Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cách chế biến món ăn từ thịt dê

Theo Đông y, thịt dê có vị ngọt nhưng không ngấy, tính ôn nhưng không táo, có tác dụng trừ hàn, bổ khí huyết.

Thịt dê là một loại thực phẩm có nhiều tác dụng đối với sức khỏe. Theo các nghiên cứu y học hiện đại, thịt dê có chứa nhiều protein, acid amin, chất béo không bão hòa, vitamin B, sắt, acid linoleic, selen, choline…

Tác dụng của thịt dê với sức khỏe

Đây là những thành phần tạo nên lợi ích sức khỏe của thịt dê như ngăn ngừa thiếu máu, ngăn ngừa bệnh tim mạch, hỗ trợ tuần hoàn, giảm nguy cơ viêm mạch máu, giảm nguy cơ ung thư, phòng tránh các dị tật bẩm sinh, làm đẹp da, đẹp tóc, tăng cường sinh lý nam giới…

Ngoài ra, với những tác dụng như thúc đẩy lưu thông máu, làm tăng thân nhiệt, hỗ trợ điều trị các bệnh đường hô hấp như lao, viêm phế quản, hen suyễn, thịt dê là món ăn rất thích hợp để bổ dưỡng cho mùa đông.

Nguyên nhân do vào mùa đông, dương khí trong cơ thể con người tiềm tàng vào bên trong, vì thế cơ thể dễ xuất hiện các tình trạng tay chân lạnh, khí huyết lưu thông kém.

Hơn nữa, theo Đông y, thịt dê có vị ngọt, tính ấm, có tác dụng bổ huyết ích khí, ôn trung, làm ấm thận. Đông y cũng thường dùng thịt dê trong điều trị các trường hợp khí huyết hư suy, hư lao gầy yếu, tỳ vị hư hàn, đau bụng, ăn ít hoặc buồn nôn, thận hư dương khí suy nhược, đau mỏi thắt lưng và gối, tiểu tiện nhiều lần, liệt dương…

Che bien thit de anh 1

Thịt dê là món ăn thích hợp trong mùa đông, đặc biệt với người có thể chất hư hàn.

Đông y cũng cho rằng dê hấp thu tinh hoa của cỏ cây, tính ôn nhiệt, có công dụng bổ ích can, đởm, khí huyết, đồng thời có thể chữa trị các bệnh chứng can huyết hư hàn, rất thích hợp cho người có thể chất hư hàn sử dụng vào mùa thu đông.

Một số món ăn từ thịt dê trong mùa đông

Cháo thịt dê bổ tỳ vị

Nguyên liệu: Thịt dê 250 g, cắt nhỏ; gạo tẻ (hoặc kê) 180 g.

Cách làm: Gạo (hoặc kê) làm sạch, thêm nước nấu thành cháo, nêm muối, gừng tươi, hạt tiêu để ăn. Chia làm 2-3 lần ăn trong ngày.

Công dụng: Có tác dụng tráng vị kiện tỳ, chủ yếu nhờ thịt dê ôn trung, bổ Tỳ. Dùng cho tỳ vị hư nhược, ăn uống kém, hoặc các chứng hư hàn gây nôn mửa.

Đương quy sinh khương dương nhục thang

Nguyên liệu: Thịt dê 250 g, cắt miếng; đương quy 30 g; gừng tươi 15 g.

Cách làm: Cho các nguyên liệu vào nấu đến khi thịt dê chín mềm, bỏ bã, lấy nước uống.

Công dụng: Thịt dê có tác dụng ôn trung bổ hư; Đương quy bổ huyết, làm dịu đau; gừng tươi ôn trung, kiện vị.

Bài thuốc này thích hợp với những trường hợp tỳ vị hư hàn, đau bụng cấp, đau vùng hông sườn, hoặc các chứng khí huyết hư suy, dương khí hư nhược.

Thịt dê tỏi

Nguyên liệu: Thịt dê 250 g luộc chín, cắt lát; tỏi 15 g, giã nát.

Cách làm: Dùng dầu ăn (hoặc dầu ớt đã nấu chín), nước tương, muối... trộn đều với thịt dê và tỏi để ăn.

Công dụng: Thịt dê có tác dụng ôn thận, hưng dương, tỏi là thực phẩm cay nồng, kết hợp với thịt dê để tăng cường tác dụng; dùng cho các chứng thận hư, liệt dương, đau mỏi lưng gối, tiểu tiện không tự chủ hoặc tiểu nhiều lần.

Một số lưu ý khi ăn thịt dê

Thịt dê tuy có nhiều lợi ích với sức khỏe nhưng cũng cần hạn chế sử dụng đối với những người hay nóng trong người. Khi chế biến cần tùy thuộc vào đối tượng sử dụng mà hạn chế các loại gia vị có tính cay, nóng... có thể dùng thêm một số loại rau củ có tính hàn để cân bằng.

Bên cạnh đó, dù thịt dê tương đối dễ tiêu hóa, nhưng nếu ăn quá nhiều hoặc thường xuyên có thể gây khó tiêu, dẫn đến nhiều bệnh tật. Ngoài ra, cũng không nên uống trà sau khi ăn thịt dê vì có thể dẫn đến tình trạng táo bón. Người bệnh viêm gan không nên ăn nhiều thịt dê có thể làm tăng gánh nặng cho gan; không nên kết hợp thịt dê với dấm, vì có thể làm giảm tác dụng của thịt dê, có thể sinh hỏa làm động huyết.

Hiểu đúng về bệnh Alzheimer

Bệnh Alzheimer không chỉ gây nên chứng sa sút trí tuệ, mất trí nhớ. Khi bước vào giai đoạn nặng hơn, trong tâm trí của người bệnh sẽ xuất hiện ảo giác, gây nên chứng hoang tưởng. Những lời khuyên của tác giả - bác sĩ Lee Kang Joon trong cuốn sách Cẩm nang chăm sóc người bị đãng trí sẽ giúp bạn đọc chăm sóc người thân bị chứng đãng trí một cách hiệu quả hơn.

5 thực phẩm tệ nhất với người bệnh tiểu đường

Những người mắc tiểu đường nên hạn chế thực phẩm chế biến, đồ ăn nhiều đường, ngũ cốc vì có thể làm tăng lượng đường trong máu, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.

Kiểu nấu bữa sáng tưởng tốt nhưng cực hại sức khỏe

Nhiều gia đình Việt mắc phải những sai lầm phổ biến trong chế biến bữa sáng. Điều này không chỉ làm giảm giá trị dinh dưỡng của bữa ăn mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe.

Thay vì áp chảo, hãy thử chế biến cá hồi theo cách này

Với hàm lượng dinh dưỡng cao, cá hồi là thực phẩm được các chuyên gia khuyến nghị nên ăn ít nhất 2 lần mỗi tuần.

https://suckhoedoisong.vn/cach-che-bien-mon-an-tu-thit-de-thich-hop-cho-mua-dong-169250104103850089.htm

BS. Nguyễn Huy Hoàng / Sức Khỏe Đời Sống

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm