Việc kinh doanh tại nhiều khu mua sắm ở xứ Cảng Thơm gặp khó khăn do các quy định nghiêm ngặt. |
Theo khảo sát mới nhất của Cushman & Wakefield, một công ty bất động sản, Hong Kong vừa mất vị trí là khu mua sắm xa hoa nhất thế giới vào tay New York trong bối cảnh kinh tế suy thoái và lượng du khách quốc tế liên tục giảm sút do Covid-19.
Đại lộ số 5 ở trung tâm Manhattan (Mỹ) sẽ thay thế ngôi vương của Tsim Sha Tsui trên bảng xếp hạng top 10. Đứng thứ ba là Via Montenapoleone ở Milan (Italy), SCMP đưa tin.
Giá thuê trung bình ở đại lộ số 5 đã tăng 14% lên 2.000 USD/m2 trong quý III so với mức trước đại dịch, trong khi Tsim Sha Tsui giảm 41% xuống 1.436 USD/m2.
Khu phố sầm uất bậc nhất xứ Cảng Thơm chứng kiến chi phí thuê giảm 5% khi các nhà bán lẻ trong thành phố gặp khó khăn vì các lệnh hạn chế và lượng khách du lịch ít ỏi.
Theo dữ liệu, giá mướn mặt bằng tại những địa điểm mua sắm khác của Hong Kong như Causeway Bay cũng giảm 7% trong năm qua và 49% kể từ trước năm 2019 xuống còn 1.292 USD/m2.
Điều này đưa Causeway Bay lên vị trí thứ hai ở châu Á - Thái Bình Dương sau Tsim Sha Tsui. Nơi này không xuất hiện trong top 10 toàn cầu vì chỉ được liệt kê một vùng cho mỗi thành phố.
“Các cửa hàng bị bỏ trống chiếm phần lớn trong 2 khu buôn bán nổi tiếng ở Hong Kong vì lượng người Trung Quốc đến đây vẫn ở mức rất thấp. Nhìn chung, giá cả sẽ tiếp tục chịu áp lực mặc dù đã cố gắng điều chỉnh”, Kevin Lam, Giám đốc điều hành của Cushman và người đứng đầu bộ phận dịch vụ bán lẻ tại Hong Kong, cho biết.
Trước tình hình đó, họ đã ghi nhận sự thay đổi trong cơ cấu thương mại tại các địa điểm bán lẻ đắc địa. Chẳng hạn, Causeway Bay đã chuyển từ nơi dành cho hàng hóa cao cấp, sang trọng thành những mặt bằng phục vụ nhu cầu lối sống và chi tiêu địa phương.
Bốn khu mua sắm khác ở châu Á - Thái Bình Dương xuất hiện trong top 10 của Cushman là Ginza (Tokyo) - thứ 6, Pitt Street Mall (Sydney) - thứ 8, Myeongdong (Seoul) - thứ 9 và đường Tây Nam Kinh (Thượng Hải) - thứ 10.
Tình hình kinh doanh hàng xa xỉ ở Hong Kong vẫn chưa phục hồi từ sau đại dịch. Ảnh: SCMP. |
“Các quốc gia ở khu vực này đang thực hiện nhiều chính sách nghiêm ngặt với du lịch trong nước và một số trong đó phụ thuộc nhiều hơn vào tiêu dùng nội địa”, Rosanna Tang, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Cushman, nói.
Theo một báo cáo cuối tháng 10 từ Knight Frank, thị trường bán lẻ của xứ Cảng Thơm vẫn còn yếu, với tổng doanh số bán lẻ giảm 0,1% so với cùng kỳ xuống còn 28,6 tỷ đô la Hong Kong (3,7 tỷ USD) trong tháng 8.
Các nhà phân tích tại đơn vì này cho rằng chính phủ cần phải nới lỏng hầu hết quy định khắt khe về đại dịch như sử dụng ứng dụng LeaveHomeSafe, giãn cách xã hội, cấm tụ tập đông người vì chúng đang cản trở nghiêm trọng đến hoạt động xã hội và kinh tế.
“Chúng tôi tin việc dỡ bỏ các hạn chế sẽ cho phép xã hội trở lại bình thường trong khi vẫn duy trì cảnh giác, từ đó cải thiện tâm lý tiêu dùng địa phương và thúc đẩy doanh số bán lẻ”, đại diện Knight Frank chia sẻ.
Mục Đời sống gửi đến độc giả gợi ý về những tác phẩm hay, mang hơi thở thời đại. Hội mê sách cũng có thể tìm thấy những bí kíp để "sống chất" hơn với sở thích của mình.