Quận 7 là khu vực sinh sống của lượng lớn người nước ngoài, khách du lịch Hàn Quốc, Nhật Bản khi đến TP.HCM. Nơi này tập trung nhiều chuỗi F&B, không gian cà phê hiện đại, đáp ứng đa nhu cầu. Phần lớn địa điểm nổi tiếng với giới trẻ đều đổ dồn về khu Phú Mỹ Hưng, đường Nguyễn Thị Thập, Trần Xuân Soạn, Lê Văn Lương… |
Nằm tại tầng 1, khu căn hộ Sky Garden 2 (đường Phạm Văn Nghị), Luia được thiết kế theo phong cách tối giản, bao bọc bởi view cây xanh của tòa chung cư. Đây là một trong những quán cà phê Hàn Quốc được nhiều bạn trẻ ưa chuộng. Anh Jack Kim (sinh năm 1985) cùng vợ sang Việt Nam từ năm 2017 và mở cửa hàng đầu tiên sau đó một năm. |
Anh Kim cho biết khách hàng chủ yếu của quán là giới trẻ, thích sự mới mẻ và những người đam mê lĩnh vực thời trang, nhiếp ảnh. “Tôi muốn tạo ra một không gian nơi mọi người có thể trải nghiệm đồ uống theo phong cách Hàn Quốc tại Việt Nam. Mở quán 6 năm, tôi nghĩ phần khó khăn nhất đối với người nước ngoài khi kinh doanh tại Việt Nam là luật và kế toán”, chủ quán nói. |
Rang Rang Coffee cũng góp một “màu sắc” vào bức tranh cà phê ở quận 7 với mô hình specialty coffee. Ngoài nhân viên văn phòng, sinh viên và nhóm đam mê cà phê, cư dân Hàn Quốc cũng thường ghé qua đây để thưởng thức đồ uống. |
Chi nhánh trên đường Hà Huy Tập được thiết kế theo hướng industrial minimalist, thu hút nhiều bạn trẻ đến chụp ảnh check-in. Ngoài ra, chuỗi cửa hàng này thường chọn vị trí gần các chung cư lớn, trung tâm thương mại. |
“Theo tôi, thị trường cà phê thương mại hiện nay đã quá chật chội và không còn chỗ chen chân. Chính vì vậy, các quán specialty coffee ở TP.HCM đang phát triển nhanh chóng. Đây là cơ hội cho chúng tôi trong việc mang đến thức uống cao cấp cho khách hàng”, anh Nguyễn Bảo Long (sinh năm 1985), chủ quán, chia sẻ. |
Circle Coffee (đường Nguyễn Thị Thập) cũng được nhiều dân văn phòng, freelancer biết đến. Khách tới quán thường chọn không gian bên trong với thiết kế phù hợp để làm việc. |
Đến tiệm cà phê làm việc 3 lần/tuần, Thảo Nguyên (sinh năm 1991) thường chọn những nơi có không gian yên tĩnh, Wi-Fi ổn định, thức uống ngon và nhạc nhẹ nhàng. Mỗi lần như vậy, “công dân laptop” này sẵn sàng chi từ 70.000 đồng đến 140.000 đồng/combo nước và bánh ngọt. “Tôi đã đi hầu hết quán nước ở đây để tìm chỗ làm việc đáp ứng các yêu cầu trên. Nơi nào ưng ý, tôi sẽ ghé lại thường xuyên”, Nguyên nhận xét. |
Lan Anh (sinh năm 2001), nhân viên quán Ollin Café (đường Nguyễn Thị Thập), cho biết chi nhánh ở quận 7 hướng tới mô hình làm việc, khách tới check-in chỉ chiếm số nhỏ. Với sức chứa khoảng 120 người, nơi này có 4 không gian để phục vụ khách hàng. Xung quanh các dãy bàn đều được bố trí nhiều ổ điện để khách thoải mái xử lý công việc, chạy deadline. |
Theo Thủy Tiên (sinh năm 1998, freelancer), mô hình quán cà phê ở quận 7 chưa thực sự ấn tượng. “Giá cả tương đương quận 1 nhưng độ đa dạng thì chưa. Tôi hay ghé các tiệm gần nhà, nội khu Phú Mỹ Hưng hoặc những quán ở trung tâm thành phố nếu có công việc cá nhân”, Tiên chia sẻ. |
Bên cạnh các thương hiệu lớn, những quán đơn lẻ, hidden gem cũng thu hút sự chú ý của người dân trong khu vực và khách hàng trẻ. Dọc theo "khu phố Hàn" (phường Tân Phong) và các tuyến đường chính, bức tranh hàng quán ở quận 7 nổi bật với hai mảng: mô hình cà phê check-in, sống ảo và không gian làm việc. Các hình thức khác cũng tồn tại nhưng chiếm tỷ lệ nhỏ. |
Nhiều bạn trẻ nhận xét điểm chung của các quán là mức giá không chênh lệch quá nhiều, không gian được đầu tư chỉn chu. Sự khác biệt nằm ở độ nhận diện, nguồn nguyên liệu và văn hóa phục vụ khách hàng. |
Vị trí của cà phê Việt Nam trên bản đồ thế giới
Theo sách Bản đồ thế giới cà phê của James Hoffmann, sản lượng cà phê lớn ở Việt Nam từ thập niên 1990 đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến ngành công nghiệp cà phê toàn cầu. Năm 1990, hàng loạt công ty mới được thành lập ở Việt Nam, trong đó có nhiều công ty tập trung sản xuất cà phê trên quy mô lớn. Sản lượng cà phê Việt Nam tăng gấp đôi trong giai đoạn 1996-2000, tác động lớn đến giá cà phê thế giới. Đến nay, Việt Nam vẫn là quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ hai trên thế giới. Dù vậy, tác giả James Hoffmann cho rằng chất không đi với lượng ở thị trường tiềm năng này.