Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ tướng chỉ đạo đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo tiếp tục triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp năm 2015 của Ủy ban Quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo và Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực.

Theo đó, để tiếp tục đẩy mạnh việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong thời gian tới, Thủ tướng giao Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tập trung chỉ đạo đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học, đánh giá kết quả, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, nhất là đào tạo nghề và giáo dục đại học.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới; phát triển hợp lý giáo dục công lập và ngoài công lập; khuyến khích xã hội hóa đầu tư phát triển các trường chất lượng cao; giao quyền tự chủ phù hợp cho các cơ sở giáo dục đào tạo; tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục đào tạo cho các vùng khó khăn và các đối tượng chính sách.

Các Bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ nhiệm vụ, giải pháp để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng mở, hội nhập, xây dựng xã hội học tập, phát triển toàn diện năng lực, thể chất, nhân cách, đạo đức, lối sống, ý thức tôn trọng pháp luật và trách nhiệm công dân...

Thí sinh sau giờ thi THPT quốc gia 2015.

Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân

Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT chủ trì phối hợp Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Hiệp hội dạy nghề... tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân và xây dựng khung trình độ quốc gia, trình Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng cũng chỉ đạo làm rõ những hạn chế của hệ thống giáo dục quốc dân hiện tại để đề xuất hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân mới một cách phù hợp, khoa học, bảo đảm tính khả thi, liên thông và phân luồng, tạo cơ hội được học tập suốt đời của người dân; làm rõ thêm việc tổ chức loại hình trường T​HPT kỹ thuật, trong đó làm rõ sự khác biệt của loại hình trường này với trường trung cấp nghề, trường THPT và các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông để tránh trùng lặp, phát sinh mô hình trường học mới gây lãng phí và không hiệu quả.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu xác định rõ thời gian của từng cấp học, bậc học phù hợp, lộ trình triển khai, các văn bản cần sửa đổi bổ sung. Việc hoàn thiện hệ thống cần phù hợp điều kiện thực tiễn của Việt Nam, xu hướng hội nhập quốc tế, phù hợp với mô hình của các nước tiên tiến trên thế giới.

Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện khung trình độ quốc gia bảo đảm phù hợp khung trình độ của các nước trong khu vực và thế giới, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế về giáo dục, đào tạo và việc làm, về việc công nhận văn bằng giữa Việt Nam với các nước.

Việc hoàn thiện khung trình độ quốc gia cần thực hiện gắn kết mật thiết với hoàn thiện Hệ thống giáo dục quốc dân, tạo nền tảng, cơ sở triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Tiếp tục đổi mới kỳ thi THPT quốc gia năm 2016

Thủ tướng giao Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị về kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng để tổng kết, đánh giá một cách toàn diện những mặt được, chưa được theo các mục tiêu đã đặt ra cho kỳ thi và tuyển sinh năm 2015.

Bộ GD&ĐT tiếp tục hoàn thiện phương án tổ chức, đồng thời đổi mới kỳ thi THPT quốc gia 2016 bảo đảm chất lượng, hiệu quả, tạo thuận lợi cho học sinh và phụ huynh.

Phương án thi cần được cân nhắc kỹ về số môn, thời gian, địa điểm thi... phù hợp, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ GD&ĐT với các địa phương, trường đại học trong việc tổ chức kỳ thi. 

Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục đại học, phát huy vai trò của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, tính liên kết, phối hợp giữa các trường đại học trong công tác tuyển sinh.

Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức tổng kết, đánh giá việc đổi mới công tác tuyển sinh theo phương thức đánh giá năng lực năm 2015. Trên cơ sở đó, Bộ GD&ĐT xem xét mô hình, phương thức phù hợp, đáp ứng yêu cầu đổi mới để phát huy, nhân rộng.

Trước đó, ngày 5/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp toàn thể Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo và Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực nhiệm kỳ 2011-2015

Thủ tướng chỉ đạo, Bộ GD&ĐT phải hết sức cầu thị, lắng nghe ý kiến nhân dân, để có đánh giá tổng thể những mặt tích cực và hạn chế của kỳ thi THPT quốc gia 2015, gắn với những biện pháp khắc phục.

"Những gì đã làm tốt phải làm tốt hơn, những gì còn hạn chế, yếu kém so với mục tiêu, yêu cầu đặt ra phải ra sức khắc phục, sửa đổi, bổ sung; đề xuất phương án tốt nhất, hiệu quả nhất cho kỳ thi THPT quốc gia của năm 2016", Thủ tướng nói.

Theo dự kiến của Bộ GD&ĐT, kỳ thi THPT quốc gia 2016 sẽ diễn ra 3 ngày, thay vì 4 ngày như năm 2015. ​Trong đó, các môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Vật ý, mỗi môn thi một buổi.

Mỗi cặp môn  Sinh - Lịch sử và Hóa học – Địa lý thi trong một buổi và bắt đầu cùng giờ. Thí sinh được chọn một trong mỗi cặp môn Sinh học hoặc Lịch sử, Hóa học hoặc Địa lý.

Tổ chức thi THPT quốc gia phải lắng nghe ý kiến nhân dân

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo, Bộ GD&ĐT phải hết sức cầu thị, lắng nghe ý kiến nhân dân, để có đánh giá tổng thể những mặt tích cực và hạn chế gắn với biện pháp khắc phục.

Kiều Anh

Bạn có thể quan tâm