1. Đâu là một trong 5 kỷ lục thế giới cho ẩm thực Việt Nam vừa được Tổ chức Kỷ lục Thế giới (WorldKings) công nhận?
Dựa trên đề cử từ Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings), WorldKings mới đây đã công nhận 5 kỷ lục thế giới cho ẩm thực Việt Nam, trong đó có kỷ lục "quốc gia sở hữu nhiều món ăn chế biến từ hoa nhất thế giới", cùng các kỷ lục: sở hữu nhiều món ăn sợi và nước dùng nhất; sở hữu nhiều loại mắm nhất và có các món ăn chế biến từ mắm được ưa chuộng; sở hữu nhiều món cuốn nhất; sở hữu nhiều món làm từ bột gạo nhất. Ảnh: Bachuaviahe. |
2. Trong các vùng miền, miền Tây cũng có khá nhiều món ăn chế biến từ các loài hoa đặc trưng. Trong ảnh là hoa (bông) nào?
Bông so đũa, hay điền thanh hoa lớn, thường có màu trắng tinh, hồng nhạt hoặc hồng tím. Được nhiều người miền Tây ưa chuộng, bông so đũa có thể dùng để nấu canh chua, ăn với các loại lẩu, chấm mắm kho quẹt, trộn gỏi, xào... Ảnh: Phuonglytbtn. |
3. Loại hoa (bông) màu vàng trong ảnh, thường ăn cùng lẩu mắm, là gì?
Bông bí có màu vàng rực rỡ, cánh xòe nhẹ duyên dáng. Khi sơ chế bông bí, người ta thường chú ý tước bỏ lớp xơ của cọng. Bông bí có thể ăn kèm lẩu mắm, chế biến các món xào, nhồi tôm, thịt... Ảnh: Dupeo.review_. |
4. Trong ảnh là hoa (bông) nào với màu tím đặc trưng?
Lục bình trôi theo dòng nước là hình ảnh quen thuộc, gần gũi với nhiều người dân miền Tây, thường đi vào thơ, nhạc. Bông lục bình nở thành từng chùm với sắc tím nhạt đặc trưng, có chấm vàng ở giữa, cánh hoa mỏng manh, mướt mềm như lụa. Người dân miền Tây thường dùng bông lục bình nhúng lẩu mắm. Ảnh: __Anhnguyen. |
5. Loại hoa (bông) nào thường tạo thành "cặp đôi" với món mắm kho miền Tây?
Bông súng - mắm kho là "cặp đôi" trứ danh trong ẩm thực miền Tây, có thể gây thương nhớ với không ít người từng thưởng thức qua. Bông súng thường lên nhanh, thi nhau đua nở khắp những cánh đồng vào mùa nước nổi. Cùng với bông súng, các loại nguyên liệu khác ăn kèm mắm kho còn có khổ qua, chuối chát, dưa leo, bắp chuối, rau nhút, so đũa, kèo nèo... Ảnh: Huynh_ninh. |
6. "Mai vàng mùa nước nổi" là hoa (bông) gì ở miền Tây?
Bông điên điển là sản vật đặc trưng vào mùa nước nổi ở miền Tây (khoảng tháng 7-11 âm lịch hàng năm), thường được ví như "mai vàng mùa nước nổi". Bông có vị hơi nhẫn nhẹ, ngọt, bùi, có thể nấu lẩu cá linh, canh chua cá linh, đổ bánh xèo, xào tép, muối chua... Ảnh: Deliholi. |
7. Loại hoa (bông) nào sau đây thường được người miền Tây dùng trộn gỏi?
Bần, hay thủy liễu, vốn là loài cây dân dã, mọc hoang bên nhiều bờ bãi ở miền Tây sông nước. Trái bần với vị chua chát đặc trưng có thể ăn sống chấm muối ớt, nấu canh chua, kho cá, nấu lẩu, ăn với mắm sống... Riêng bông bần thường được dùng để trộn gỏi với tép bạc, cá sặc, thịt bò... cho ra món ăn độc đáo. Ảnh: Sanchimvamho. |