Trong hơn hai tháng ở nhà tránh dịch, Wu (30 tuổi, sống tại Quảng Đông, Trung Quốc) liên tục cãi vã với chồng từ chuyện nhà cửa, con cái cho đến công việc, tài chính. Không thể giải quyết mâu thuẫn, hai vợ chồng cô quyết định ly hôn.
“Tôi không thể chịu đựng nổi nữa. Chúng tôi đã đồng ý ly dị, sắp tới sẽ tìm luật sư để hoàn tất thủ tục”, cô nói.
Cuộc hôn nhân của Wu chỉ là một trong hàng chục nghìn trường hợp ly hôn sau nhiều tháng cách ly xã hội tại Trung Quốc và nhiều nước châu Á như Nhật Bản, Ấn Độ. Xu hướng này đang gia tăng nhanh chóng, trở thành vấn đề xã hội được chính phủ các nước đặc biệt quan tâm.
Tỷ lệ ly hôn tăng chóng mặt
Kể từ đầu năm nay, khi các cặp vợ chồng phải ở nhà suốt nhiều tuần vì cách ly xã hội, tỷ lệ bất ổn hôn nhân tại một số nước châu Á có xu hướng tăng mạnh.
Theo thống kê tại Trung Quốc, 3 tỉnh Thiểm Tây, Tứ Xuyên và Hồ Nam là những địa phương có số lượng hồ sơ ly hôn cao kỷ lục trong tháng 3 vừa qua. Ở Thượng Hải, các cặp vợ chồng muốn chia tay phải chờ gần một tháng để được giải quyết, thay vì một tuần như thường lệ.
Luật sư hôn nhân Steve Li tại công ty Gentle & Trust (Thượng Hải) cho biết, sau khi lệnh phong tỏa thành phố được nới lỏng vào giữa tháng 3, số vụ ly dị do anh tiếp nhận đã tăng 25% so với trước đó.
Tỷ lệ bất ổn trong hôn nhân ở châu Á tăng cao sau khoảng thời gian ở nhà tránh dịch. |
Không chỉ tồn tại ở đất nước tỷ dân, xu hướng ly hôn sau đại dịch còn phổ biến tại Nhật Bản với tên gọi corona rikon (tạm dịch: ly hôn vì corona). Theo khảo sát của tạp chí dành cho phái nữ Lip Pop, 38% trong số 100 người tham gia (82% là nữ) trả lời rằng họ đang cân nhắc việc ly hôn do các vấn đề liên quan đến Covid-19.
Còn ở Ấn Độ, trong khi nhiều người phải tạm gác lại công việc vì dịch bệnh, những luật sư hôn nhân vẫn liên tục nhận được cuộc gọi video từ khách hàng, yêu cầu tư vấn thủ tục ly dị.
Rohan Mahajan, người sáng lập website tìm kiếm luật sư LawRato, khẳng định tỷ lệ ly hôn ở Ấn Độ đang gia tăng đáng kể trong nửa đầu năm 2020. "Cứ 10 khách hàng liên hệ với chúng tôi thì khoảng 6 người cần tư vấn thủ tục ly hôn", anh chia sẻ.
"Gần mặt cách lòng" trong mùa dịch
Khi đại dịch bùng phát, nhiều nước châu Á đã nhanh chóng thực hiện biện pháp cách ly xã hội, yêu cầu người dân ở nhà, hạn chế xuống đường khi không thực sự cần thiết.
Ban đầu, nhiều người cho rằng đây là cơ hội để các gia đình vừa thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, vừa gắn kết tình cảm, cùng nhau chia sẻ khó khăn trong thời buổi dịch bệnh.
Tuy nhiên, ít ai ngờ được rằng ở cùng nhau trong thời gian dài lại trở thành nguyên nhân khiến tình cảm giữa các cặp vợ chồng rạn nứt.
Dù đã kết hôn được 2 năm, Sumit và Rohini - cặp vợ chồng người Ấn Độ - vẫn lựa chọn chia tay sau cuộc cãi vã nảy lửa hồi tháng 4. Người vợ, Rohini, khẳng định đây là quyết định đúng đắn sau bao lần nhẫn nhịn.
"Sau mỗi lần cãi nhau với chồng, tôi thường ra ngoài đi dạo, hít thở không khí trong lành hoặc ngồi cà phê cùng bạn bè để giải tỏa căng thẳng. Thế nhưng, tôi bị 'mắc kẹt' trong nhà với anh ta mấy tuần nay. Tôi thật sự không muốn nhìn mặt chồng mình nữa", Rohini bộc bạch.
Đại dịch Covid-19 đã đảo lộn cuộc sống thường ngày của hàng triệu cặp vợ chồng, tô đậm những vấn đề xã hội "ăn sâu bám rễ" trong xã hội châu Á, điển hình là sự bất bình đẳng giới trong gia đình.
Khi dành thời gian 24/7 cùng bạn đời và con cái, nhiều đôi dần nhận ra những điểm xấu nhỏ nhặt của đối phương. Nỗi sợ dịch bệnh, áp lực tài chính, gánh nặng việc nhà và thiếu hụt không gian riêng tư trở thành "ngòi nổ" cho các cuộc cãi vã nảy lửa.
Nhiều người cảm thấy mệt mỏi vì không có không gian riêng tư trong thời gian giãn cách xã hội. Ảnh: New York Times. |
Tại Nhật Bản, nhiều người dùng mạng xã hội đã bày tỏ sự bất mãn với bạn đời trong những ngày cách ly xã hội dưới hashtag #coronarikon.
Một người dùng Twitter chia sẻ: "Chồng tôi đang có thời gian nghỉ ngơi dưới danh nghĩa 'làm việc từ xa', trong khi tôi vẫn làm 6 ngày một tuần. Nhưng khi tôi về nhà, không có bữa tối, anh ấy đang uống rượu. Và giờ, anh ta ngủ rồi".
Không dừng lại ở những trận cãi vã, những xích mích nhỏ nhặt nhanh chóng trở thành bạo lực gia đình.
Theo trang Sixth Tone, chỉ trong tháng 2/2020, sở cảnh sát tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) đã tiếp nhận 162 báo cáo về bạo lực gia đình, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Feng Yuan, đồng sáng lập tổ chức phi chính phủ về bình đẳng giới Equality, nói rằng kể từ khi cách ly xã hội, số lượng nạn nhân bị bạo hành tìm đến sự trợ giúp của các tổ chức xã hội ngày càng tăng.
"Lệnh phong tỏa làm bộc lộ xu hướng bạo lực, vốn đã tồn tại trong mỗi người. Yêu cầu cách ly tại nhà của chính phủ cũng khiến việc tìm kiếm trợ giúp khó khăn hơn. Cảnh sát bận rộn với việc kiểm dịch đến mức không thể phản hồi các cuộc gọi trình báo từ nạn nhân", Feng Yuan giải thích.
Nhiều phụ nữ bị chồng bạo hành trong những ngày cách ly xã hội. Ảnh: Savvy Tokyo. |
Ở Nhật Bản, hơn 13,000 phụ nữ đã liên hệ tới đường dây cứu trợ nạn nhân bạo hành gia đình trong tháng 4, gấp 1,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, con số thực tế có thể nhiều hơn do văn hóa “giữ kín chuyện nhà” của người dân xứ hoa anh đào.
Trả lời tờ IANSlife, nhà tư vấn Priya Hingorani cho rằng các cặp vợ chồng Ấn Độ đang trải qua tình huống tương tự Trung Quốc.
“Tỷ lệ ly hôn ở Ấn Độ sẽ tiếp tục gia tăng, chủ yếu do vấn nạn bạo hành gia đình. Không thể ra ngoài hay làm việc, nhiều người chỉ biết giải tỏa căng thẳng bằng cách trút giận lên nửa kia. Không chỉ là chửi bới, đánh đập, nhiều phụ nữ đang bị chính bạn đời của mình cưỡng hiếp trong thời gian cách ly xã hội”, Hingorani nói.
Thách thức
Hiện nay, chính phủ một số nước châu Á đang tích cực đưa ra biện pháp nhằm hàn gắn tình cảm, giảm tình trạng ly hôn chóng vánh giữa các cặp vợ chồng trong mùa dịch.
Tại Nhật Bản - đất nước nổi tiếng với những dịch vụ "có một không hai", công ty bất động sản Kasoku đã biến những căn hộ hiện đại của mình thành "nhà cách ly", hướng đến những vị khách đang gặp trục trặc trong hôn nhân.
Tại đây, các khách trọ có không gian riêng để bình tâm suy nghĩ về quyết định ly hôn. Đặc biệt, công ty còn cung cấp dịch vụ tư vấn hôn nhân miễn phí trong 30 phút với chuyên gia pháp lý.
Một số công ty bất động sản tại Nhật cung cấp không gian riêng cho khách hàng tới nghỉ ngơi, bình tâm suy nghĩ về cuộc hôn nhân của mình. Ảnh: AP. |
Ông Kosuke Amano - đại diện công ty Kasoku - chia sẻ ngay sau khi thực hiện chương trình này, công ty đã đón 20 khách hàng.
"Chúng tôi đón nhiều lượt khách. Có người đang chạy trốn khỏi chồng bạo hành, có người lại là bà nội trợ tìm kiếm không gian riêng sau chuỗi ngày vất vả chăm sóc chồng con ở nhà vì dịch", ông chia sẻ.
Bên cạnh đó, đài truyền hình NHK của Nhật mới đây cũng phát sóng tin ngắn hướng dẫn các gia đình cách thức hạn chế nguy cơ ly hôn khi cách ly xã hội tại nhà.
Còn tại Trung Quốc, chính phủ đang gấp rút đề xuất nhiều biện pháp nhằm giúp các đôi uyên ương nâng cao nhận thức về hôn nhân, giảm tình trạng "ly hôn chớp nhoáng".
"Các đôi sắp cưới cần nghiêm túc với hôn nhân, đặc biệt trong thời đại kết hôn và ly hôn diễn ra quá nhanh", Peng Xizhe - trưởng khoa Chính sách công và Phát triển xã hội của ĐH Phúc Đán (Trung Quốc) - nhận định.
Đầu tháng 9, chính phủ Trung Quốc ban hành quyết định yêu cầu các cặp vợ chồng tương lai phải trải qua thêm một số thủ tục trước khi cấp giấy chứng nhận kết hôn như tư vấn trước hôn nhân, khuyến khích đôi nói lời thề, mời người làm chứng.
Chính phủ Trung Quốc đang gấp rút tiến hành những biện pháp nhằm giúp các đôi nâng cao nhận thức trách nhiệm trước khi xây dựng cuộc sống gia đình. Ảnh: The Atlantic. |
Trước đó, vào tháng 5, nước này cũng yêu cầu các cặp vợ chồng phải trải qua 30 ngày cân nhắc sau khi ký đơn ly dị.
Tuy nhiên, hiệu quả của những chính sách này phụ thuộc phần lớn vào niềm tin của công dân vào hôn nhân.
“Chúng ta cần triển khai cùng lúc các chính sách và bộ luật bảo vệ phụ nữ ở các cấp địa phương. Bằng cách này, niềm tin xã hội về hôn nhân sẽ tự nhiên được khôi phục”, Luo Ruixue - thành viên tổ chức bảo vệ quyền phụ nữ Women Awakening Network (Trung Quốc) - bình luận.