Núi Bà Đen, hồ Dầu Tiếng, Ma Thiên Lãnh, di tích Trung ương Cục miền Nam… là những điểm đến du khách không nên bỏ qua khi đến Tây Ninh.
Du lịch tâm linh
Cách TP.HCM khoảng 100 km, Tây Ninh là một trong những điểm du lịch tâm linh đặc sắc tại khu vực miền Nam. Tại đây có núi Bà Đen với 6 ngôi chùa từ dưới chân lên lưng chừng, thờ Linh Sơn Thánh Mẫu Bồ Tát - biểu tượng thiêng liêng trong tâm thức người dân Nam bộ. Trên đỉnh núi là quần thể công trình tâm linh kỳ vĩ, nổi bật với tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn cao nhất châu Á.
Núi Bà Đen là điểm du lịch tâm linh đặc sắc. |
Dưới chân tượng Phật có khu triển lãm Phật giáo 4 tầng - nơi du khách có thể khám phá thế giới Phật giáo qua công nghệ hiện đại như trình chiếu video 3D mapping, hologram hay chiêm ngưỡng phiên bản mô phỏng tác phẩm Phật giáo kinh điển của Việt Nam và thế giới.
Quang cảnh kỳ vĩ trên Núi Bà Đen. |
Theo sư thầy Kittiched Siriwattago - đền Phra Chedi Sao Lang, Thái Lan - không chỉ người Việt, núi Bà Đen là nơi mọi du khách quốc tế nên ghé thăm. Quang cảnh trên núi rất đẹp và mát mẻ.
“Là người tu tập thiền định, khi đến đây, tôi cảm nhận rõ sự linh thiêng, thanh thản trong tâm hồn. Cảm giác như có thể trút bỏ mọi ưu phiền, đau khổ”, sư thầy cho biết.
Đặc biệt, đến Núi Bà Đen dịp hè, du khách còn có cơ hội tham gia các lễ hội văn hóa tâm linh lớn như Đại lễ Phật Đản (tháng 4 âm lịch) hay Lễ vía Bà Đen (tháng 5 âm lịch).
Bên cạnh núi Bà Đen, Tây Ninh có nhiều điểm đến tâm linh nổi tiếng, tiêu biểu là Toà Thánh - biểu tượng đạo Cao Đài với lối kiến trúc nguy nga. Du khách có thể đến Toà Thánh để xem tín đồ hành lễ Cúng tứ thời - nghi lễ định kỳ hàng ngày, diễn ra trong 4 khung giờ (0h, 6h, 12h và 18h). 18h là khung giờ đẹp nhất để xem lễ.
Tây Ninh có nhiều ngôi chùa cổ linh thiêng nổi tiếng như Gò Kén - ngôi cổ tự có tuổi đời hơn trăm năm, với bức tượng Phật Quán Thế Âm lớn bậc nhất miền Đông Nam Bộ. Hay chùa Giác Ngạn xây từ trăm năm trước với lối kiến trúc cổ kính yên bình; chùa Phước Lâm xây dựng từ thế kỷ 19 vẫn giữ “hồn xưa bóng cũ” với cột, kèo gỗ nâu bóng, mái chùa âm dương rêu xanh…
Thăm các di tích lịch sử
Tây Ninh có nhiều di tích lịch sử nổi tiếng như Trung ương Cục miền Nam (khu vực rừng Rùm Đuôn, xã Tân Lập, huyện Tân Biên) - cơ quan đầu não cách mạng miền Nam một thời gian dài. Ngoài hội trường lớn để hội họp, nhà bếp Hoàng Cầm, nhà ăn tập thể, nơi đây có nhà ở và khu vực làm việc của lãnh đạo Trung ương Cục như ông Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Chí Thanh, Võ Văn Kiệt, Phạm Hùng… Tất cả công trình nhà ở, làm việc, hội trường… được nối với nhau qua hệ thống giao thông hào khá sâu, nằm dưới tán cây rừng xanh mướt.
Di tích chiến thắng Tua Hai (ấp Tua Hai, xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành) cũng là điểm đến nổi tiếng. Nơi đây diễn ra chiến thắng Tua Hai, mở màn phong trào đồng khởi vũ trang và đánh dấu sự chuyển mình của cách mạng miền Nam.
Cụm tượng tái hiện hoạt động của quân cách mạng trong kháng chiến tại Động Kim Quang. |
Tại Tây Ninh, núi Bà Đen là di tích lịch sử quốc gia, từng lưu dấu vẻ vang của quân và dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ bảo vệ Tổ quốc. Ngày nay, núi Bà Đen vẫn lưu lại dấu vết của thời khói lửa, khoảnh khắc lịch sử oai hùng tại động Kim Quang và bảo tàng dưới chân núi. Suốt 40 năm qua, động Kim Quang - căn cứ địa bất khả xâm phạm của lực lượng giải phóng quân - vẫn tổ chức lễ hội truyền thống vào tháng Giêng để tưởng nhớ anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc.
Du lịch sinh thái
Tại Tây Ninh, hồ Dầu Tiếng - hồ nước ngọt nhân tạo lớn nhất Việt Nam - là điểm đến được giới trẻ yêu thích. Du khách có thể trải nghiệm khung cảnh nên thơ, cắm trại ngắm hoàng hôn và bình minh, chèo thuyền SUP, câu cá, khám phá các đảo bằng cano… khi dừng chân tại đây.
Cách đó không xa, nếu đam mê trekking, du khách không nên bỏ qua Ma Thiên Lãnh - thung lũng nằm tiếp giáp giữa núi Bà Đen, núi Phụng và núi Heo (trong quần thể núi Bà Đen). Với khung cảnh hùng vĩ, khí hậu trong lành cùng dòng suối mát lạnh chảy từ trên núi, thung lũng Ma Thiên Lãnh trở thành điểm dã ngoại ấn tượng.
Hồ Núi Đá tọa lạc giữa thung lũng Ma Thiên Lãnh. |
Từ Ma Thiên Lãnh, du khách có thể leo lên núi Bà Đen. Tuy nhiên, hành trình này chỉ dành cho người yêu thích khám phá và có thể lực tốt. Vì vậy, nhiều người chọn lên “nóc nhà Nam bộ” bằng đường cột điện hoặc đường chùa.
Bên cạnh đó, lên núi bằng hệ thống cáp treo (khoảng 5 phút) là lựa chọn phù hợp để giữ sức. Trên đỉnh núi, du khách có thể tận hưởng thiên đường hoa rực rỡ, phóng tầm mắt ngắm nhìn toàn cảnh đồng bằng trù phú của vùng Đông Nam Bộ và đắm mình vào khí hậu mát lạnh với nhiệt độ thấp hơn thành phố 8-10 độ C.