Nhiều người trẻ thích ghi lại ngày làm việc của mình và đăng lên mạng. |
Meena Kirupakaran (23 tuổi), nhân viên marketing, chưa bao giờ nghĩ công việc của mình có gì thú vị.
Mỗi ngày, cô mất hơn một tiếng để đến văn phòng HarperCollins ở Toronto (Canada), trong đó có 40 phút đi tàu. Công ty của Kirupakaran không có bia lạnh hay bữa trưa miễn phí như những doanh nghiệp khác.
Tuy nhiên, khi đăng một số bức ảnh, video tại nơi làm việc lên mạng với nền nhạc nhẹ nhàng, cô gái 23 tuổi bắt đầu thấy cuộc sống công sở đã thay đổi theo cách khác.
Chỉ sau một đêm, đoạn clip mà cô đăng vào tháng 8 đã đạt hơn 100.000 lượt xem và nhanh chóng tăng thêm nhiều lần.
Kirupakaran cho biết công việc của cô đã được lãng mạn hóa hơn so với trước đây. Từ đó, cô cố ý sắp xếp thói quen hàng ngày để giúp người xem cảm nhận được sự yên bình và hấp dẫn nhất qua các video.
Mơ tưởng về cuộc sống văn phòng
Thành công của Kirupakaran là nhờ nắm bắt tâm lý từ những nhân viên văn phòng Gen Z, say mê công việc hơn một số đồng nghiệp lớn tuổi, cảm thấy mới mẻ khi tiếp cận với thế giới công sở.
Kirupakaran tốt nghiệp đại học và gia nhập vào thị trường lao động trong thời kỳ đại dịch. Giống như nhiều bạn bè đồng trang lứa, cô chưa bao giờ làm việc toàn thời gian trước khi được nhận vào HarperCollins.
Nội dung trong các video Kirupakaran đăng tải thường theo hướng “một ngày của tôi”, bao gồm chăm sóc da, thói quen ăn uống, các chuyến du ngoạn trong thành phố, sự kiện liên quan đến công việc.
Các cảnh trong clip thường được chắt lọc kỹ càng, hậu kỳ cẩn thận để mang đến một cái nhìn tươi sáng về môi trường công sở.
Đó có thể là bữa trưa một mình, tự pha cà phê hoặc phô bày các tiện ích của nhân viên như phòng tập thể dục, tủ lạnh chứa đầy đồ ăn. Một số khác thì thích quay các phòng họp được bày trí sang trọng, quầy lễ tân, thư viện hào nhoáng của công ty.
Khi nhiều người phản đối yêu cầu quay lại văn phòng, những video của Kirupakaran là một sự tương phản rõ rệt.
Alison Chen, có hơn 25.000 người theo dõi, thường đăng các video về cuộc sống công việc. |
Nhìn chung, những video này đóng vai trò như một thông điệp tích cực cho các công ty đang cố gắng thuyết phục nhân sự của họ.
“Rất nhiều nhà sáng tạo nội dung đã lan truyền thông điệp ‘Đừng làm việc trực tiếp!’. Nhưng tôi nghĩ có điều gì đó thật đẹp khi bạn lãng mạn hóa việc đi làm”, Kirupakaran nói.
Alison Chen (23 tuổi) từng có thời gian thực tập tại một doanh nghiệp trước khi đại dịch bùng phát. Sau khi ra trường, cô được nhận vào vị trí thiết kế sản phẩm tại Microsoft và phải chuyển đến một thành phố xa lạ, không quen biết ai. Nhưng những đồng nghiệp đã giúp cô kết bạn.
Vào tháng 5, Chen đã đăng một video có tiêu đề “Hôm nay văn phòng của tôi mở cửa trở lại”, ghi lại khoảnh khắc đường phố, uống cà phê, ăn bánh cuộn cá hồi và những giờ làm việc vui vẻ.
Đoạn clip thu hút hơn 143.000 lượt xem.
“Tôi nghe bạn bè nói rằng họ bắt đầu đến văn phòng nhiều hơn sau khi thấy nó thực sự thú vị”, Chen chia sẻ.
Hút view nhờ sự tò mò
Rachitha Tholasi (23 tuổi), làm việc cùng Chen tại Microsoft, không biết về những video của Chen trước khi vô tình gặp nhau tại một buổi trưa vào mùa thu năm ngoái.
Tuy nhiên, giờ đây, Tholasi thỉnh thoảng lại xuất hiện trong những cảnh quay hàng ngày của đồng nghiệp và cô thích thú với điều đó. Đến nay, công ty của họ trên phố Market đã nổi tiếng vì có những nhân sự trẻ trung, yêu thích sự vui vẻ.
“Một năm trước, lúc tôi mới đến thì chỉ có 5 người cùng trang lứa với tôi. Giờ thì chúng tôi phải xếp ít nhất 2 bàn ăn trưa lớn hoặc thậm chí nhiều hơn mới đủ chỗ cho tất cả”, Tholasi kể.
Các nội dung về cuộc sống hàng ngày ở văn phòng khá tương đồng với xu hướng “CareerTok”, nơi những người dùng đưa ra lời khuyên về tìm việc làm hoặc hướng dẫn cách viết thư ứng tuyển, chỉnh sửa sơ yếu lý lịch.
Chen và những nhà sáng tạo khác cho rằng độ nổi tiếng của họ tăng lên là do sự tò mò của giới trẻ khi trở thành nhân viên văn phòng và cách chọn con đường sự nghiệp.
Madeline Edwards (24 tuổi) cho biết khi đến tuổi trưởng thành, những bộ phim như “The Devil Wears Prada” và “How to Lose a Guy in 10 Days” đã tạo ấn tượng đầu tiên cho cô về việc thế giới công sở sẽ như thế nào.
Cả hai mô tả môi trường làm việc rất cụ thể hoặc đưa ra những tình huống phi thực tế.
Giờ đây, Edwards và những KOL khác có quyền tác động đến cách người trẻ nhìn nhận về cuộc sống văn phòng và hình ảnh họ tạo ra có thể bị sai lệch theo góc nhìn cá nhân.
Nhiều tập đoàn lớn như Target, Chipotle cũng tận dụng nền tảng này để tuyển dụng. Một số chuyên gia cho hay ngay cả khi các công ty không yêu cầu nhân viên trẻ lan truyền thông điệp tích cực về công việc trên mạng nhưng họ đều biết điều đó đang xảy ra và rất vui khi thấy nó được nổi tiếng.
Các đoạn video luôn được cắt ghép kỹ càng để mang lại thông điệp tích cực. |
Mặt trái của việc xu hướng này là không phải ai cũng cảm nhận được sức hút từ ngày làm việc “9 to 5” (từ 9h đến 17h). Nhiều người cho rằng những bức ảnh chụp tác giả ngồi ở bàn say sưa xử lý nhiệm vụ chỉ là một khoảng thời gian nhỏ giữa giờ nghỉ giải lao và guồng quay bận rộn.
Những góc khuất khác có thể không được xuất hiện trên các cảnh quay. Tại Mỹ, nhân viên của HarperCollins đang đình công đòi được trả lương và phúc lợi tốt hơn.
Trong vài tháng qua, những gã khổng lồ công nghệ như Meta và Twitter đã sa thải hàng nghìn người lao động. Microsoft, nơi Chen làm việc, nói với các nhà đầu tư rằng họ cũng sẽ cắt giảm nhân lực trong quý này.
Mục Đời sống gửi đến độc giả gợi ý về những tác phẩm hay, mang hơi thở thời đại. Hội mê sách cũng có thể tìm thấy những bí kíp để "sống chất" hơn với sở thích của mình.