Tranh cãi nổ ra xoay quanh việc nhiều ngôi sao trẻ tuổi ở Trung Quốc như Tiêu Chiến, Vương Nhất Bác xuất hiện trong các bài kiểm tra, sách giáo khoa (SGK) dành cho học sinh, theo Sixth Tone.
Theo đó, tên của hai sao nam này được đưa vào các bài kiểm tra các môn như Văn, tiếng Anh, Chính trị dành cho học sinh và sinh viên, tờ Red Star News đưa tin vào hôm 11/3.
Một đề thi tiếng Anh có sử dụng hình ảnh của nam diễn viên, ca sĩ Tiêu Chiến. Ảnh: Weibo. |
"Tiêu Chiến là diễn viên yêu thích của bạn. Hãy viết đoạn văn miêu tả anh ấy bằng tiếng Anh theo các gợi ý bên dưới", hình ảnh của một bài kiểm tra được chia sẻ trên mạng xã hội Weibo.
Ở một đề thi khác, học sinh được yêu cầu làm bài với đề bài "Bạn là Tiêu Chiến, người bạn mới là một chuyên gia hàng đầu của Trung Quốc về Covid-19, hãy viết một bức thư gửi cho anh ấy để giới thiệu bản thân".
Một giáo viên trẻ tuổi khác nói với Red Star News rằng trong lúc chuẩn bị cho kỳ thi lấy chứng chỉ giảng dạy, cô tình cờ bắt gặp một câu hỏi thực hành cũng liên quan đến nam diễn viên nổi tiếng này và bộ phim Trần tình lệnh có anh đóng chính.
Việc người nổi tiếng bỗng liên tục xuất hiện trong các đề thi, bài kiểm tra trở thành chủ đề gây chú ý và bàn luận trên mạng xã hội Trung Quốc. Nhiều người dùng bày tỏ thắc mắc về việc liệu có nên đưa tên, hình ảnh của những ngôi sao giải trí vào các tài liệu giảng dạy hay không.
Lý do chỉ trích chủ yếu nằm ở chỗ các ca sĩ, diễn viên trẻ tuổi chưa thực sự có thành tích hay tài năng nổi trội. Tên tuổi họ phủ sóng rộng rãi nhờ có cộng đồng fan đông, lượt người theo dõi đông đảo trên mạng. Sixth Tone dành cụm từ "data stars" để miêu tả các thần tượng giới trẻ này.
Việc các sao nam trẻ tuổi như Tiêu Chiến, Vương Nhất Bác được đưa vào đề thi cho học sinh Trung Quốc vấp phải nhiều ý kiến phản đối, cho rằng không xứng đáng. Ảnh: Sina. |
"Trong SGK, có thể có những nghệ sĩ được nhắc đến do họ thực sự tài năng và đóng góp cho ngành. Nhưng sự nổi tiếng của Tiêu Chiến chủ yếu đến từ lượng fan đông đảo, chăm chỉ ủng hộ để tên thần tượng luôn là chủ đề thịnh hành trên mạng. Làm sao có thể đưa anh ấy ra làm ví dụ về đức hạnh hay những thứ tương tự", một người dùng thể hiện ý kiến phản đối trên Weibo.
Chuyện đưa các tên tuổi của làng giải trí Hoa Ngữ vào bài kiểm tra không phải xuất hiện lần đầu.
Năm 2014, một trong những bài hát của Châu Kiệt Luân được đưa vào SGK Ngữ văn dành cho học sinh tiểu học. Năm ngoái, nữ blogger Lý Tử Thất xuất hiện trong đề thi cho học sinh tỉnh Chiết Giang cũng gây ra ý kiến trái chiều.
Liu Tingting, phó giáo sư ngành báo chí và truyền thông tại Đại học Tế Nam ở Quảng Châu, nói với Sixth Tone rằng không cần thiết phải chỉ trích các ngôi sao trẻ tuổi là tầm thường, không xứng đáng chỉ vì tên họ xuất hiện trong các tài liệu giáo dục.
"SGK là công cụ giảng dạy. Vì vậy, điều quan trọng là chúng phải tiếp cận, gần gũi học sinh và khiến các em muốn đọc", Liu nói.
Về phía người hâm mộ của Tiêu Chiến, nhiều fan phản ứng trước việc idol mình bị đem ra chỉ trích dù sự việc nằm ngoài tầm kiểm soát của nam ca sĩ. Năm ngoái, cộng đồng fan của Tiêu Chiến từng lên tiếng bất bình vì tên thần tượng được đặt cho một nhân vật nữ, mắc trọng bệnh trong một fan-fic trên mạng.