Để cây trồng có thể phát triển tốt ở điều kiện trong nhà, bạn có thể bổ sung một số chất dinh dưỡng khác hỗ trợ cho chúng.
Nguyễn Hửu Ân (1994)
- Founder NHA Garden & NHA Architects.
- Hơn 3 năm kinh nghiệm nghiên cứu và chăm sóc cây trồng trong nhà.
Công việc chính của Hửu Ân là kiến trúc sư. Để thuận lợi hơn trong việc đưa các mảng xanh vào trong công trình thiết kế, năm 2018, Ân bắt đầu tìm hiểu về cây trồng.
Sau một thời gian, Hửu Ân nhận thấy cây xanh có nhiều lợi ích như: cải thiện môi trường sống, là giải pháp để giải tỏa căng thẳng, nâng cao chất lượng cuộc sống,... nên quyết định sẽ phát triển thêm về mảng cây trồng trong nhà.
Hửu Ân cho biết: "Cây trồng trong nhà sẽ không được phát triển ở điều kiện môi trường sống thuận lợi nhất như trong tự nhiên. Chính vì vậy, chúng ta cần bổ sung thêm một số chất dinh dưỡng để hỗ trợ cho chúng."
Các chế độ bổ sung chất dinh dưỡng cho cây trồng trong nhà
Theo Hửu Ân, có hai chế độ chất dinh dưỡng mà người trồng cây hay trải qua:
- Khi cây chưa đạt được kích thước như mong muốn: Mỗi cây trồng đều sẽ có form dáng và kích cỡ nhất định. Chúng sẽ chỉ trở nên hoàn hảo nhất khi được chăm sóc tốt và có đủ chất dinh dưỡng để nuôi sống mình. Nếu sau một thời gian chăm sóc, bạn thấy cây có biểu hiện chậm phát triển thì cần theo dõi biểu hiện của chúng để bổ sung thêm dinh dưỡng.
- Duy trì dáng cây như mong muốn: Để cây có thể duy trì được hình dáng và màu sắc như mình mong muốn, các bạn có thể bổ sung cho cây thêm một số chất hỗ trợ. Các điều kiện chăm sóc cơ bản như nước, giá thể,... chưa cung cấp được hết các chất dinh dưỡng mà cây trồng cần.
Dưới đây là một số chất dinh dưỡng mà Hửu Ân gợi ý cho các loại cây trồng trong nhà phổ biến như: Monstera, snake plant, pothos,...
Monstera
Monstera trồng trong chậu sẽ bị hạn chế việc hấp thu các chất dinh dưỡng trong đất. Để cây có được những chiếc lá to và khỏe như mong muốn, người trồng cần bổ sung thêm phân bón cho cây.
Loại phân bón: Phân hữu cơ (Trùn quế)
Liều lượng:
- Khi trồng được 1 tháng, bạn nên bón cho cây một ít phân hữu cơ pha loãng. Khi cây đã lớn sẽ không cần bón phân nhiều nữa, bạn có thể bón cho chúng sau 3 tháng.
- Với cây nhỏ, một lần bạn có thể bón từ 10-20 hạt. Khi cây lớn hơn, liều lượng mỗi lần bón sẽ là 1 muỗng cà phê.
_____
Snake plant
Lưỡi hổ có sức sống cao nên không yêu cầu quá nhiều về dinh dưỡng. Chúng không ưa những loại phân có nhiều nitơ vì có thể ảnh hưởng đến rễ.
Loại phân bón: Phân bón giàu potasse
Liều lượng:
- Có thể bón phân cho cây 1 lần trong khoảng từ 1-2 tháng.
- Hạn chế việc bón phân vào mùa đông. Thời điểm thích hợp để bạn bón phân cho chúng là mùa xuân hoặc mùa hè.
_____
Pothos
Trầu bà có cách chăm sóc khá đơn giản. Vốn là cây ưa ẩm nên chỉ cần đủ nước và điều kiện môi trường không quá nóng thì chúng đã có thể phát triển. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể sử dụng phân bón để hỗ trợ quá trình phát triển của cây.
Loại phân bón: Phân tan chậm
Liều lượng: Bạn có thể bón phân cho trầu bà 6 tháng một lần để cung cấp thêm dinh dưỡng cho cây.
_____
Ưu và nhược điểm của các loại phân bón
Phân tan chậm:
- Cần nhiều thời gian để phân tan chậm có thể hoạt động và cung cấp chất dinh dưỡng cho cây.
- Trong phân tan chậm có chứa nhiều chất hóa học nên cần có liều lượng chính xác khi sử dụng cho cây trồng.
Phân hữu cơ:
- Phân hữu cơ có tốc độ hòa tan nhanh hơn nên người trồng cần phải bón cho cây thường xuyên.
- Thành phần hóa học trong phân hữu cơ rất ít. Tuy nhiên, nếu bạn bón phân quá nhiều cũng gây ra tình trạng cháy là và ảnh hưởng đến rễ cây.