Mấy ngày này, sau vài cơn bão càn quét tan hoang, tội nhất là nhìn các em nhỏ khu vực miền cao, nơi lũ lốc tràn về thổi trôi bản trôi trường, trôi bàn trôi trại, lóp ngóp dưới mưa, ngồi xổm hóng chờ con chữ trong ngày khai giảng.
Bão thật vừa qua, “bão mạng” lại dồn dập chuyện trường, chuyện lớp. Mới đầu năm, chữ còn chưa “nhặt” được mấy dòng, đã nở ra toàn những thứ trứng ung.
Đầu tiên vẫn là cái chuyện thu tiền đầu năm, xôn xao nhộn nhạo nơi nhiều nơi ít. Thậm chí có nơi phụ huynh bức xúc quá còn đi đòi lại quà đã tặng cho cô như trò trẻ con.
Không hiểu trong cái đầu non nớt sáng trong các con nghĩ gì về bố mẹ - thầy cô mình, chứ cá nhân tôi cho rằng, chẳng có điều gì kỳ cục và xấu xí hơn điều ấy.
Chung quy cũng một chữ 'tiền'!
Lại mấy hôm rồi, cũng chữ tiền mà người ta giằng xé nhau trên mạng xã hội về việc một vài ngôi trường tư thục nổi tiếng đắt đỏ và danh tiếng cũng chẳng phải hạng xoàng bỗng thình lình hạ trát tăng học phí, dù cho trước đó đã cam kết “không tăng học phí trong 10 năm” hay “không vì lợi nhuận”.
Thế là cơn phẫn nộ lại được các vị phụ huynh kéo lên rầm rộ, thi nhau tố xấu kể tội nhà trường.
Các con cần học để thành người cao quý, điều mà môi trường giáo dục nào cũng cần hướng tới. |
Chuyện tiền chưa đủ, khi người ta rút con mình khỏi môi trường tư thục ấy như kiểu “ve sầu thoát xác” xong rồi, ấm ức chưa được giãi bày, với danh nghĩa một vị phụ huynh “vì cái chung” mà sẵn sàng lên tiếng tố tội nhà trường hà khắc, động chút đòi kỷ luật, kiểm điểm, mời phụ huynh...
Rồi chuyện nhà trường “lượn lách” để dạy thêm một cách tinh vi... Xem ra, ở mấy môi trường đó, con cái đi học mệt mỏi thế nào thì phụ huynh còn căng thẳng hơn gấp bội.
Ơ hay, các vị phụ huynh này! Tôi bảo nhé! Khi các bạn quyết định để đứa con yêu quý của mình vào môi trường do chính các bạn sắp đặt - hãy thừa nhận là phần lớn các bạn sắp đặt cuộc đời con mình dưới sự ngụy biện chỉ làm điều tốt nhất cho con - thì cũng tức là bạn đã tìm hiểu, nghiên cứu và chấp nhận những gì đã và đang tồn tại ở nơi tuyệt diệu ấy rồi.
Cũng có nghĩa là, sự thất vọng - nếu có, chính do các bạn quá ngây thơ hoặc quá thờ ơ với cảm xúc của con cái mình. Hãy hỏi, khi con bạn được nhận vào một ngôi trường đó, chúng có muốn không, có động lực gì không? Và khi đã vào rồi, chúng có yêu thích hay không?
Khi bạn ký kết đóng học phí với nhà trường đầy đủ và cam kết tuân thủ các nội quy do nhà trường đưa ra (mà chắc sẽ không vi phạm các quy định và tiêu chuẩn của ngành giáo dục), có nghĩa bạn đã đưa con mình vào một cuộc chơi không bình đẳng, nhưng sẽ cho kết quả cuối cùng kẻ thắng lợi chính là con bạn.
Và bạn chấp nhận điều đó, với hy vọng mong manh rằng con mình có thể vượt qua như bao bạn bè cùng trang lứa khác.
Có bao giờ bạn tự hỏi rằng, ngôi trường tư thục ấy, có tổng cộng bao nhiêu học sinh và bạn tổng kết được rằng có bao nhiêu học sinh đã vi phạm ít nhất 1 lần các quy định và bị kỷ luật, bị kiểm điểm, bị mời phụ huynh? Có bao nhiêu học sinh sau lần đầu bị kỷ luật không còn tái phạm? Có bao nhiêu học sinh tái phạm nhiều lần?
Và quan trọng hơn, có bao giờ bạn tự hỏi, đứa con của mình “ngoan” như thế sao vẫn có thể vi phạm quy định, trong khi nhiều bạn khác lại thực hiện tốt? Mà phần nhiều những quy định ấy nhắm vào lỗi ý thức chứ không phải là do con bạn thông minh hay kém thông minh?
Ý thức không nâng cao được, giỏi giang mấy cũng chẳng đứng vào được hàng ngũ công dân toàn cầu đâu, phụ huynh ạ!
Xem ra, hai từ 'ý thức' vẫn còn là xa xỉ!
Cuộc chơi vốn không công bằng, nên dẫn tới chuyện kẻ ra luật muốn làm gì thì làm, họ sẵn sàng thay đổi luật chơi khi thấy mình yếu thế! Bởi họ đã nắm được gót chân Asin của các bạn, phụ huynh ạ!
Họ tăng học phí và tạo ra cơ số các “chiêu trò” khác để khai thác tối đa việc các bạn sẽ phải chi tiền cho tương lai của con cái mình. Và tôi dám khẳng định rằng, những việc ấy của họ chẳng hề “ngẫu hứng”.
Bản chất họ là doanh nghiệp! Và họ kinh doanh! Chính vì bản chất là kinh doanh nên rõ ràng giữa các bạn với nhà trường đáng lẽ phải tuân thủ quy luật kinh tế thị trường: Thuận mua vừa bán.
Mặc dù vậy, họ biết gót chân Asin của các bạn: Tâm lý cần. Bạn cần bọn họ! Họ đã tạo đủ danh tiếng để các bạn nghe thấy, đọc thấy, nhìn thấy rằng chỉ có trong môi trường của họ mới là tốt nhất. Chỉ có điều duy nhất bạn không thể thấy, đó là trải nghiệm!
Họ bán thứ bạn cần. Họ biến các bạn, đáng lẽ là những “thượng đế” trở thành kẻ bi lụy, yếu thế và sẵn sàng phải rời đi bất cứ khi nào bạn không chịu nổi. Điều gì ràng buộc các bạn như thế?
Hôm nay, một trong những người bạn của tôi nói rằng, điều quan trọng nhất không phải là con bạn được học ở đâu mà chính là nơi ấy có dạy chúng sau này có thể trở thành con người cao quý hay không?
Một đứa trẻ sau này có thể trở nên cao quý hay không, trước tiên phải được dạy về lòng biết ơn, tình yêu mến, sự quý trọng, cảm xúc và chính kiến của bản thân... Và tất nhiên phải khôn ngoan nữa!
Vậy các bạn có phải là những phụ huynh có tiền khôn ngoan hay không?