Theo thống kê của Worldometers, tính đến ngày 1/5, Nhật Bản có tổng cộng hơn 586.000 người mắc Covid-19 với 10.194 trường hợp tử vong. Trong 24 giờ qua, quốc gia này ghi nhận gần 6.000 ca bệnh.
Trước đó, ngày 23/4, Chính phủ Nhật Bản đã ban bố tình trạng khẩn cấp lần thứ ba để ứng phó đại dịch Covid-19 tại thủ đô Tokyo và ba tỉnh Osaka, Kyoto, Hyogo. Ông Shigeru Omi, Chuyên gia về bệnh lây nhiễm, Chủ tịch Tiểu ban ứng phó Covid-19 của Chính phủ Nhật Bản, cảnh báo tình trạng khẩn cấp có thể kéo dài nếu dịch bệnh không cải thiện đáng kể.
Theo Japan Times, nguyên nhân của sự bùng phát được cho là sự xuất hiện của một số biến chủng. Ước tính của chính quyền thủ đô Tokyo cho thấy 90% trường hợp mắc Covid-19 tính tới giữa tháng 4 ở khu vực này nhiễm biến chủng SARS-CoV-2. Đặc biệt, ngày 23/4, quốc gia này đã ghi nhận sự xuất hiện của biến chủng dễ lây lan của Ấn Độ, B.1.617.
Biến chủng N501Y
Nhật Bản đang chật vật ứng phó trước số ca mắc Covid-19 gia tăng trong bối cảnh Tokyo, Osaka và nhiều tỉnh khác vẫn trong tình trạng khẩn cấp. Các chuyên gia cho rằng sự gia tăng này là do biến chủng dễ lây nhiễm hơn.
Các chuyên gia theo dõi tình hình ở Tokyo cho biết hơn 1/2 số ca nhiễm trong tháng 4 là do biến chủng dễ lây lan hơn: N501Y, lần đầu tiên được phát hiện ở Anh. Viện Các bệnh Truyền nhiễm Quốc gia (NIID) Nhật Bản cho biết tỷ lệ người bị nhiễm biến chủng N501Y trong tất cả trường hợp Covid-19 ước tính khoảng 30% ở Tokyo, 80% ở Osaka và Hyogo.
Ảnh hiển vi điện tử của biến chủng N501Y xuất hiện tại Nhật Bản. Ảnh: NIID. |
Mặc dù tỷ lệ hiện nay tương đối nhỏ, các quan chức y tế của NIID nhận định biến chủng này có thể tiến triển nhanh chóng.
Theo NIID, với tốc độ như hiện nay, tỷ lệ nhiễm trùng ở Tokyo và ba tỉnh lân cận - Saitama, Chiba và Kanagawa - liên quan chủng N501Y dự kiến tăng 80-90% trong nửa đầu tháng 5. Trong khi đó, ở các tỉnh Osaka, Kyoto, Hyogo, Shizuoka và một số khu vực ở cực nam Nhật Bản, tỷ lệ này dự kiến đạt trên 95%.
Một phân tích đã chỉ ra biến chủng N501Y từ Anh có khả năng lây lan cao hơn 30% so với chủng ban đầu. Nó cũng được cho là có nguy cơ gây ra các triệu chứng nghiêm trọng cao hơn.
Theo thông tin từ Chính phủ Anh, biến chủng N501Y gây ra nhiều lo ngại vì có khả năng lây nhiễm cao hơn 50%, tức là hoạt động mạnh hơn nhiều so với virus ban đầu khi xâm nhập vào tế bào trong cơ thể người. Nguyên nhân là biến chủng N501Y đã làm thay đổi miền liên kết thụ thể, nằm ở protein gai của virus tại vị trí 501 và cho phép nó dễ dàng liên kết với thụ thể ACE2 trong tế bào của người hơn.
Đột biến xảy ra do lỗi sao chép RNA khi virus xâm nhập vào tế bào người cố gắng sao chép. N501Y xảy ra khi axit amin thứ 501 trên protein đột biến của virus thay đổi từ asparagin (N), thành tyrosine (Y). Biến chủng này có khả năng lây nhiễm cao, đặc biệt lo ngại sẽ thúc đẩy sự lây lan nhanh chóng của virus.
Theo Mainichi, khả năng truyền tải cao của đột biến này so với chủng ban đầu đã gây ra một phần vào sự thay đổi. Sau khi biến chủng ở Anh được phát hiện vào mùa thu năm ngoái, nó đã lây lan nhanh chóng trên khắp thế giới, trở thành chủng virus thống trị ở Mỹ trong tháng 3.
Người dân Tokyo đi bộ đeo khẩu trang trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại Nhật Bản. Ảnh: Reuters. |
Giới chức y tế Anh cho biết số lượng người nhiễm chủng virus này cao hơn khoảng 1,4 đến 1,9 lần so với chủng ban đầu. Phân tích mới nhất ở Nhật Bản đưa ra con số ở mức trung bình 1,32 lần.
Số lượng nhiễm trùng theo độ tuổi là điểm đáng lo ngại khác. Với chủng gốc, ít trẻ em bị nhiễm bệnh hơn so với các nhóm tuổi khác. Nhưng phân tích về biến chủng N501Y ở Anh cho thấy không có sự khác biệt đáng kể giữa tỷ lệ lây nhiễm của những người dưới 15 tuổi và những người ở độ tuổi 30 trở lên. Nếu biến chủng này lây lan ở Nhật Bản, trẻ em có khả năng bị nhiễm bệnh cao hơn.
Biến chủng E484K
Ngày 4/4, đài NHK của Nhật Bản đưa tin khoảng 70% bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 xét nghiệm tại Bệnh viện Đại học Y khoa và Nha khoa Tokyo vào tháng 3 nhiễm biến chủng có khả năng làm giảm hiệu quả bảo vệ của vaccine. Báo cáo cho biết biến chủng này có tên là E484K - hay còn gọi là Eek.
Đáng lo ngại, trong khoảng thời gian 2 tháng, tính đến tháng 3, khoảng 12 trong số 36 bệnh nhân Covid-19 mắc biến chủng này không đi du lịch ra nước ngoài hoặc tiếp xúc với người đã từng ra nước ngoài.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Kato Katsunobu cho biết biến chủng mới này cũng được tìm thấy ở 91 ca bệnh tại khu vực Kanto, phía đông Nhật Bản và 2 ca nhiễm ở sân bay.
E484K có khả năng dễ lây lan hơn các chủng thông thường. Nếu không được kiểm soát, nó có thể dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng các ca bệnh. Các chuyên gia y tế đặc biệt lo ngại về sự lây lan của biến chủng vào thời điểm quốc gia này chậm trễ triển khai đợt tiêm chủng quy mô lớn cho toàn bộ dân số.
Theo Aljazeera, E484k đã thay đổi protein gai của virus ban đầu, giúp nó liên kết mạnh hơn với các tế bào chủ, tăng khả năng lây nhiễm cao. Đột biến gene E484K được cho là có liên quan khả năng chống lại kháng thể ngăn chặn virus tấn công. Biến chủng này cũng xuất hiện tương tự loại đã được phát hiện ở Nam Phi và Brazil.
Biến chủng B.1.617 dễ lây lan của Ấn Độ đã xuất hiện tại Nhật Bản. Ảnh: Reuters. |
Biến chủng ở Ấn Độ đã xuất hiện tại Nhật Bản
Trong bối cảnh phải chiến đấu với làn sóng trường hợp Covid-19 tăng nhanh do biến chủng N501Y, Nhật Bản cũng ghi nhận nhiều ca bệnh nhiễm B.1.617, biến chủng kép dễ lây lan lần đầu xuất hiện ở Ấn Độ.
Ngày 23/4, Chánh văn phòng Nội các Katsunobu Kato cho biết Nhật Bản ghi nhận 5 trường hợp nhiễm biến chủng B.1.617. Đến ngày 26/4, số ca bệnh nhiễm biến chủng này đã lên tới 21 người. Ngay sau đó, Chính phủ Nhật Bản đề cao cảnh giác trước biến chủng mới do nó có thể làm gia tăng số ca nhiễm mới. Biến chủng này phát hiện lần đầu ở Ấn Độ và được cho là có khả năng lây nhiễm cao, ảnh hưởng tới hiệu quả của vaccine.
Biến chủng kép, có tên gọi chính thức là B.1.617, lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ vào tháng 10/2020. Hiện Ấn Độ trở thành điểm nóng Covid-19 toàn cầu trong những tuần gần đây, lập kỷ lục thế giới về số ca bệnh hàng ngày.
Mặc dù không rõ liệu biến chủng mới có làm tăng sự lây lan bùng nổ các ca bệnh hay không, sự tồn tại của chủng này đã khiến nhiều chuyên gia lo ngại nó có thể ảnh hưởng hiệu quả của vaccine.
"Bộ Y tế đang làm việc với nhiều quốc gia khác, Tổ chức Y tế Thế giới và các chuyên gia để thu thập, đánh giá, phân tích thông tin liên quan các biến chủng, không chỉ thông tin được tìm thấy ở Ấn Độ", ông Kato cho biết, đồng thời cam kết hỗ trợ các thỏa thuận kiểm dịch để kiểm soát biên giới và sàng lọc biến chủng trong nước.
Một quan chức chính quyền cấp cao của Nhật Bản thừa nhận việc ngăn chặn hoàn toàn biến chủng này ở Nhật Bản sẽ rất "khó khăn" nếu nó bắt đầu lan rộng hơn.