Hai ngày trước, mạng xã hội truyền tay nhau bài chia sẻ mang tên “Bên trong cánh cửa Lương Thế Vinh - chưa vơi nụ cười, đã rơi nước mắt” của một phụ huynh có con từng theo học ngôi trường tư nổi tiếng tại Hà Nội.
Theo lời kể của người mẹ, khi mang những bức xúc vì chứng kiến con gái gặp áp lực tại trường chia sẻ với cô hiệu phó, chị nhận được câu trả lời: “Nếu tiếp tục học ở môi trường này, phụ huynh coi như ngậm đắng nuốt cay, chúng tôi không bắt buộc con chị phải học ở đây. Chị hoàn toàn có thể chuyển cho con sang môi trường khác”.
Cách đây vài ngày, báo chí dẫn lời ông Triệu Văn Thịnh - Hiệu trưởng trường THPT thực hành Cao Nguyên (Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk): "Phụ huynh nào không đồng ý thì khỏi học" và "thấy không phù hợp cứ chuyển trường, không sao hết" đơn giản vì "chúng tôi có yêu cầu học đây đâu".
Ông Thịnh nói với phụ huynh như vậy khi nhận được thắc mắc về khoản đóng góp đầu năm quá cao.
Điệp khúc “Chúng tôi không quan tâm”, “Không đồng thuận có thể chuyển trường” không phải xuất hiện lần đầu ở một trường nhất định. Nhiều lời nói của "người lái đò thầm lặng" đã gây bức xúc cho dư luận và làm tổn thương nhiều bậc cha mẹ học sinh.
Phải chuyển trường cho con vào giữa năm học là việc cực chẳng đã với hàng loạt thủ tục giấy tờ, cũng như phải bắt tay lại từ đầu tìm kiếm môi trường phù hợp sức học, tính cách của con, tiềm lực kinh tế của bố mẹ, địa điểm sống của gia đình.
Không những ảnh hưởng tâm lý và việc học của trẻ, chính người lớn cũng gặp khó khăn khi phải chạy theo sự thay đổi giờ giấc và thói quen đi học của con em mình.
Chị Đào Hương Giang (Phương Mai, Hà Nội) có con gái đang học lớp 4 một trường ngoài công lập khẳng định việc chuyển trường cho con không đơn giản. Nó là phương án bất đắc dĩ. Việc những người làm giáo dục có phát ngôn chưa hay như vậy là không tôn trọng phụ huynh và học trò.
"Cái chúng tôi muốn là sự thống nhất và thấu hiểu giữa thầy cô và cha mẹ, chứ không phải cứ đẩy các con đi là xong chuyện. Nếu trường nào cũng đuổi học trò, con chúng tôi sẽ học ở đâu?", người mẹ thằng thắn đặt câu hỏi.
Đoạn chia sẻ của phụ huynh một em học sinh trường Lương Thế Vinh khiến nhiều người xôn xao. |
Cô Lê Mỹ Thương (giáo viên THCS Lê Văn Tám, Quảng Ninh) cho biết việc đẩy những học sinh ra khỏi trường khi giữa người lớn không có sự đồng cảm là tàn nhẫn.
Cô giáo có 20 năm công tác trong ngành nêu vấn đề: Liệu khi đã chuyển trường, những đứa trẻ này có hay không cảm xúc tiêu cực, ác cảm với việc học, thậm chí với cha mẹ, thầy cô, những người đã buộc chúng phải đột ngột chuyển tới một môi trường xa lạ, không còn bạn bè mà chúng đã quen.
Thầy Nguyễn Văn Dũng (Hiệu phó THPT Trương Định, Hà Nội) cho rằng việc sẵn sàng mời học trò và phụ huynh "bước ra khỏi cổng trường" khi nhận được ý kiến phản hồi là hành động thách thức.
"Về bản chất, đây là sự bất lực trong giáo dục. Dù là công lập hay tư thục, việc sẵn sàng 'đuổi khéo' học trò như vậy đã gây tổn thương con trẻ. Trường là nơi dạy học, chứ không phải thương trường với những bản hợp đồng kinh tế lạnh lẽo, chiêu trò để có thể lạnh lùng 'tôi không thích anh thì tôi đuổi'", thầy Dũng khẳng định.