Các kiểu cưới "chạy" thời hiện đại
Đám cưới Linh đúng hôm mất điện mà nhiệt độ ngoài trời lên tới 37°C, quan viên hai họ thì được bữa nhớ đời vì vừa ăn cỗ vừa… la làng vì nóng.
Ngày xưa, cưới chạy tang là chuyện cực chẳng đã của mỗi gia đình. Trong nỗi lo lắng, ngổn ngang trăm bề, đám cưới chạy tang bao giờ cũng mang một không khí ảm đạm, thê lương khác hẳn với những đám cưới khác. Thời hiện đại, không còn những thủ tục hà khắc, rườm rà như thời phong kiến nên cưới chạy tang ít xuất hiện hơn nhưng lại nảy sinh lắm kiểu “cưới chạy” khiến nhiều người phải “lắc đầu ngao ngán”.
Cưới “chạy bụng” – Vừa ăn cỗ vừa… la làng
Như một cơn gió thốc đến từ phương Tây, quan niệm tình dục thoáng đã chi phối và nhận được không ít hưởng ứng của một số thanh niên Việt. Lẽ tất nhiên, với những thanh niên này, chuyện “ăn cơm trước kẻng” chả có gì là ghê gớm. Và thế là, những đám cưới “chạy bụng” cứ thi nhau xuất hiện trong sự hối hả, gấp gáp của những chủ nhân hòng chạy đua với quãng thời gian 9 tháng 10 ngày.
Giữa tháng sáu trời nóng như đổ lửa, bà Liên đi mời dự đám cưới cô con gái trước sự “mắt tròn mắt dẹt” của không ít người. Nhiều người không nén nổi ngạc nhiên đã phải thốt lên: “Ôi! Sao chị lại cho các cháu cưới vào thời điểm này? Nóng thế này mà đi ăn cỗ thì khác nào vào Hỏa Lò”. Người khác ý nhị hơn thì nhận thiệp mời và mỉm cười hết sức “thông cảm”.
Cô con gái tên Linh của bà mới học năm thứ 3 đại học. Cứ nghĩ con gái lên Hà Nội vẫn ngoan ngoãn, chăm lo học hành như hồi còn ở nhà nên gia đình bà rất tin tưởng. Khoảng giữa tháng tư, Linh về nhà chơi, bà thấy con gái béo lên và trông cứ khang khác.
Ngờ ngợ, bà tra hỏi thì chỉ nhận được những lời chối quanh co. Ép mãi, thậm chí khóc lóc van xin con nói sự thật vì “có chuyện gì để mẹ còn biết mà lo liệu”, Linh mới òa khóc “khai thật” là mình đã có thai 3 tháng. Thì ra, Linh đã có người yêu trên Hà Nội mà gia đình bà không hề hay biết. Hai đứa yêu nhau được hơn một năm và “trót dại” gây nên “sự cố” này. Anh chàng kia cũng đã biết chuyện và đang về quê nhà tại Hải Dương để xin bố mẹ cho hai đứa cưới nhau. May mắn là nhà trai cũng thông cảm cho lỗi lầm của hai đứa nên một đám cưới nhanh chóng, gọn nhẹ được tổ chức sau đó hai tháng.
Lúc cưới, cô dâu đã có thai đến tháng thứ 5 nên bụng cứ lùm lùm sau làn váy áo. Đám cưới Linh đúng hôm mất điện mà nhiệt độ ngoài trời lên tới 37°C, quan viên hai họ thì được bữa nhớ đời vì vừa ăn cỗ vừa… la làng vì nóng quá. Một người hàng xóm sau buổi ăn cỗ “nhớ đời” đó đã trêu thanh niên trong thôn rằng: “Từ nay, cấm đứa nào được ăn cơm trước kẻng rồi hành người già chúng tao ăn cỗ vào tháng sáu nóng nực thế này nhé!” khiến bà Liên xấu hổ một thời gian dài.
Cưới chạy chức – kiểu cưới độc quyền của “nhà quan”
Đã qua hơn hai tháng nhưng dư luận khu phố tôi ở vẫn không ngớt xầm xì về đám cưới của con trai ông phó chủ tịch thị trấn. Ông này tuy làm phó chủ tịch đến hơn chục năm nay nhưng sống rất kín đáo, sinh hoạt, ăn mặc giản dị. Ấy thế mà đám cưới cậu con trai út của ông lại “hoành tráng” hiếm thấy. Cỗ bàn linh đình kéo dài ba ngày liền, khách khứa dễ đến hơn một nghìn, đi lại tấp nập như trẩy hội. Rượu bia chảy tràn như suối, gà dê không biết bao nhiêu mà kể. Ai cũng thắc mắc: ông phó chủ tịch vốn thường ngày ăn uống, sinh hoạt thanh đạm là thế sao giờ lại trở nên xa hoa đến vậy?
Điều đặc biệt hơn, cậu con trai ông phó chủ tịch mới ngoài hai mươi, đang học một trường Cao đẳng trên Thái Nguyên. Việc lập gia đình với một thanh niên đang còn dở dang chuyện học hành, tuổi đời còn trẻ như con trai ông là điều khá bất thường. Phân tích đi, phân tích lại, mọi người mới phát hiện ra bản chất của vấn đề chính là ông năm nay đã 60 tuổi, chuẩn bị đến tuổi về hưu theo quy định của nhà nước nên chắc định “đánh quả” trước khi về vườn. Nếp sống thanh đạm, kín kẽ chỉ là vỏ bọc ông xây dựng cho mình để che đậy bản chất tính toán, ti tiện bên trong.
Cưới chạy du học – câu chuyện của thời hiện đại
Kinh tế phát triển, nhiều bậc phụ huynh hiện nay mong muốn cho con đi du học để được hưởng thành quả từ những nước có nền giáo dục tiên tiến. Và cưới chạy du học là câu chuyện được bàn tính trong bữa ăn của không ít gia đình Việt.
Một người bạn của tôi có cô cháu gái chuẩn bị đi học thạc sĩ ở Mỹ theo diện học bổng toàn phần. Không biết tính toán thế nào mà trước khi đi học hơn một tháng, cháu nằng nặc đòi lấy chồng. Lý do được cháu đưa ra là: trong thời gian đi học hai năm, cháu sợ người yêu thay lòng đổi dạ.
Gia đình khuyên răn là bây giờ cháu mới 24 tuổi, hai năm nữa học xong thì cũng chỉ mới 26 tuổi, lúc đấy lấy chồng cũng chưa muộn nhưng cháu nhất định không chịu. Lấy lý do chỉ còn hơn một tháng nữa thì không kịp chuẩn bị cho tiệc cưới thì bà mẹ nhận được lời nói xanh rờn của cô con gái: “Tiệc cưới bây giờ có gì mà chuẩn bị, cứ đặt dịch vụ từ A đến Z là xong”. Đúng là không phải lo làm cỗ cưới nhưng còn phải lo chọn nhà hàng, lo chọn món, chuyện mời mọc những ai… trăm thứ đổ lên đầu khiến bà mẹ lo không xuể, đám cưới con xong thì lăn ra ốm. Chưa hết, trong lúc cuống quýt lo toan, bà đã quên mời một số người thân quen đến dự đám cưới con gái, bây giờ đi đến đâu, cũng bị người ta trách móc. Đúng là đến khổ vì “chạy” đám cưới!
Theo PhunuNet