Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Các bác sĩ 'bắt' bệnh cho bạn như thế nào?

Đi khám bệnh, tại sao lúc thì bạn thấy bác sĩ lặng im nghe bạn nói; lúc thì lại nhíu mày, suy nghĩ? Có bao giờ bạn tự nhủ phải làm gì để giúp họ bắt bệnh chuẩn nhất?

Việc xác định bệnh rất quan trọng trong quá trình khám chữa bệnh bởi định bệnh có đúng, chữa trị mới trúng. Thông thường, bác sĩ thường phải qua 4 bước để đi đến kết luận bệnh nhân mắc bệnh gì: người bệnh kể bệnh; bác sĩ thăm khám; nhận định sơ bộ; xét nghiệm (nếu cần). Tuy nhiên, đôi khi chỉ cần qua 2 bước đầu tiên, các bác sĩ đã có thể xác định được bệnh và bước xét nghiệm không cần thiết nữa.

Người bệnh góp phần không nhỏ trong việc giúp các bác sĩ chẩn đoán bệnh chính xác. Ảnh: Báo Tây Ninh

Kể bệnh

Đây là phần người bệnh tự kể các triệu chứng mình gặp phải một cách chủ động. Bước này, bác sĩ sẽ chủ yếu ngồi lắng nghe bạn nói đồng thời tìm hiểu xem bệnh nhân có cảm nhận gì về bệnh tật của mình.

Họ sẽ phân tích, định lượng trong đầu các chi tiết mà bệnh nhân cung cấp để xác định chi tiết nào đóng vai trò quan trọng trong phần định bệnh sau đó. Bác sĩ có thể hỏi rất ngắn gọn một số chi tiết để hiểu rõ hơn về bệnh của bạn, có thêm dữ kiện cho các giả thuyết đã đặt ra trong đầu. Phần này cũng là phần mà các bác sĩ hiểu rõ hơn về tâm lý bệnh nhân.

Trong bước kể bệnh, bạn nên kể các triệu chứng một cách tuần tự như những gì nó đã diễn ra. Đôi khi, bác sĩ có hỏi thêm vào một câu hỏi cũng chỉ để định hướng bạn đi đúng mạch, tránh lan man. Họ có thể đề nghị bạn diễn tả rõ hơn vài triệu chứng quan trọng để củng cố cho một giả thuyết nào đó đang hình thành trong đầu họ.

Trên nguyên tắc, trong phần này, bác sĩ càng ít lời càng tốt, để bạn tự nhiên kể bệnh. Thỉnh thoảng, bác sĩ mỉm cười, gật gù, giữ yên lặng, làm một cử chỉ khuyến khích, hay dùng một ánh mắt dò hỏi để khuyến khích bạn tiếp tục câu chuyện. Lâu lâu, một câu bông đùa nhẹ nhàng đúng lúc của bác sĩ có thể làm bạn thêm thoải mái, tự nhiên.

Cũng trong bước kể bệnh này, bác sĩ sẽ xem xét các hồ sơ bệnh lý cũ (nếu có) và các loại thuốc bạn đang dùng. Người bệnh nên đem theo tất cả hồ sơ bệnh án và các loại thuốc đó và kể lại hiệu quả khi dùng thuốc; có hay không những phản ứng phụ…

Thăm khám

Sau khi nghe bạn kể bệnh xong, bác sĩ sẽ thăm khám để tìm các dấu hiệu của căn bệnh nào đó mà họ đã nghĩ đến trong đầu. Bạn có nhận thấy rõ trên gương mặt của bác sĩ lúc này sẽ rất chăm chú, suy nghĩ không vì họ đang suy luận và tìm hiểu bệnh của bạn một cách tích cực nhất.

Tùy lời kể của bệnh nhân và biểu hiện lâm sàng lúc đó, các bác sĩ sẽ thăm khám từng bộ phận có thể có liên quan. Tùy cơ quan được khám mà bác sĩ có kỹ thuật khám phù hợp như: nhìn, sờ, gõ, nghe. Và có khi phải kết hợp cả 4 kỹ thuật này.

Trong lúc thăm khám, bác sĩ có thể vẫn sẽ đặt thêm các câu hỏi và yêu cầu bạn trả lời. Nếu như ở phần kể bệnh, bạn là người chủ động thì ở phần thăm khám, các bác sĩ mới là người chủ động. Nếu có thắc mắc, các bạn không nên hỏi bác sĩ trong phần này vì nó có thể làm gián đoạn suy nghĩ của bác sĩ. Tuy nhiên, nếu có đau đớn bộ phận nào đó trong lúc thăm khám, bạn nên cho họ biết ngay.

Để giúp việc thăm khám thoải mái, nhanh, chính xác và có hiệu quả, bạn nên ăn mặc giản dị, rộng rãi, ống tay áo, quần có thể xắn lên dễ dàng… Các bạn nên tránh mặc quần jeans, váy áo liền thân vì khi cần khám bụng, không phải sẽ bất tiện lắm sao? Nếu không cần thiết, bạn không nên trang điểm vì phấn son có thể che hết các khuyết điểm xanh tái do thiếu máu hoặc vết bất thường trên khuôn mặt của bạn.

Nhận định

 Đây là phần việc rất quan trọng của bác sĩ sau khi thăm khám cho bệnh nhân xong. Phần nhận định cũng tương tự như là kết luận của bác sĩ về vấn đề bệnh tật của bạn. Tùy các vấn đề của bạn mà phần này sẽ diễn ra chậm hay chóng. Các bác sĩ sẽ có những cách nói khác nhau về vấn đề của bạn tùy theo tâm trạng đón nhận thông tin. Ví dụ, bạn nói đã trễ kinh, sau khi thăm khám, bác sĩ biết bạn đã có thai, họ sẽ báo tin vui khi nhận thấy bạn hào hứng; hoặc cho biết bạn có tin không vui nếu đã đánh giá được tâm lý của bạn sau khi bạn kể bệnh và trong quá trình thăm khám.

Hoạch định

Sau khi tổng hợp các dữ kiện ở các bước trên, bác sĩ sẽ dùng lý luận y khoa để đi đến những định bệnh đầu tiên để xác định các định bệnh sơ khởi quả thực là đúng. Sau đó, bác sĩ sẽ nói những nhận định của họ về bệnh tật của bạn. Các bác sĩ có thể sẽ yêu cầu bạn xét nghiệm, chiếu chụp để làm rõ những nhận định này nếu thực sự chưa chắc chắn. Sau đó bác sĩ sẽ cho biết các loại thuốc bạn cần dùng; tư vấn cho bạn nên làm gì, ăn như thế nào để hỗ trợ chữa bệnh, ngăn bệnh tái phát…

Các bạn có thể đưa ra những thắc mắc của mình. Bạn nên thẳng thắn trao đổi dù quan điểm có thể khác nhau. Có thể bạn không thích phương pháp chữa bệnh này, các bác sĩ sẽ tìm cho bạn phương pháp khác phù hợp hơn mà hiệu quả cũng không kém.

Sau khi đã thống nhất với bệnh nhân về cách chữa bệnh, bác sĩ sẽ dành thời gian để kê toa thuốc hoặc những hướng dẫn, lưu ý cho bạn.  

Phần cuối của cuộc thăm khám thường là phần bác sĩ giải thích cho bạn cách sử dụng thuốc, các phản ứng phụ có thể xảy ra của thuốc và dặn bạn trở lại tái khám nếu cần, hoặc cho hẹn bạn trở lại vào một dịp khác để giải quyết những vấn đề mà lần thăm khám này chưa kịp giải quyết.

BS Trương Gia Bảo (Chuyên gia tư vấn sức khỏe, tổng đài Sức khỏe Việt)

Nguyễn Vũ (ghi)

Bạn có thể quan tâm