Các môn học Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ được miễn học phí
Trong năm học tới, học phí ĐH nhiều khả năng sẽ có thay đổi. Theo đó, một số ngành học tiếp tục được giảm- miễn học phí, đối tượng được miễn- giảm cũng mở rộng hơn.
Mở rộng đối tượng
Trong dự thảo sửa đổi Nghị định 49 của Chính phủ- quy định về học phí và những chính sách liên quan đến miễn- giảm học phí trong hệ thống giáo dục quốc dân do Bộ GDĐT đưa ra, bộ đã bổ sung thêm đối tượng được miễn học phí là SV học chuyên ngành các môn học Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh. Các đối tượng được giảm 70% học phí gồm: HSSV học các chuyên ngành nhã nhạc cung đình, chèo, tuồng, cải lương, múa, xiếc và một số chuyên ngành, nghề nặng nhọc, độc hại đối với dạy nghề.
Bộ sửa đổi, bổ sung đối tượng được giảm 50% học phí. Cụ thể: Trẻ em học mẫu giáo và HS, SV là con cán bộ, công nhân, viên chức mà cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp thường xuyên; trẻ em học mẫu giáo và HS phổ thông có cha mẹ thuộc hộ cận nghèo theo quy định của Nhà nước; HS tốt nghiệp trung học cơ sở đi học trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp.
Dự thảo này cũng bãi bỏ quy định: Trẻ em học mẫu giáo và HS phổ thông có cha mẹ thường trú tại các xã biên giới, vùng cao, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hỗ trợ chi phí học tập.
Điểm quan trọng trong dự thảo này đó là Nhà nước thực hiện cấp bù học phí cho các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập có đối tượng thuộc diện được miễn- giảm học phí theo số lượng người học và mức thu học phí tương ứng với các nhóm ngành nghề được quy định tại Nghị định 49. Nhà nước cấp trực tiếp tiền hỗ trợ miễn- giảm học phí cho các đối tượng thuộc diện được miễn- giảm học phí theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học ngoài công lập (theo mức học phí của các trường công lập trong vùng đối với giáo dục mầm non, phổ thông; theo mức học phí quy định tại Nghị định số 49 tương ứng với các nhóm ngành nghề đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học).
Giảm học phí có kích được cầu?
Theo ông Nguyễn Đình Thi- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu- Điện ảnh HN- việc Bộ GDĐT tiếp tục và mở rộng thêm các đối tượng được miễn- giảm học phí là “cú hích” thúc đẩy người học vào những ngành đặc biệt, khó tuyển sinh. Nhưng, chỉ vậy thôi chưa đủ. Ví dụ như ở Trường ĐH Sân khấu- Điện ảnh, SV học các môn văn hóa nghệ thuật truyền thống ở trường như chèo, tuồng, cải lương…, ngoài việc được giảm học phí còn được nhận trợ cấp thanh sắc. Thế nhưng nhiều năm qua, việc tuyển sinh vào những ngành này của trường vẫn gặp khó khăn và thường xuyên không đạt chỉ tiêu. Lý do- theo ông Thi, là mặc dù được miễn- giảm học phí, nhưng do các em “dự đoán” được tương lai không thể sống được bằng nghề nên các em không theo học.
Thời điểm này, đối với một vấn đề đang nóng là việc tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập, thì việc dự kiến miễn- giảm học phí đối với cả HSSV các trường ngoài công lập nếu có thành hiện thực thì có thể coi như một tín hiệu đáng mừng cho loại hình trường này. Tuy nhiên, theo một chuyên gia giáo dục thì nếu bản thân các trường ngoài công lập không “tự thân vận động”, lôi kéo sinh viên bằng chính thực lực của mình thì việc miễn- giảm này cũng khó lòng kéo sinh viên về được với trường.
Ông Nguyễn Văn Hùng- Hiệu trưởng Trường ĐH Lương Thế Vinh- cho rằng, việc điều tiết lượng người học vào ngành nghề nào, vào loại hình trường nào, xét cho cùng vẫn phải tuân theo quy luật cung- cầu tự nhiên của thị trường, quy luật cạnh tranh và đào thải chứ không thể ép cơ học. Việc miễn- giảm học phí cũng như tính học phí ĐH đủ theo hướng đủ chi phí đào tạo phải cân nhắc kỹ. Những ngành mà sau này ra trường nghề nghiệp không đảm bảo đời sống thì dù xã hội có nhu cầu, có miễn- giảm học phí cũng không có hiệu quả.
Theo Lao Động