Ngày 13/11, trình bày báo cáo tình hình, kết quả công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật năm 2018 tại Quốc hội, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết Chính phủ đã bám sát chỉ đạo của Trung ương Đảng và các nghị quyết của Quốc hội để chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện quyết liệt công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật đạt nhiều kết quả tích cực.
Triệt phá hơn 3.500 băng nhóm tội phạm
Cụ thể, số vụ phạm pháp hình sự giảm 2,72%. Tỷ lệ điều tra, khám phá đạt 81,33% (vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra), giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố đạt hơn 87%.
Lực lượng chức năng cũng triệt phá 3.580 băng, nhóm tội phạm hình sự các loại; bắt, vận động đầu thú, thanh loại 6.360 đối tượng truy nã... Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về kinh tế, tham nhũng đạt nhiều kết quả rõ nét, nhất là trong điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn, dư luận xã hội quan tâm, tỷ lệ thu hồi tài sản được nâng lên.
Công tác đấu tranh với tội phạm ma túy đạt nhiều kết quả nổi bật, đã đánh đúng, đánh trúng nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn, xuyên quốc gia, thu giữ lượng lớn ma túy các loại, nhất là triệt phá được tụ điểm phức tạp về ma túy tại xã Loóng Luông, Vân Hồ, Mộc Châu, Sơn La....
Bộ trưởng Công an Tô Lâm. Ảnh: Duy Ngọc. |
"Kết quả trên là rất tích cực, trong điều kiện năm 2018 số tin báo, tố giác tội phạm và số vụ án thụ lý đều tăng so với cùng kỳ năm trước, nhưng số cán bộ không tăng", ông Tô Lâm nói.
Bộ trưởng Công an cũng cho hay dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng nhưng tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật vẫn diễn biến phức tạp. Các tổ chức phản động lưu vong tiếp tục tăng cường hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi; đồng thời đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền xuyên tạc tạo sự hoài nghi, gây ra tâm trạng bức xúc trong một bộ phận nhân dân, từ đó kích động tập trung đông người gây rối, leo thang các hoạt động bạo lực, khủng bố phá hoại.
Tội phạm, vi phạm pháp luật về trật tự xã hội tuy giảm nhưng tính chất vẫn nghiêm trọng, cường độ bạo lực gia tăng. Hoạt động của các băng, ổ nhóm tội phạm có sự đan xen, gắn kết chặt chẽ giữa các lĩnh vực, triệt để lợi dụng danh nghĩa các doanh nghiệp để hoạt động phạm tội; nhất là liên quan đến lĩnh vực "tín dụng đen", kéo theo tình trạng siết nợ, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật... tại nhiều địa phương.
Tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội; bạo hành, xâm hại trẻ em có chiều hướng gia tăng. Tội phạm cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản chiếm tỷ lệ cao, thủ đoạn tinh vi, tính chất manh động.
"Tham nhũng vặt" diễn biến phức tạp
Thượng tướng Tô Lâm nhận định tội phạm và vi phạm pháp luật về kinh tế, tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp, nhất là "tham nhũng vặt" trong khu vực hành chính, dịch vụ công.
Qua các vụ án đã xử lý cho thấy, các đối tượng triệt để lợi dụng những sơ hở trong cơ chế, chính sách để thông đồng tạo ra các "nhóm lợi ích" nhằm thâu tóm đất công; cho vay sai nguyên tắc, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga. Ảnh: Quân Minh. |
Bộ trưởng Công an cũng nhấn mạnh, thời gian tới sẽ tiếp tục mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, tập trung đấu tranh có hiệu quả với tội phạm có tổ chức.
"Lực lượng công an sẽ phối hợp chặt chẽ với VKS, TAND đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án trọng điểm nhằm răn đe tội phạm và giáo dục, phòng ngừa chung", ông Tô Lâm khẳng định.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng công tác quản lý cán bộ trong lực lượng phòng, chống tội phạm vẫn còn sơ hở nên đã để xảy ra một số vụ án có sự tham gia của sĩ quan cấp cao.
Một số cá nhân, doanh nghiệp đã móc ngoặc với cán bộ có chức vụ, quyền hạn tại địa phương để tạo các "nhóm lợi ích" hoặc lợi dụng công tác nghiệp vụ, các "tổ chức bình phong" nhằm dùng ảnh hưởng để vi phạm pháp luật, gây thiệt hại rất lớn cho Nhà nước.
Bên cạnh đó, có những vụ liên quan đến một số sĩ quan công an, quân đội, lãnh đạo một số địa phương đã kéo dài trong nhiều năm, nhưng đến nay mới được phát hiện, xử lý, điển hình như vụ Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm"), vụ Đinh Ngọc Hệ (Út "trọc")...