Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Các kiểu nhận lì xì độc đáo của du học sinh

Đôi khi chỉ là những lời nhắn, lời chúc mừng năm mới qua mạng cũng là món lì xì lớn, có ý nghĩa nhất đối với du học sinh xa nhà.

Lì xì bỏ vào lợn tiết kiệm

Ngọc Minh (sinh năm 1991) - hiện đang học tập tại Phần Lan đã trải qua 3 mùa Tết xa nhà. Minh cho biết, mặc dù điều kiện không được như Việt Nam, nhưng cô gái trẻ cùng những người bạn đồng hương khác đều cố gắng chuẩn bị, trang trí nhà cửa, nấu nướng... để có thể đón năm mới ấm áp nhất.

Ngọc Minh hồi hộp chờ ngày về lĩnh tiền lì xì.

Năm nào cũng vậy, vào mỗi dịp Tết đến, Ngọc Minh vẫn đều đặn được nhận lì xì dù cô đang ở đất nước của ông già Noel xa xôi. Tuy nhiên, việc mừng tuổi của Minh có đôi phần đặc biệt.

Thay vì được trực tiếp nhận những phong bao đỏ từ bố mẹ hay người thân trong gia đình hay gửi vào tài khoản cá nhân, phụ huynh của cô lại chọn cách giữ giùm con gái. Toàn bộ lì xì vào năm mới của Minh đều được bố mẹ nhét vào lợn tiết kiệm, đợi bao giờ Minh về sẽ "phá kho".

"Mình rất hồi hộp và háo hức chờ ngày về cầm trong tay con lợn chứa tất cả lì xì mấy năm qua. Mình hiện tại vẫn chưa dự tính sẽ làm gì với khoản kha khá này" - cô bạn cho hay.

Tiền mừng tuổi bằng cả tháng lương ở nhà

Đó là trường hợp của Vũ Yến - du học sinh tại Séc. Mặc dù 2014 là năm đầu tiên Yến đón Tết xa nhà, tuy nhiên cô bạn 9X này vẫn vô cùng phấn khởi vì được nhận lì xì.

Khoản lì xì bằng cả tháng lương làm thêm ở nhà của Vũ Yến.

Yến cho biết, du học sinh Việt tại Séc không nhiều, mà chủ yếu là các gia đình đến làm ăn nên mọi người bất kể lớn bé thường tụ họp lại, cùng nhau chuẩn bị cho năm mới. Chính vì vậy, cô cũng có được kha khá tiền trong dịp Tết này.

Đặc biệt, năm nay là lần đầu tiên Vũ Yến được nhận lì xì có giá trị lên đến cả triệu đồng. "Lúc mở phong bao ra thấy có tận 2000 Kč (tiền Koruna của Séc) tương đương với khoảng 2 triệu đồng ở nhà khiến mình khá bất ngờ. Khoản tiền đó bằng cả tháng lương mình làm thêm trước đây. Chắc năm ngựa này mình sẽ may mắn lắm" - Yến hồ hởi nói.

Được sư thầy cho lộc

Phương Linh - du học sinh Anh cho biết, do bố mẹ thương con gái không được ăn Tết ở nhà nên từ trước ngày đầu năm mới vài tuần đã chuyển lì xì vào tài khoản để cô bạn sắm sửa. Tuy nhiên, điều khiến cô cảm thấy vui mừng, phấn khởi nhất không phải từ khoản lì xì của gia đình mà từ món quà lộc của sư thầy.

Phương Linh lần đầu đón Tết xa nhà.

Vì là Tết cổ truyền dân tộc nên Phương Linh cũng như bao người con xa quê khác đều muốn đến những nơi đông cộng đồng người Việt sinh sống hay mang đậm không khí đặc trưng của ngày Tết. Do vậy Linh quyết định đi lễ chùa Từ Đàm (tại Birmingham, Anh) - chùa người Việt lớn nhất ở Anh Quốc vào mùng 2.

Tiền Ấn Độ là lộc năm mới của sư thầy dành cho Linh.

Du học sinh trẻ tuổi chia sẻ: "Lúc ra về mình được một sư thầy xăm ấn thiêng lên người và cho lộc. Mặc dù lì xì không nhiều nhưng mình thực sự cảm thấy rất vui và tràn trề may mắn. Đây có lẽ là Tết ý nghĩa nhất của mình từ trước đến nay".

"Nói chuyện với người thân, nhận lời chúc năm mới là lì xì lớn nhất"

Đỗ Quyên - hiện đang theo học ngành khách sạn tại Thuỵ Sĩ đã chia sẻ như vậy khi nhắc đến việc lì xì vào năm mới.

Quyên cho hay, phải đi học xa, nhất là vào dịp Tết khiến cho cô bạn tủi thân và rất nhớ người thân, bạn bè. "Trước đây cùng bố mẹ đi sắm Tết, dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn… cảm giác được tận hưởng trọn vẹn không khí Tết thật là thích. Giờ ở bên này dù có làm gì cũng chẳng thể nào bằng ở nhà"- Quyên nói.

Đỗ Quyên chỉ cần trò chuyện, nhận lời chúc mừng năm mới từ người thân, bạn bè.

Đối với Đỗ Quyên, lì xì quan trọng nhưng ý nghĩa nhất với cô bạn lúc này vẫn là được trò chuyện cùng người thân, bạn bè và chia sẻ những chuyện vui - buồn trong năm qua. Bên cạnh đó, những lời nhắn, lời chúc mừng trên mạng của mọi người vào ngày đầu năm mới cũng là món quà mà Quyên trân trọng, cảm thấy được an ủi nhiều nhất.

Du học sinh Việt từng bật khóc vì Tết xa xứ

Vì lịch thi dày đặc, điều kiện kinh tế không cho phép, nhiều du học sinh Việt chấp nhận đón Tết xa nhà suốt 5, 6 năm liền.

Trần Linh

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm