Ngày 21/8, TAND TP.HCM mở phiên xử sơ thẩm vụ án Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức và buôn lậu xảy ra tại Công ty cổ phần VN Pharma.
9 bị cáo của vụ án gồm: Nguyễn Minh Hùng (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần VN Pharma), Nguyễn Trí Nhật, Ngô Anh Quốc (nguyên Phó giám đốc Công ty Cổ phần VN Pharma), Phạm Anh Kiệt (Tổng giám đốc Công ty Dược Sapharco), Võ Mạnh Cường (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại hàng hải quốc tế H&C) cùng 4 bị cáo nguyên là cán bộ Công ty Cổ phần VN Pharma.
Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: Kỳ Hoa. |
Theo cáo trạng, Công ty Cổ phần VN Pharma kinh doanh thuốc chữa bệnh. Từ năm 2013, Hùng thông qua Cường đặt mua thuốc tân dược có nhãn của Công ty Helix Canada để bán và đấu thầu cung cấp cho các bệnh viện ở Việt Nam.
Cường mua thuốc H-Capita (thuốc chữa bệnh ung thư) từ một người nước ngoài tên Raymundo (chưa rõ lai lịch) với giá 18 USD/hộp. Người này cung cấp cho Cường các giấy tờ giả gồm: Giấy chứng nhận bán hàng tự do tại Canada, giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc do Bộ Y tế Canada cấp cho Công ty Helix Canada và được đóng dấu hợp pháp hóa Lãnh sự của Đại sứ quán Việt Nam tại Canada. Sau đó, Công ty Cổ phần VN Pharma nhập 9.300 hộp thuốc nhãn hiệu trên từ Cường với giá 27 USD/hộp.
Do nghi ngờ về nguồn gốc thuốc nhập khẩu nên Cục Quản lý dược đã yêu cầu Hùng và Cường giải trình, đồng thời kiểm tra, niêm phong lô hàng trên, không cho bán ra thị trường.
Vì không có hồ sơ kỹ thuật thuốc để nộp cho Cục Quản lý dược nên Hùng thuê dược sỹ Phạm Văn Thông viết hồ sơ thuốc H-Capita với giá 2.000 USD. Sau khi viết xong, Thông đưa cho Duy đóng dấu Công ty Helix Canada và chuyển cho Loan đi xin giấy phép nhập khẩu.
Tại tòa, Thông cho rằng bị cáo viết hồ sơ tiêu chuẩn thuốc dựa trên giấy tờ của Công ty Cổ phần VN Pharma cung cấp. "Bị cáo không biết các giấy tờ nêu trên thật hay giả", Thông nói.
Kết luận giám định của Bộ Y tế thể hiện lô thuốc H-Capita 500mg nói trên chứa 97% hoạt chất capecitabine, là thuốc không rõ nguồn gốc, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người.
Ngoài ra, từ năm 2012 đến năm 2014, Hùng còn thuê dược sĩ chỉnh sửa nhiều bộ hồ sơ thuốc khác, giả con dấu và chữ ký của giám đốc, nhân viên công ty Helix Canada để Công ty Cổ phần VN Pharma đăng ký lưu hành thuốc và xin cấp phép nhập khẩu tại Cục Quản lý dược.
Nguyên giám đốc Công ty Cổ phần VN Pharma còn tạo giả hợp đồng mua bán thuốc với Công ty Austin Hong Kong để làm thủ tục nhập khẩu một số lô thuốc với trị giá hàng buôn lậu hơn 5 tỷ đồng.
Tại phiên tòa hôm nay, Nguyễn Minh Hùng thừa nhận đã dùng giấy tờ giả để hoàn thiện hồ sơ nhập khẩu thuốc như cáo trạng truy tố. Tuy nhiên, Hùng cho rằng: “Bị cáo mua sản phẩm này cũng giống mua sản phẩm khác. Khi thực hiện có những việc không chuẩn, nhưng bị cáo khẳng định đây là sản phẩm kinh doanh bình thường, không có gì đặc biệt mà làm giả hoặc buôn lậu”.
Ngoài ra, Hùng còn khai nhận sau khi bị bắt, bị cáo mới biết Công ty Health Canada đã bị giải tán. “Khi bị phát hiện do các khách hàng phản ánh lại thuốc không đạt chất lượng, bị cáo đã chỉ đạo lấy thuốc đi kiểm nghiệm. Bị cáo cũng chứng minh bằng cách mời Cục quản lý dược Bộ Y tế để kiểm tra lô thuốc, đề nghị công an hỗ trợ xác minh. Kết quả xác minh cho thấy lô thuốc không đạt tiêu chuẩn, không được sử dụng cho người”, Hùng khai trước tòa.
Bị cáo Võ Mạnh Cường khẳng định bản thân không biết nguồn gốc lô thuốc nêu trên được sản xuất ở đâu. Cường khai: “Bị cáo ra trường, lập công ty xuất nhập khẩu để phát triển. Phía Canada nói sẽ làm tất cả cho nhập thuốc. Nếu biết giấy tờ giả thì không bao giờ bị cáo làm”.
Trong khi đó, Nguyễn Minh Hùng cho rằng: “Nhà nhập khẩu không chịu trách nhiệm về chất lượng thuốc mà bên bán phải chịu trách nhiệm. Khi thuốc gửi về, chúng tôi gửi đi kiểm nghiệm thì đạt tiêu chuẩn".
Giải thích kết quả giám định của Bộ Y tế về lô thuốc H-Capita chứa 97% hoạt chất Capecitabine, Hùng nói: “Nguyên tắc tạp chất là tự phát sinh, không ảnh hưởng đến chất lượng thuốc. Tôi chưa thấy khái niệm nào là 'thuốc không dùng chữa bệnh cho người'. Nồng độ 97% tạp chất không gây ảnh hưởng, nguy hiểm đến người sử dụng”.
Phiên tòa xét xử vụ án dự kiến kéo dài trong 8 ngày.