Bánh Trung thu trong ngày Rằm tháng 8 là nét văn hóa đẹp của người Việt. Tuy nhiên, đây là một trong những sản phẩm kém lành mạnh nhất về mặt dinh dưỡng. Dưới đây là tư vấn của Tiến sĩ dinh dưỡng Lê Đoàn Thanh Lâm về cách sử dụng loại bánh này.
Bánh trung thu: Cơn ác mộng calo
Bánh trung thu truyền thống thường được làm từ bột mì tinh luyện, đường, bơ, dầu thực vật, bột đậu dạng nhuyễn và tẩm ướp với rất nhiều đường, có thể thêm cả lòng đỏ trứng.
Một chiếc bánh trung thu đậu đỏ cỡ nhỏ (60 g) chứa tới 270 calo, gần tương đương với một bát cơm trắng. Lòng đỏ trứng rất giàu chất béo, nên một chiếc bánh trung thu c một lòng đỏ trứng có thể chứa đến 420 calo, và một chiếc bánh trung thu sầu riêng thì có thể cung cấp cho bạn tới 800 calo (gần bằng 3 bát cơm).
Để đốt hết 800 calo từ chiếc bánh, một phụ nữ nặng 55 kg cần đi bộ nhanh với vận tốc 5km/h trong 4 tiếng, tập thể dục aerobic trong 1 tiếng 45 phút, hoặc chơi cầu lông trong ít nhất 2 tiếng.
Ngoài calo, hàm lượng đường và chất béo trong bánh trung thu cũng cao hơn rất nhiều trong cơm. Lượng đường hấp thu trong ngưỡng hợp lý mỗi ngày là không nhiều hơn 10 thìa cà phê (một thìa cà phê tương đương với 4 g đường), và một chiếc bánh trung thu sen dẻo có thể chứa tới 16 thìa cà phê đường và 11 thìa cà phê chất béo.
Chất béo trong bánh trung thu thường có nguồn gốc từ dầu tinh luyện, mỡ trừu (shortening). Đó là những chất béo có hại có thể gây ra những cục máu đông và làm tăng lượng cholesterol xấu trong cơ thể. Nếu ăn nhiều món bánh này, những người bị tiểu đường, huyết áp cao, mỡ máu cao và bệnh mạch vành có thể gặp nguy hiểm, làm trầm trọng thêm chứng xơ vữa động mạch cũng như có thể gây nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
Từ các loại bánh truyền thống đến phá cách, bánh thường có màu sắc rất bắt mắt và hấp dẫn. Những người trẻ rất hứng thú với điều đó. Tuy nhiên, bạn cần đọc kỹ nhãn thành phần trước khi mua. Chúng có thể được làm với chất tạo màu, tạo mùi nhân tạo. Những chất này, cùng với đường và chất béo, có thể khiến cơ thể bạn mất cân bằng chuyển hóa, hoặc tăng cân nhanh.
Cách ăn bánh giúp giảm tác hại
- Cắt ra thành nhiều miếng nhỏ và cùng ăn với bạn bè, gia đình sẽ giúp bạn tránh được việc hấp thu hết khối lượng đường và chất béo khổng lồ.
- Không ăn bánh trung thu thay cho bữa sáng: Điều này đi ngược lại hoàn toàn những nguyên tắc dinh dưỡng cân bằng. Ba bữa ăn chính trong ngày phải được cân bằng với carbohydrate tốt, chất béo và protein có lợi. Bánh Trung thu chứa nhiều đường nếu ăn vào buổi sáng, nồng độ đường trong máu của bạn sẽ tăng vọt rồi giảm mạnh vào giữa ngày, khiến bạn thấy mệt mỏi và thèm thuồng đồ ngọt. Loại bánh này quá nhiều calo mà lại không cung cấp chất xơ và các vi chất cần thiết cho cơ thể nên không thể thay thế bất kỳ bữa ăn nào trong ngày.
- Chọn loại bánh không đường hoặc dùng các loại đường lành mạnh hơn: Ở những nước cũng có truyền thống đón Tết Trung Thu như Việt Nam, họ có những loại bánh không đường sử dụng chất tạo ngọt tự nhiên như isomalt hay cỏ stevia. Điều đó khiến món ăn chứa ít đường và tốt cho sức khỏe hơn.
- Giảm lượng carbohydrate bạn hấp thu: Những người thừa cân nên giảm lượng cơm và dầu mỡ họ ăn để cân bằng dinh dưỡng nếu trong ngày đã ăn bánh trung thu. Những người bị rối loạn chuyển hóa, xơ vữa động mạch hay tiểu đường nên hạn chế ăn bánh trung thu.
- Uống trà: Trà ô long chứa nhiều axit axetic, giúp thúc đẩy tiêu hóa và giảm tích tụ mỡ trong cơ thể. Tránh ăn bánh Trung thu cùng đồ uống có ga vì chúng chứa rất nhiều calo và đường.
- Ăn bưởi: Đây là một loại quả truyền thống của dịp Tết trung thu, giàu vitamin C. Loại quả này giúp giảm cholesterol và nguy cơ bệnh tim.
Tiến sĩ dinh dưỡng Lê Đoàn Thanh Lâm tốt nghiệp kỹ sư công nghiệp thực phẩm Đại học Bách Khoa Hà Nội, nhận học bổng Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam để học chương trình thạc sĩ châu Âu tại 3 nước Pháp, Bỉ, Ý. Sau đó anh tiếp tục làm nghiên cứu sinh 3 năm với học bổng của Viện nghiên cứu quốc gia Nông nghiệp Pháp. Anh có nhiều bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế (Critical Review in Food Science & Nutrition, Journal of Dairy Science, Biophysical Journal…).