Judth Kafka, giáo sư lịch sử tại Đại học Baruch, Mỹ, cho rằng nếu một người không học tốt ở trường, đơn giản là vì người đó không cố gắng hết sức.
Ông quan niệm công việc ở trường của giáo viên không chỉ dừng lại ở dạy học. “Trường còn là nơi dạy trẻ cách cư xử để trở thành một thành viên của xã hội, một công dân tốt và có trách nhiệm”, Kafka nói.
Ông cho biết trước đây, giáo viên thường trừng phạt học sinh bằng cách dùng roi hoặc thước để đánh. Thậm chí, học sinh phải quỳ gối xuống một mặt phẳng có vật sắc nhọn hoặc đứng trong một thời gian dài.
Nhiều người tin rằng nghiêm khắc có thể giúp uốn nắn trẻ thành những công dân gương mẫu. Không ít ý kiến khác lại phản bác điều này. |
Nhiều chuyên gia chỉ trích phương pháp trừng phạt vì không hiệu quả. Nhà cải cách giáo dục Horace Mann gọi đó là “di tích của chủ nghĩa man rợ” và lập luận rằng học sinh nên học cách tự giám sát hành vi bản thân.
Tuy nhiên, họ đều đồng tình kỷ luật là một phần không thể thiếu trong công việc của nhà giáo và là chìa khóa để chấn chỉnh học tập.
Chỉ sai phạm nhỏ cũng có thể trở thành tội phạm
Thực tế, mỗi đứa trẻ có thể mang trong mình những ước mơ lớn. Tuy nhiên, chúng luôn phải thận trọng trước mức án kỷ luật trong trường. Chúng có thể bị đuổi học vì chính sách kỷ luật hà khắc.
Những sai phạm rất nhỏ, như nói chuyện hoặc vi phạm nội quy trang phục, có thể bị coi là tội lớn. Điển hình như trường hợp của một học sinh trung học tại bang Florida. Em bị đuổi học vì thử trộn các hóa chất gia đình thông thường vào chai nhựa nhỏ để xem phản ứng.
Thí nghiệm để chuẩn bị cho hội chợ khoa học của trường vô tình gây nổ. Không chỉ bị đuổi học, nữ sinh còn phải đối mặt pháp luật.
Theo Guardian, sau khi nhận thông tin trên, TS Kathleen Nolan, giảng viên tại Đại học Princeton, cũng phải thốt lên: "Hoàn toàn điên rồ! Cô gái này phải đối mặt với bản án đuổi học, bị buộc tội và có thể bị lập hồ sơ hình sự chỉ vì những tò mò sai lầm".
Trường hợp của một nữ sinh 14 tuổi sống tại bang Ohio, em vi phạm nội quy trang phục của trường và phải trả giá với việc bị cảnh sát đưa đến tòa án vị thành niên.
Theo New York Times, em là một trong số hơn 20 học sinh ở thành phố Toledo bị còng tay trong tháng đó, bởi những hành vi như gây rối, tạo tiếng ồn, nguyền rủa giáo viên, cãi nhau với bạn cùng lớp hoặc vi phạm nội quy trang phục.
Kafka cho hay thẩm quyền kỷ luật học sinh của giáo viên Mỹ dựa vào một điều khoản pháp lý. Theo đó, giáo viên có quyền như phụ huynh.
Quyền của giáo viên suy yếu
Tuy nhiên, quyền quyết định hình thức kỷ luật cho học sinh của giáo viên ở Mỹ ngày càng yếu. Thay vào đó, các quản trị viên, hiệu trưởng và thậm chí cả nhân viên xã hội sẽ chịu trách nhiệm về việc này.
Thực tế, quyền lực giáo viên giảm do hoàn cảnh thay đổi. Từ năm 1890 đến năm 1918, tỷ lệ nhập học trung học tăng 711%. Hình thức học tập truyền thống (ngồi một lớp trong gần như tất cả các môn học) dần đổi mới (mỗi môn một lớp).
Bên cạnh đó, sau Thế chiến II, giáo viên bắt đầu thành lập công đoàn. Họ muốn quyền kỷ luật học sinh được nói rõ ràng trong hợp đồng, về những gì họ phải chịu trách nhiệm. Khi đó, giáo viên muốn tập trung việc dạy học chứ không phải chấn chỉnh hành vi của học sinh.
Những sai phạm rất nhỏ, như nói chuyện hoặc vi phạm nội quy trang phục, có thể bị phạt ở trường học. |
Năm 1975, Tòa án Tối cao Mỹ ra phán quyết các trường không thể đình chỉ một học sinh mà không thông qua một buổi điều trần. Tuy nhiên, vài năm sau, tòa án phán quyết hình phạt thể xác tại các trường học đúng với hiến pháp. Ngày nay, hình phạt này vẫn còn hợp pháp tại 19 tiểu bang.
Tại sao trường học ở Mỹ siết chặt kỷ luật?
Vào những năm 1950, người ta bắt đầu sợ trẻ em vượt ra ngoài tầm kiểm soát bởi chịu ảnh hưởng từ truyện tranh, phim ảnh và nhạc rock. Đề tài về tội phạm vị thành niên nóng hổi đến mức liên tục được các nhà làm phim khai thác.
Đến những năm 1980 và 1990, những thay đổi mang tính lây lan khiến người ta sợ về bạo lực băng đảng. Chính quyền nỗ lực hơn trong việc trừng phạt tội phạm cả trong và ngoài trường học.
Cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan kêu gọi áp dụng lại những hình thức kỷ luật cũ và cảnh báo trường học có thể sẽ trở thành nơi nguy hiểm và đáng sợ.
Năm 1994, quốc hội Mỹ cũng thông qua Đạo luật cấm mang súng vào trường học. Từ đây, thời đại "không khoan dung" trong những trường công lập ở Mỹ bắt đầu. Theo đó, học sinh vi phạm nội quy của trường phải đối mặt các hình thức kỷ luật bắt buộc. Cảnh sát cũng được triển khai trong các trường để giám sát học sinh.
Russell Skiba, giáo sư tâm lý giáo dục tại Đại học Indiana, cho hay: “Theo lý thuyết, áp dụng các hình phạt nghiêm trọng đối với những sai phạm nhỏ đồng nghĩa thông điệp cảnh cáo học sinh rằng hành vi phá hoại đó là không thể chấp nhận".
Bổ sung ý kiến, Albert Shanker, Chủ tịch Liên đoàn Giáo viên Mỹ (AFT), cho rằng: “Sự thật của vấn đề là nếu các trường học không còn an toàn, chúng ta sẽ chẳng đạt được bất cứ điều gì".
Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra trong những năm gần đây, “không khoan dung” đã không thành công trong việc khiến các trường học trở nên an toàn hơn, thậm chí dẫn đến những khoảng cách chủng tộc trong khi kỷ luật.
Với sự thúc giục của chính phủ liên bang, nhiều trường học đã chuyển sang cách tiếp cận khác. Họ không còn chú trọng việc đình chỉ hay đuổi học. Thay vào đó, họ tập trung các mối quan hệ trong trường để loại bỏ những hành vi xấu. Cách tiếp cận này thường được gọi là kiến các thói quen trở nên lành mạnh.