Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, ước tính trong tháng 7 đã có khoảng 27.400 ôtô xuất xưởng từ các dây chuyền sản xuất trong nước tại Việt Nam, giảm nhẹ so với sản lượng 28.000 xe ghi nhận ở kỳ báo cáo trước.
Lũy kế từ đầu năm, đã có khoảng 172.200 ôtô được sản xuất và lắp ráp trong nước, tăng nhẹ khoảng 2,5% so với tổng sản lượng đạt được ở 7 tháng đầu năm 2023.
Nhìn chung, sản lượng ôtô nội địa hàng tháng tại Việt Nam vẫn chưa thể vượt trên mốc 28.000 xe/tháng. Hồi năm ngoái, báo cáo từ Tổng cục Thống kê cho thấy có khoảng 336.700 ôtô xuất xưởng từ các dây chuyền trong nước, tương đương sản lượng trung bình hơn 28.000 xe/tháng.
Sản xuất ôtô tại Việt Nam chưa có dấu hiệu đột phá | ||||||||
Sản lượng ôtô nội địa tại Việt Nam trong 7 tháng đầu năm (Số liệu: Tổng cục Thống kê) | ||||||||
Nhãn | Tháng 1 | Tháng 2 | Tháng 3 | Tháng 4 | Tháng 5 | Tháng 6 | Tháng 7 (Ước tính) | |
Sản lượng ôtô nội địa | xe | 21600 | 16100 | 24800 | 27300 | 27000 | 28000 | 27400 |
Hiện, một số thương hiệu ôtô đáng chú ý đang chọn lắp ráp xe tại Việt Nam bao gồm VinFast, Toyota, Honda, Hyundai, Kia, Ford và Mazda. Ngoài ra, Mercedes-Benz và BMW cũng đang lắp ráp nội địa một số dòng xe để phân phối cho khách hàng Việt Nam.
Theo báo cáo do Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) công bố, tổng doanh số toàn thị trường ôtô Việt Nam trong 2 quý đầu năm đạt 134.884 xe, trong đó có 67.849 ôtô được sản xuất và lắp ráp trong nước.
So với cùng kỳ năm ngoái, doanh số ôtô nội địa tại Việt Nam đã giảm 15%, trong khi lượng tiêu thụ xe nhập khẩu lại tăng trưởng đến 16%.
Gần đây, trang tin Nikkei Asia cho biết năng suất hoạt động của các nhà máy ôtô tại Việt Nam chỉ đạt khoảng 40% trong giai đoạn nửa đầu năm 2024. Cụ thể, Tổng cục Thống kê ước tính có khoảng 144.000 ôtô nội địa xuất xưởng trong 6 tháng đầu năm, trong khi tổng công suất thiết kế của các nhà máy lắp ráp ôtô tại Việt Nam được cho là rơi vào khoảng 700.000-800.000 xe/năm.
Hiện, Mitsubishi Xpander và Ford Ranger đang là 2 mẫu xe được người Việt chọn mua nhiều nhất với doanh số tương ứng lần lượt 7.773 xe và 7.743 xe. Nếu doanh số Mitsubishi Xpander chủ đạo bởi các phiên bản nhập khẩu thì phần lớn số xe Ford Ranger bán ra tại Việt Nam trong nửa đầu năm là các phiên bản lắp ráp.
Doanh số của Ford Ranger tại Việt Nam chủ yếu đến từ các phiên bản lắp ráp. Ảnh: Vĩnh Phúc. |
Danh sách top 10 ôtô bán chạy nhất Việt Nam nửa đầu năm còn ghi nhận sự góp mặt của một số dòng xe hoàn toàn lắp ráp trong nước như Mazda CX-5 (5.270 xe), Hyundai Accent (4.988 xe), Toyota Vios (4.215 xe) hay Kia Sonet (3.419 xe) và Honda City với 3.316 xe bán ra sau 6 tháng.
Hiện, thị trường ôtô Việt Nam đang "sốt ruột" ngóng chờ chính sách hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ dành cho xe lắp ráp. Kể từ đầu năm, chính sách này đã nhiều lần được đề xuất nhưng cho đến hôm nay, khả năng triển khai cũng như thời điểm bắt đầu vẫn chưa được chính thức xác nhận.
Một tư vấn bán hàng tại đại lý ôtô ở TP.HCM cho biết nhiều khách hàng đã đặt cọc xe từ giữa tháng 6, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có kế hoạch nhận xe vì đang đợi chính sách hỗ trợ phí trước bạ của Chính phủ.
Trước đó, chính sách ưu đãi phí trước bạ dành cho xe lắp ráp từng được triển khai tại Việt Nam vào các năm 2020, 2022 và 2023.
Ở 2 lần đầu tiên, đợt giảm phí trước bạ dành cho xe lắp ráp đã có tác động khá tích cực đến tình hình doanh số tại Việt Nam. Tuy nhiên sang đến lần thứ 3 vừa được triển khai trong nửa cuối năm ngoái, doanh số ôtô tại Việt Nam lại cho thấy mức độ tăng trưởng không thật sự ấn tượng.
Sách hay đọc trên xe
Chuyên mục Xe gửi tới độc giả những tựa sách hay với nhiều chủ đề hấp dẫn. Trên những chặng hành trình với những chiếc xe, không hiếm khi chúng ta có những khoảnh khắc nghỉ ngơi, thư giãn, và những trang sách là người bạn đồng hành lý thú.