Đại học Mở TP.HCM dành 5- 6 tỷ đồng để hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh và tình hình xâm nhập mặn gây thiệt hại cho gia đình sinh viên các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong đó, trường ưu tiên các tỉnh đang chịu thiệt hại nặng nề có hoàn cảnh khó khăn. Dự kiến có từ 2.500 đến 3.000 suất học bổng, trị giá 2 triệu đồng/suất.
Đối tượng hỗ trợ là sinh viên có cha, mẹ hoặc người giám hộ bị cho nghỉ việc trong thời gian từ tháng 3 đến nay gặp khó khăn trong việc bán nông sản vì ảnh hưởng của Covid-19. Sinh viên có gia đình chịu hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn dẫn đến mất mùa, chết cây trồng, gia đình nợ nần cũng được hỗ trợ.
Sinh viên đảm bảo an toàn trong mùa dịch. Ảnh: Việt Hùng. |
Đại diện Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, dịch bệnh phức tạp, kéo dài ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của đông đảo người lao động, trong đó có gia đình của nhiều sinh viên. Bên cạnh đó, nhiều sinh viên cũng phải tạm nghỉ việc làm thêm trên thành phố, mất một nguồn thu đỡ cho gia đình.
Nhà trường hiểu được những khó khăn của phụ huynh và sinh viên trong thời điểm này, nên quyết định dành gói 20 tỷ tập trung hỗ trợ miễn giảm học phí cho những sinh viên có hoàn cảnh kinh tế thực sự khó khăn.
Kinh phí được trích từ khoản tiết kiệm chi vận hành trong thời gian học trực tuyến, tiết giảm đầu tư xây dựng cơ bản và tiết giảm các khoản chi khác. Gói hỗ trợ này được đưa ra độc lập với quỹ học bổng thường niên trị giá 45 tỷ đồng nhằm khuyến khích tài năng và hỗ trợ học tập cho những sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo và sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, có nghị lực vươn lên trong học tập với các học bổng trị giá 50 - 100% học phí.
Tương tự, Ban giám hiệu Đại học Bách khoa TP.HCM cho biết một nửa thời gian của học kỳ 2 năm học 2019-2020 đã trôi qua, nhưng thầy trò chưa thể trở lại giảng đường. Vì vậy, nhà trường quyết định hỗ trợ cho sinh viên khoảng 12 tỷ đồng. Gói hỗ trợ này được thông qua 2 hình thức:
Mỗi sinh viên được nhận hỗ trợ 50.000 đồng/tháng cho đến hết dịch. Tổng giá trị gói hỗ trợ là khoảng 3 tỷ đồng. Lãnh đạo nhà trường khuyến nghị sinh viên dùng kinh phí này để mua đường truyền 4G tốc độ cao nhằm hỗ trợ học trực tuyến tốt nhất.
Bên cạnh đó, nhà trường quyết định tài trợ học bổng đồng hành cho sinh viên hiếu học và có hoàn cảnh khó khăn. Kinh phí của gói này khoảng 9 tỷ đồng, được trích từ gói hỗ trợ trường và từ sự đóng góp của các doanh nghiệp và cựu sinh viên.
Đại học FPT quyết định trích từ Quỹ đầu tư phát triển hơn 80 tỷ đồng để hỗ trợ 20% học phí các tháng kỳ hè (từ tháng 5 đến hết tháng 8/2020) cho sinh viên cao đẳng và đại học. Tỉ lệ hỗ trợ học phí cho các chương trình liên kết là 10%, phần hỗ trợ bổ sung nếu có sẽ được thông báo sau khi thống nhất được với các đối tác liên kết nước ngoài.
Đại học Ngoại ngữ-Tin học TP.HCM cũng thông báo hỗ trợ 1 triệu đồng/sinh viên có hộ khẩu tại các tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu long, chia sẻ với những khó khăn gia đình sinh viên chịu ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn.
Sinh viên làm đơn, ghi rõ số tài khoản, có xác nhận của địa phương gửi về khoa trước ngày 31/5. Trong trường hợp đến thời gian này còn hạn chế đi lại vì dịch bệnh, sinh viên có thể scan/chụp hình đơn và hộ khẩu (thay cho xác nhận của địa phương) để gửi emai về khoa.
Đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM thông báo giảm 25% học phí học phí học trực tuyến cho sinh viên. Trường thống nhất triển khai kế hoạch học và dạy chương trình học kỳ 2 năm học 2019-2020 theo hình thức trực tuyến dự kiến là vào giữa tháng 4.
Nhà trường sẽ sắp xếp các giảng viên dạy môn lý thuyết, mỗi khoa sẽ áp dụng tối thiểu 2 học phần trong học kỳ này. Tổng số học phần dự kiến trong học kỳ này được giảng viên đăng ký lên tới 70 môn với 120 số lớp.
Học viện Tòa án sau khi chính thức cho sinh viên chuyển sang học online cũng quyết định hỗ trợ mỗi sinh viên đang ở trong ký túc xá được nhận 1 triệu đồng trích từ quỹ tình nghĩa của hệ thống tòa án nhân dân.