Hiệp hội Ung thư Mỹ khuyến khích mọi người tham gia tích cực vào cuộc chiến bảo vệ không khí sạch, lành mạnh. Một số lời khuyên dưới đây sẽ giúp bạn lên kế hoạch hoạt động tốt hơn, và ngăn chặn những ảnh hưởng xấu nếu sống trong không gian có không khí ô nhiễm.
Đeo khẩu trang hoạt tính khi ra ngoài đường
Sử dụng khẩu trang hoạt tính khi đi ra đường, dù chỉ ra ngoài trong 10 phút. Chúng sẽ làm giảm số lượng các chất ô nhiễm bạn hít phải, ngăn ngừa các vấn đề về đường thở như ngứa cổ họng, khó thở, thở khò khè, ho...
Bảo vệ mắt
Không khí ô nhiễm có thể gây ngứa, khô, dị ứng mắt. Để giảm tác hại của không khí ô nhiễm, bạn nên đeo kính râm khi đi ra ngoài. Sau khi về nhà, sử dụng thuốc nhỏ mắt để làm sạch và khử trùng mắt.
Nếu các chất ô nhiễm đã xâm nhập vào mắt, tránh dụi mắt trực tiếp. Thay vào đó, bạn nên rửa mắt bằng nước sạch, đắp một miếng gạc mát để giảm kích ứng và sử dụng thuốc nhỏ mắt.
Không khí bị ô nhiễm là tình trạng đáng báo động ở nhiều nơi trên thế giới. Ảnh: AP. |
Luôn mang thuốc theo
Nếu bạn có vấn đề về đường hô hấp, tim mạch, chắc chắn phải mang thuốc theo khi bạn đi ra ngoài. Thực hiện đúng cách theo hướng dẫn của bác sĩ để kiểm soát an toàn các triệu chứng bệnh.
Tập thể dục vào buổi sáng hoặc buổi tối
Khi hoạt động thể chất, bạn sẽ thở sâu và nhanh hơn, tăng nguy cơ tiếp xúc nhiều hơn với các chất ô nhiễm.
Ngoài ra, không khí bị ô nhiễm cao nhất vào giữa buổi, dưới ánh nắng mặt trời cao. Vì vậy, bạn nên tập thể dục khi thời tiết ngoài trời mát mẻ, hoặc tập luyện trong nhà, giúp bạn tránh tiếp xúc quá nhiều với không khí bẩn.
Tránh tới những nơi không khí bị ô nhiễm
Nên hạn chế đi lại tới những khu vực thường bị ô nhiễm như đường đông đúc, khu công nghiệp hoặc sống gần đường cao tốc, đường lớn. Nếu nhà bạn ở ngay mặt đường, tránh mở cửa sổ phía ngoài đường. Nếu đó là cửa sổ duy nhất trong nhà, hãy mở cửa khi thời tiết mát mẻ, mật độ giao thông thấp nhất trong ngày.
Sử dụng ít năng lượng trong nhà
Các nguồn điện và năng lượng trong nhà có thể gây ô nhiễm không khí. Bằng cách giảm sử dụng năng lượng, bạn có thể cải thiện chất lượng không khí, hạn chế khí thải nhà kính.
Duy trì lượng không khí sạch trong nhà
Hãy chú ý đến chất lượng không khí trong nhà bạn. Một số chất ô nhiễm ngoài trời, như các hạt mịn và ozone, có thể xâm nhập vào nhà. Ngoài ra, còn có các chất ô nhiễm khác từ khói thuốc lá, khói lò sưởi, độ ẩm quá mức, sản phẩm gia dụng, vật liệu xây dựng...
Để đảm bảo chất lượng không khí trong nhà, bạn nên:
- Tránh hút thuốc trong nhà
- Giữ không gian thoáng đãng, chống ẩm, ngăn ngừa nấm mốc phát triển
- Lựa chọn các sản phẩm gia dụng lành mạnh, thân thiện với môi trường
- Hạn chế sử dụng lò sưởi, thiết bị đốt củi, than
Thay đổi chế độ ăn
Một số nghiên cứu cho thấy các loại thực phẩm giàu vitamin nhất định có thể giúp cơ thể dẻo dai, tăng cường hệ miễn dịch, loại bỏ các độc tố, ngăn ngừa bệnh tật.
Thực phẩm giàu vitamin A và beta-carotene như bơ, khoai lang, cà rốt, gan động vật... hỗ trợ hình thành và duy trì màng nhầy trong mũi và đường ruột, tăng khả năng chống nhiễm trùng.
Các thực phẩm giàu vitamin C như cam, dâu tây, xoài, bông cải xanh, đu đủ... giúp hình thành các chất kết nối và tăng cường mạch máu, giúp chữa lành bệnh nhanh hơn.
Trong khi đó, hàm lượng vitamin E dồi dào trong các loại rau lá xanh, ngũ cốc nguyên hạt, lòng đỏ trứng, bơ... có tác dụng chống lại các tổn thương tế bào, cung cấp nhiều oxy cho tế bào và do đó, tăng cường hệ thống miễn dịch.