Cuối tháng 5, Reuters dẫn lời bác sĩ Mike Ryan, Giám đốc điều hành của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cảnh báo những quốc gia, vùng lãnh thổ có ca nhiễm SARS-CoV-2 giảm vẫn có thể phải đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ hai nếu buông lỏng các biện pháp phòng dịch.
Y tá lấy mẫu để xét nghiệm Covid-19 cho người đã từng ghé thăm hoặc sống gần chợ đầu mối Tân Phát Địa, Bắc Kinh, Trung Quốc, sau khi phát hiện ổ dịch mới tại đây. Ảnh: Getty. |
Mơ hồ cách xác định làn sóng thứ hai
Khái niệm về sự quay trở lại của Covid-19 vẫn còn mơ hồ. Một số chuyên gia Mỹ cho rằng ca nhiễm SARS-CoV-2 tăng nhanh không có nghĩa thế giới bước vào giai đoạn “làn sóng Covid-19 thứ hai”.
Theo Reuters, những lo ngại về đợt bùng phát đại dịch Covid-19 thứ hai xuất phát từ lịch sử chống dịch của nhân loại. Năm 1918-1919, cúm Tây Ban Nha lây nhiễm cho hơn 500 triệu người trên toàn thế giới và gây ra cái chết cho 20-50 triệu bệnh nhân. Virus này xuất hiện lần đầu tiên vào mùa xuân năm 1918. Sau đó, vào mùa thu cùng năm, nó quay trở lại và tạo ra làn sóng thứ hai, lây nhiễm nguy hiểm hơn.
Các nhà dịch tễ học cho hay việc xác định chính xác làn sóng thứ hai là gì không hề rõ ràng. SCMP dẫn lời GS John Mathews (Đại học Nhân chủng và Sức khỏe Toàn cầu Melbourne, Australia) giải thích khái niệm trên thường xảy ra khi lượng bệnh nhân chững lại hoàn toàn. Sau đó, số ca mắc đột ngột nhảy vọt.
Tuy nhiên, thước đo cụ thể để đánh giá làn sóng thứ hai, dựa trên yếu tố thời gian, không gian, tỷ lệ ca mắc, vẫn chưa có. Do đó, thuật ngữ này vẫn còn mơ hồ, không nên sử dụng bừa bãi. Nói về nguyên nhân khiến dịch bệnh quay trở lại sau thời gian “ngủ yên”, ông Mathews cho rằng do virus biến chủng hoặc sự thay đổi hành vi của con người.
Cách xác định "làn sóng Covid-19 thứ hai" vẫn còn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, WHO cảnh báo các quốc gia, vùng lãnh thổ không nên buông lỏng các biện pháp phòng dịch, chủ quan trước virus này. Ảnh: Reuters. |
Thay đổi cách kiểm dịch, tăng cảnh giác
Trước sự tiếp tục xuất hiện của những bệnh nhân Covid-19 sau nhiều ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, các nước tìm cách phòng dịch mới.
Ngày 25/7, theo Reuters, Hàn Quốc ghi nhận thêm 113 ca dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó, 86 ca mắc trở về từ nước ngoài, 27 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh của quốc gia này xác định đây là thời điểm có ca mắc Covid-19 mới nhiều nhất kể từ ngày 31/3 - thời gian đánh dấu Hàn Quốc vừa qua đỉnh dịch.
Trước tình hình số ca mắc Covid-19 trở về từ nước ngoài chiếm tới 15% tổng ca dương tính, giới chức Hàn Quốc đặt 6 quốc gia, vùng lãnh thổ trong mức báo động, bao gồm: Bangladesh, Pakistan, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Philippines, Uzbekistan. Nga đang được xem xét để thêm vào danh sách này.
Theo Yonhap, bất kể hành khách nào trở về từ những nơi trên - bao gồm cả công dân Hàn Quốc - đều phải có giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Đồng thời, 100% hành khách quốc tế phải cách ly hai tuần.
Hàn Quốc thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 liên tục. Nhiều nơi ở trong tình trạng dỡ bỏ giãn cách xã hội rồi tái giãn cách. Ảnh: Getty. |
Cùng lúc đó, một tháng sau lệnh cách ly, Tây Ban Nha công bố thêm 922 ca mắc Covid-19 mới, theo số liệu của NPR. Đây là ổ dịch lớn tại châu Âu, sau Italy. Maria Jose Sierra - người phát ngôn của cơ quan y tế khẩn cấp Tây Ban Nha - trả lời The Guardian cho biết: "Đây có thể là làn sóng thứ hai của đại dịch. Tuy nhiên, điều đó không quan trọng bằng việc theo dõi sát sao và tìm ra biện pháp cần thiết, triệt để ngay lập tức".
Giữa tháng 7, chính phủ Thái Lan siết chặt các quy định đối với người nước ngoài nhập cảnh vào địa phận nước này. Theo Reuters, động thái này xuất hiện sau khi Thái Lan ghi nhận 2 ca mắc Covid-19 "nhập khẩu", lo ngại về làn sóng thứ hai có thể xảy đến.
Trước đó, xứ chùa Vàng trải qua 50 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Hai ca nhiễm SARS-CoV-2 công bố vào giữa tháng 7 là khách quốc tế. Sau hai bệnh nhân trên, giới chức Thái Lan phải cách ly hơn 400 người. Chính phủ nước này đồng thời thừa nhận quy tắc kiểm dịch dành cho các nhà ngoại giao và phi hành đoàn nhập cảnh từ tháng 3 khá lỏng lẻo.
Trung Quốc phát hiện ổ dịch mới tại chợ đầu mối Tân Phát Địa (Bắc Kinh) vào ngày 13/6 sau gần 2 tháng không ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng. Trước sự việc này, một phần thủ đô Bắc Kinh phải phong tỏa. Cùng đó, Trung Quốc đã nâng cảnh báo khẩn cấp lên mức cao thứ 2 và huỷ hơn 60% chuyến bay đến Bắc Kinh hôm 17/6.
Cách làm này khác biện pháp đã từng áp dụng với Vũ Hán - ổ dịch Covid-19 đầu tiên của thế giới. Giới chức Trung Quốc không áp đặt lại biện pháp phong tỏa diện rộng. Thay vào đó, họ kiểm soát một nhóm người và tập trung vào xét nghiệm trên diện rộng để sàng lọc hơn 50% trong số 21 triệu dân của thủ đô Bắc Kinh.
Các khu vực lân cận chợ đầu mối Tân Phát Địa cũng được chia cấp để chọn biện pháp phong tỏa, cách ly phù hợp. Cách làm này đã cho thấy hiệu quả khi số ca nhiễm mới giảm dần. Theo AFP, đến ngày 10/7, thủ đô của Trung Quốc không ghi nhận ca mắc mới liên tiếp nhiều ngày.
Trước sự trở lại của bệnh nhân Covid-19 sau nhiều ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, chính phủ tại các quốc gia khuyến cáo người dân cảnh giác, tiếp tục bảo vệ sức khỏe của bản thân bằng cách tuân thủ các biện pháp y tế như đeo khẩu trang nơi công cộng, rửa tay bằng xà phòng thường xuyên.