ca vi phau mien phi tai tao khuon mat cho thieu nu anh 2
Ca mổ được diễn ra trong sáng 13/8 và dự kiến sẽ tiến hành phẫu thuật trong 10 tiếng. Chi phí được bệnh viện miễn phí hoàn toàn. Ảnh: T.L.

Theo GS.TS Trịnh Đình Hải, Giám đốc Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt Trung ương, đây ca vi phẫu thứ 500 mà bệnh viện áp dụng kỹ thuật này. Trước đó, bệnh viện đã sử dụng các kỹ thuật khác như lấy xương sườn để tái tạo vùng hàm mặt. Tuy nhiên, kỹ thuật trên hạn chế vì xương sườn dễ bị thoái hóa, dễ gãy nên không thể hỗ trợ làm răng giả cho bệnh nhân. Đến năm 2007, bệnh viện đã triển khai vi phẫu ghép xương hàm bằng kỹ thuật lấy xương mác cẳng chân.

BS Hải khẳng định Việt Nam hiện là một trong những nước đi tiên phong trong kỹ thuật này, thậm chí đi trước 10 năm so với nhiều nước trong khu vực. Chi phí cho kỹ thuật này ở Việt Nam cũng thấp khoảng 10 lần so với một ca vi phẫu được tiến hành ở các nước châu Âu, Mỹ hay Hàn Quốc.

“Đến nay kỹ thuật này đã thành thường quy của bệnh viện chúng tôi với 500 ca vi phẫu và hầu hết bệnh nhân đều có cuộc sống tốt hơn và khuôn mặt thẩm mỹ hơn sau phẫu thuật. Trong một năm trở lại đây, trung bình một tuần bệnh viện chúng tôi thực hiện ba ca vi phẫu”, GS.TS Trịnh Đình Hải cho biết.



Hà Quyên

Bạn có thể quan tâm