Zing trích dịch bài viết trên CNN, về câu chuyện của nữ vận động viên Marilyn Okoro (Anh) và sự đấu tranh của cô để ngoại hình cơ bắp, không nữ tính của mình được chấp nhận trong làng thể thao.
Marilyn Okoro, nữ vận động viên người Anh từng đoạt huy chương Đồng Olympic và huy chương Bạc giải vô địch thế giới, kể lại “cuộc chiến” để vẻ ngoài của cô được chấp nhận trong làng thể thao.
Trong suốt hơn một thập kỷ luyện tập và thi đấu, Okoro từng gặt hái nhiều thành tích tại các giải đấu quốc tế, với tổng cộng ba huy chương Bạc và bốn huy chương Đồng. Nhưng khi nhìn lại sự nghiệp của mình, nữ vận động viên cảm thấy cố gắng của mình vẫn chưa được công nhận.
“Có lẽ khi tôi đạt cả huy chương Vàng, mọi người vẫn nghĩ tôi không phải là vận động viên tài năng”, cô nói.
Nguyên nhân đằng sau là ngoài việc thi đấu để tranh thứ hạng, thứ Okoro phải tranh đấu hơn cả là yêu cầu mọi người gạt sang một bên các mong đợi về việc một nữ vận động viên thì nên có ngoại hình như nào.
Từng gặt hái nhiều thành tích nhưng các nữ vận động viên cảm thấy cố gắng của mình vẫn chưa được công nhận. |
Vẻ ngoài nam tính, cơ bắp lực lưỡng
Theo Okoro, số đông đều yêu cầu những người sải bước trên đường chạy như cô phải có thân hình mảnh khảnh, cao ráo, thon gọn.
Cơ bắp, vóc dáng cao lớn, tay chân gân guốc, cân nặng ở mức 60 kg của Okoro cũng bị đánh giá là vượt ngoài tiêu chuẩn thông thường đến 15 kg.
“Quá nhẹ cân hay quá nặng đều có thể dẫn đến chấn thương của người thi đấu. Nhiệm vụ của huấn luyện viên là kiểm soát vấn đề này, tránh gây ra rủi ro”, huấn luyện viên Charles van Commenee của Đội tuyển Điền kinh Anh, người từng làm việc cùng Okoro, cho hay.
Thế là sau giải đấu năm 2010, Okoro bắt đầu làm việc với chuyên gia dinh dưỡng và được khuyên nên thực hiện chế độ ăn kiêng. “Khi đó, tôi nghĩ rằng bọn họ không cho phép tôi ăn thoải mái, vậy tôi sẽ không còn năng lượng nữa”, cô kể lại.
Marilyn Okoro, nữ vận động viên điền kinh người Anh. |
Khi thành tích tại Thế vận hội Olympic London năm 2012 của Okoro kém xa kỳ vọng ban đầu của mọi người, vấn đề cân nặng của cô tiếp tục bị đem ra làm nguyên nhân đổ lỗi cho phong độ yếu kém.
Cùng năm đó, Okoro mất khoản tài trợ lớn vì không gặt hái được thành tích nào.
Mất số tiền tài trợ lớn, không có hỗ trợ tiền thi đấu nước ngoài hay các phần thưởng sau đó, Okoro phải tự bỏ tiền túi của mình để trang trải cho mọi chi phí.
Trên thực tế, điều này từng xảy ra với nhiều vận động viên tại xứ sở sương mù, nhất là với nữ giới. “Phụ nữ phải trả tiền để được tham gia cuộc chơi thể thao”, Tulshi Varsani, một huấn luyện viên thể lực, khẳng định.
“Về mặt ngoại hình, tôi trông khác biệt hoàn toàn, cơ bắp hơn hẳn so với những người đồng nghiệp trên đường đua. Nhưng gốc gác Nigeria và nền tảng gia đình đã dạy tôi cách phớt lờ những ánh mắt soi mói, đánh giá của người khác lên cơ thể mình”, Okoro cho biết.
“Cơ bắp, gân guốc ở người phụ nữ cũng thể hiện sự gợi cảm. Tôi tự hào về cơ thể của mình”, cô nói.
Vẻ ngoài bị coi là không nữ tính khiến không ít nữ vận động viên đối mặt với những lời chê bai thậm tệ từ khán giả. |
Mặt khác, thể hình và vóc dáng của Okoro khiến nhiều huấn luyện viên từng làm việc mặc định sẵn trong đầu về nội dung thi đấu phù hợp với cô, không phải dựa vào khả năng của cá nhân Okoro.
“Các huấn luyện viên luôn tự định sẵn tôi thi đấu ở cự ly 800 m, và cho tôi tập luyện không phù hợp. Chỉ đến khi bắt đầu bị chấn thương, tôi mới tự hỏi về cách mình được huấn luyện, bởi tôi bị kiệt sức cả về tinh thần lẫn thể chất”, cô kể lại.
“Tôi tự hào về vẻ ngoài xấu xí”
Ngày nay, vẻ đẹp của phụ nữ dần được chấp nhận ở các chuẩn mực khác. Trên các tạp chí thời trang, quảng cáo làm đẹp và chiến dịch quảng bá, những người mẫu ngoại cỡ, có vẻ ngoài đi ngược lại tiêu chuẩn số đông xuất hiện với tần suất nhiều hơn.
Chính sách chương trình vận động viên Anh năm 2020 của chính phủ nước này từng nêu rõ: "Điền kinh là môn thể thao phức tạp với nhiều nội dung khác nhau, vì vậy một kích cỡ cơ thể không thể phù hợp với tất cả”.
“Một vóc dáng không thể đáp ứng được tất cả nội dung thi đấu, buộc phải có sự khác biệt giữa những vận động viên. Sức mạnh và tốc độ của cự ly 200 m đòi hỏi nữ vận động viên cần có nhiều cơ bắp lớn hơn”.
Nhưng ở lĩnh vực thể thao, tình hình vẫn "giậm chân tại chỗ”.
Trong thể thao, nữ giới không chỉ phải phấn đấu để được quan tâm, chú ý như nam giới mà dường như còn có thử thách riêng: cố gắng để được thừa nhận là phụ nữ. |
“Hình dạng cơ thể của nữ vận động viên được chú ý hơn là màn trình diễn của họ. Một nữ vận động viên được nhìn dưới góc đẹp trước, tài năng sau và khán giả vẫn luôn mong đợi họ phải có cơ thể đẹp mắt, lượng mỡ tối thiểu”, Emily Matheson, nhà nghiên cứu tại Centre for Appearance Research (tạm dịch: Trung tâm Nghiên cứu Ngoại hình), cho biết.
“Suy nghĩ phổ biến này xuất phát từ các định kiến về giới tính”, Matheson nói thêm.
Okoro đang nuôi hy vọng khép lại 20 năm thi đấu điền kinh của mình bằng một huy chương Vàng tại Thế vận hội Olympic Tokyo tổ chức vào năm sau.
“Cơ thể này đang giúp tôi thi đấu tốt hơn, vì vậy tôi phải chăm sóc nó”, cô cho hay. Okoro được truyền cảm hứng nhiều từ Serena Williams, nữ vận động viên quần vợt nổi tiếng, từng bị chỉ trích nhiều lần về “vẻ ngoài xấu xí”.
Hai năm trước, Serena Williams từng chia sẻ công khai về những khó khăn cô phải đối mặt khi không có ngoại hình vừa mắt công chúng.
Serena Williams, nữ vận động viên quần vợt người Mỹ từng xếp hạng số 1 thế giới với 23 danh hiệu Grand Slam đơn, thường bị chế giễu bằng những từ ngữ cay độc trên các phương tiện truyền thông bởi vẻ ngoài lực lưỡng. |
“Người ta nói tôi không nên chơi ở thể thao nữ, rằng tôi thuộc về thể thao nam, bởi vì trông tôi đàn ông hơn các cô gái khác. Không, cuối cùng tôi chỉ làm việc chăm chỉ. Tôi sinh ra với nhan sắc không xinh đẹp và tôi tự hào về điều đó. Chúng ta đều không có vẻ ngoài giống nhau nhưng chúng ta đều là phụ nữ và hãnh diện về giới tính của mình”.
Okoro cũng lấy cảm hứng từ các nữ vận động viên bóng bầu dục và bóng đá. “Họ không phải là những nữ hoàng sắc đẹp. Họ chỉ ít quan tâm đến việc nhan sắc ra sao trong mắt mọi người và chuyên tâm đem lại màn trình diễn tuyệt vời”, Okoro khẳng định.