Dhaliwal, người sáng lập tạp chí văn hóa Nam Á Burnt Roti, đã chặn những tài khoản gửi ảnh này, nhưng hành vi quấy rối vẫn tiếp tục, theo SCMP.
“Đây là trò chơi thể hiện sức mạnh - nơi họ cảm thấy mình có quyền lực và có thể bỏ đi chỉ với câu nói ‘Tôi đã làm điều đó với cô ta’”, cô nói.
Dhaliwal đã phản hồi về một báo cáo gần đây về bạo lực trên cơ sở giới và kỳ thị phụ nữ trên Instagram.
Các chuyên gia và nhân viên hỗ trợ ở khu vực châu Á và châu Âu nói rằng mạng xã hội và các ứng dụng trò chuyện đang làm phụ nữ thất vọng "một cách có hệ thống" khi mà lạm dụng bằng hình ảnh và các hình thức bạo lực tình dục trực tuyến khác gia tăng trong đại dịch Covid-19.
Thống kê cho thấy chỉ 1/10 vụ lạm dụng trên mạng xã hội được nền tảng thực sự xử lý. Ảnh: Andre Moura/Pexels. |
Mạng xã hội lặng thinh
Nhận xét của họ được đưa ra sau một báo cáo gần đây của Trung tâm chống lại sự căm thù kỹ thuật số (CCDH), một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở chính tại Mỹ tập trung vào việc phá vỡ sự căm thù trực tuyến và thông tin sai lệch.
Báo cáo cho thấy mạng xã hội không xử lý 90% hành vi lạm dụng được gửi qua hộp tin nhắn trực tiếp (DMs). Theo CCDH, những phát hiện này đại diện cho “một bệnh dịch về sự chống đối, kỳ thị phụ nữ đang diễn ra ở hộp DMs của nữ giới”.
Trung tâm đã phân tích 8.717 tin nhắn mà 5 phụ nữ nổi tiếng nhận được trên kênh truyền thông này, bao gồm cả diễn viên Hollywood Amber Heard và Dhaliwal, người lên tiếng về quyền của phụ nữ Nam Á.
Clare McGlynn QC, giáo sư ngành luật tại Đại học Durham (Anh) và là chuyên gia về lạm dụng tình dục bằng hình ảnh, cho biết báo cáo chỉ ra “hệ thống và quy trình” của các nền tảng mạng xã hội có vấn đề như thế nào.
Nhà văn Dhaliwal, lọt vào danh sách những phụ nữ có ảnh hưởng toàn cầu BBC 100 Women 2019, liên tục nhận được tin nhắn quấy rối tình dục trên mạng xã hội. Ảnh: @sharandhaliwal_. |
“Đây không chỉ là vấn đề lạm dụng và quấy rối, mà điểm mấu chốt nằm ở việc các nền tảng mạng xã hội đang làm cho tình trạng này trở nên tồi tệ hơn. Nếu ngay cả ngôi sao nổi tiếng cũng không nhận được phản hồi từ công ty mạng xã hội, người dùng khác có hy vọng gì?”, bà nói với SCMP.
Shailey Hingorani, người đứng đầu bộ phận Nghiên cứu và Vận động tại tổ chức AWARE có trụ sở ở Singapore, đồng ý rằng “có nhiều điều đáng lưu ý trong báo cáo mới này xung quanh những lỗ hổng trong cách xử lý sai phạm của mạng xã hội, và cách nền tảng không thực hiện đúng lời hứa với người dùng”.
Hingorani cho biết chuyện phụ nữ bị lạm dụng nhiều trên mạng xã hội không phải điều mới mẻ.
“Thế nhưng, tỷ lệ thực hiện hành động chống lại những kẻ lạm dụng của nền tảng mạng xã hội là thấp đáng kinh ngạc”, bà nhấn mạnh.
Theo báo cáo của CCDH, Instagram không phản hồi hầu hết trường hợp báo cáo lạm dụng, bao gồm hình ảnh, video khỏa thân gửi đến phụ nữ dù không được yêu cầu, tin nhắn bạo lực, thậm chí là đe dọa tử vong.
Mạng xã hội chỉ xử lý một trên 10 mối đe dọa bạo lực qua DMs, ngay cả khi những trường hợp còn lại được báo cáo bằng công cụ của nền tảng.
Mạng xã hội của công ty Meta đang làm người dùng nữ thất vọng. Ảnh: Tofros.com/Pexels. |
Trong số những người đã gửi tin nhắn lạm dụng được nghiên cứu, 227/253 tài khoản vẫn hoạt động ít nhất một tháng sau khi bị báo cáo.
Những kẻ lạm dụng đôi khi cố gắng tiếp cận mục tiêu của chúng thông qua cuộc gọi video trên Instagram. Một tài khoản đã cố gắng gọi cho Dhaliwal sau khi gửi ảnh chụp bộ phận sinh dục nam cho cô.
Trong 3 ngày, một người lạ khác gửi cho Dhaliwal 42 tin nhắn, một số chứa nội dung khiêu dâm rồi sau đó cố gắng gọi điện cho cô.
Tin nhắn âm thanh cũng trở thành phương tiện của những kẻ lạm dụng. Nói với CCDH, Dhaliwal cho rằng tin nhắn quấy rối bằng giọng nói gây cảm giác xâm hại kinh khủng hơn.
Định kiến xã hội cản trở
Giáo sư McGlynn lưu ý rằng nhiều “hình thức lạm dụng bằng hình ảnh đang trở nên bình thường hóa”. Chẳng hạn, việc gửi hình ảnh dương vật mà không có sự đồng ý đang trở nên “quá phổ biến và bị bình thường hóa”.
Trong khi đó, các nạn nhân trên khắp thế giới đang phải đối mặt với những thách thức ngày càng tăng, dù bối cảnh văn hóa và xã hội cụ thể có thể khiến một số người thậm chí gặp khó khăn nhiều hơn.
Quấy rối phụ nữ bằng hình ảnh trên mạng xã hội đang bị bình thường hóa. Ảnh: Alycia Fung/Pexels. |
“Chúng tôi cho rằng các nạn nhân đều đối mặt với trở ngại và định kiến như nhau khi tìm kiếm sự giúp đỡ, báo cáo và chia sẻ trải nghiệm của mình”, Jacey Kan, cán bộ vận động của Hiệp hội Liên quan đến Bạo lực Tình dục đối với Phụ nữ ở Hong Kong, chia sẻ.
“Hong Kong còn đang tụt hậu so với phong trào #MeToo đương thời với những cuộc thảo luận công khai và trực tuyến về sự đồng thuận, quyền tự chủ cơ thể và các hình thức liên quan”, bà nhận định.
Bà cho biết những nạn nhân ở Hong Kong hay Đài Loan thường bị chế giễu và quấy rối trên các diễn đàn trực tuyến địa phương. “Rất hiếm” thấy bình luận ủng hộ nạn nhân, theo Kan.
Hingorani cho biết ở châu Á, “thể diện”, có thể bao gồm “danh tiếng, sự tôn trọng, uy tín và danh dự, được đánh giá cao hơn. Khái niệm này “cũng thường được gắn với sự trong trắng của phụ nữ, dẫn tới thêm sự kỳ thị xã hội đối với bạo lực tình dục trong bối cảnh châu Á”.
Thủ phạm được khuyến khích nhờ tính ẩn danh
Nisha Rai, điều phối viên cho Liên minh Hành động tập trung vào việc giải quyết vấn đề xâm hại trực tuyến đối với phụ nữ và trẻ em gái ở Singapore, cho biết những phát hiện trong báo cáo của CCDH gần đây là "đáng lo ngại", nhưng không quá ngạc nhiên.
Rai (23 tuổi), sinh viên đại học ngành khoa học chính trị, theo dõi 15 nhóm trên nền tảng nhắn tin mã hóa Telegram, nơi những kẻ lạm dụng chia sẻ hình ảnh và video khiêu dâm trẻ em gái và phụ nữ. Nhiều thành viên trong nhóm đến từ Singapore và Malaysia.
“Tôi cảm thấy nạn lạm dụng bằng hình ảnh ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Nhờ có thể che giấu danh tính, không ngạc nhiên khi các thủ phạm càng được khuyến khích hành xử sai trái theo cách của họ”, cô nói.
Phụ nữ, đặc biệt ở khu vực châu Á, phải đối mặt với định kiến xã hội khi lên tiếng về trải nghiệm lạm dụng trên mạng xã hội. Ảnh minh hoạ: Ketut Subiyanto/Pexels. |
Silvia Semenzin, nhà hoạt động xã hội kiêm giảng viên về văn hóa kỹ thuật số và truyền thông mới tại Đại học Amsterdam, cho biết các công ty mạng xã hội như Meta cần phải để tâm đến quan điểm của những nạn nhân lạm dụng tình dục.
“Vấn đề là những công ty này sẽ luôn đặt lợi nhuận lên trên nhân quyền. Động lực tồn tại của họ chính là khai thác dữ liệu”, bà nói.
Theo giáo sư McGlynn, điểm mấu chốt là khiến các công ty truyền thông phải thay đổi hệ thống của họ theo cách giảm thiểu sự lạm dụng trực tuyến và tính lan truyền của nó.
“Điều này đồng nghĩa ‘giảm thiểu rủi ro tối đa’ nên là nguyên tắc chính của các công ty. Đó là sự thay đổi hoàn toàn và cần thiết trong cách các nền tảng hoạt động”, bà nói.
Giáo sư cũng lập luận rằng không có nền tảng mạng xã hội nào thực hiện xử lý hành vi lạm dụng và quấy rối đủ nghiêm túc.
“Tất cả đều nói họ làm; nhưng hết lần này đến lần khác, những báo cáo như của CCDH được công bố và cho thấy rằng các công ty truyền thông xã hội đang làm phụ nữ thất vọng một cách đặc biệt”, bà nói.