Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Các nước phân luồng giáo dục như thế nào?

Phân luồng giáo dục là một trong những chủ đề thu hút sự quan tâm của dư luận ngay sau khi Bộ GD&ĐT trình Chính phủ cơ cấu giáo dục quốc dân mới.

Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi đã tham khảo cách làm của thế giới, trong đó gồm 11 nước có kết quả cao hơn Việt Nam trong bảng tổng sắp về giáo dục khoa học và toán học toàn cầu, do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thực hiện, công bố tháng 5/2015, được chọn làm mẫu xem xét.

Kết quả thu được cho thấy, trong số 11 nước, có 2 nước (Singapore và Hà Lan) tiến hành phân luồng sau tiểu học; 8 nước tiến hành phân luồng sau THCS. Hồng Kông (Trung Quốc) tiến hành phân luồng sau THPT.

Thời điểm bắt đầu phân luồng tại Hồng Kông (Trung Quốc) và một số nước trên thế giới:

Nguồn: Tổng hợp từ Website của Trung tâm quốc gia về giáo dục và kinh tế (NCEE), Mỹ.

Trong đó, chúng tôi tìm hiểu kỹ hơn trường hợp của Singapore - đại diện các nước phân luồng sau tiểu học và Hàn Quốc - đại diện các nước phân luồng sau THCS. Trường hợp Hồng Kông – phân luồng sau THPT quá đặc biệt - xin phân tích ở dịp khác.

Singapore bắt đầu phân luồng sau tiểu học, tương đương độ tuổi trung bình 12 của học sinh. Có 5 luồng chính là THCS thông thường, THCS cấp tốc (rút ngắn so với THCS thông thường 1 năm), THCS kỹ thuật thông thường, trường kỹ thuật, đào tạo nghề và liên cấp: học tại THCS và trường dự bị.

Trừ luồng liên cấp có thể thi thẳng lấy chứng chỉ A level (tạm gọi tương đương bằng tốt nghiệp cấp 3 hoặc THPT trên thế giới), 4 luồng còn lại, nếu muốn học tiếp đại học, đều phải học tiếp một bậc học khá đặc biệt là “Sau trung học và dưới đại học”, bao gồm các loại hình trường: đào tạo kỹ thuật, dự bị và cao đẳng kỹ thuật tổng hợp.

 Cơ cấu giáo dục tại Singapore. Nguồn: NCEE.

Hàn Quốc bắt đầu phân luồng sau THCS, tương đương độ tuổi trung bình 18 của học sinh. Có 2 luồng chính là THPT và THPT nghề tương ứng với 2 loại hình đào tạo sau đó là đại học và cao đẳng.

Những học sinh theo luồng nghề rồi học tiếp cao đẳng, muốn chuyển qua học đại học có thể học từ đầu hoặc đi làm rồi học thêm 1 năm để nhận bằng cử nhân.

Cơ cấu giáo dục tại Hàn Quốc. Nguồn: NCEE .

Việt Nam nên theo mô hình phân luồng nào?

Phân luồng từ sau tiểu học hay sau THCS là chủ đề tạo ra dư luận trái chiều trong những ngày qua. Phương án của Bộ GD&ĐT là phân luồng sau THCS, phù hợp khá nhiều nước trên thế giới và với 8/11 nước, khu vực được khảo sát trong bài này. Đây là cách làm khá an toàn, bởi nó sẽ không làm xáo trộn quá lớn hệ thống giáo dục hiện nay.

Tất nhiên, một số chuyên gia cũng có lý khi cho rằng, Việt Nam nên phân luồng ngay sau bậc tiểu học. Tuy vậy, để thực hiện được điều này cần có sự chuẩn bị rất kỹ, bởi nguồn lực hiện có như đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất rõ ràng chưa sẵn sàng cho sự phân luồng sớm này.

Bên cạnh đó, chúng ta cần nhớ, về nguyên tắc, một trong những mục tiêu của giáo dục phổ thông là đào tạo kiến thức phổ thông, tổng quát về tất cả các ngành, lĩnh vực cho người học, làm nền tảng cho suốt cuộc đời về sau. Vì vậy, khi đặt vấn đề phân luồng sớm hơn (sau tiểu học), cũng cần đảm bảo được những người học theo phân luồng nghề/năng khiếu vẫn có thể tiếp thu được các kiến thức phổ quát tương đương kiến thức phổ thông tối thiểu của người học tại phân luồng định hướng THCS thông thường, thông qua các hình thức giáo dục phi chính thống.

Singapore và Hà Lan tổ chức phân luồng ngay sau tiểu học, có lẽ một phần vì giáo dục phi chính thống của 2 nước này đủ phát triển để đảm bảo được điều này.

Ngược lại, Việt Nam, Hàn Quốc và nhiều nước khác trên thế giới, chưa phần luồng được ngay từ sau tiểu học đơn giản vì giáo dục phi chính thống phát triển chưa đủ mạnh. Vì vậy, trong thời gian trước mắt, ở nước ta, phân luồng sau THCS có lẽ là giải pháp hợp lý.

Bộ GD&ĐT vừa có Tờ trình gửi Thủ tướng về Đề án hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân.

Theo tờ trình này, hệ thống giáo dục nên được thiết kế theo hướng đơn giản hóa các luồng di chuyển của người học trong hệ thống; tạo điều kiện cho người học có thể dễ dàng chuyển đổi (cần hoặc không cần điều kiện bổ sung) giữa chương trình, trình độ đào tạo; người dân có cơ hội tích luỹ kiến thức và học tập suốt đời. Đảm bảo tính tương thích với các hệ phân loại giáo dục chung của quốc tế và đảm bảo tính so sánh được của các trình độ, các loại văn bằng.

Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân do Bộ GD&ĐT đề xuất.

Giáo dục cơ bản là 9 năm thống nhất cho mọi địa bàn, mọi nhóm đối tượng; THPT là 3 năm, học sinh có thể lựa chọn 3 luồng chính là định hướng chung (có tính hàn lâm/ khoa học như hiện nay), định hướng kỹ thuật/công nghệ, hay định hướng năng khiếu (nghệ thuật, thể thao).

Hệ thống đào tạo cần tập trung thành 3 luồng chính là luồng hàn lâm (các chương trình đào tạo định hướng nghiên cứu), luồng ứng dụng và luồng thực hành (nối các chương trình đào tạo kĩ năng mang tính thực hành ở bậc thấp với các chương trình đào tạo mang tính nghiệp vụ ở trình độ cao).


Bộ Giáo dục đề xuất hệ thống giáo dục phổ thông 12 năm

Bộ GD&ĐT vừa có Tờ trình gửi Thủ tướng về Đề án hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân.


Phạm Hiệp

Đại học Văn hoá Trung Hoa, Đài Loan

Bạn có thể quan tâm