Nhưng theo nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Tây Ban Nha, nếu bị hẹp cột sống, nằm nệm quá cứng sẽ đặt nhiều áp lực lên tủy sống và gây nhiều đau đớn. Tốt nhất, nên chọn các loại nệm êm, có độ căng vừa phải, được làm từ cao su thiên nhiên hoặc nệm xơ dừa.
Cũng không nên chọn nệm bông có độ nhún nhiều, vì khi nằm xuống, phần lưng với phần bụng nặng hơn sẽ làm lưng võng xuống và làm bệnh tình ngày càng thêm nặng. Riêng đối với những người bị liệt phải nằm lâu, những người lớn tuổi, gầy ốm thì việc nằm nệm càng quan trọng; không nên cho bệnh nhân nằm giường quá cứng vì có khả năng bị loét tì đè.
Ảnh minh họa. |
Bác sĩ Thái Thị Hồng Ánh, Phó chủ tịch Hội Thấp khớp học TP.HCM, khuyến cáo: người lớn tuổi, phần sụn bao quanh đĩa đệm dễ bị tổn thương, nứt rách do lão hóa. Do đó, khi ngủ trên những tấm nệm quá mềm, xương sống bị võng xuống và các đĩa đệm sẽ bị di chuyển theo, nếu đĩa đệm đã thoái hóa, sẽ xảy ra tình trạng đau và mỏi lưng.
Ngược lại, nằm trên giường hay phản, với mặt phẳng quá cứng, không có nệm cũng không hẳn tốt cho cột sống nói riêng và cơ thể nói chung. Đặc biệt, đối với người lớn tuổi, bị bệnh mạn tính, phải nằm lâu tại giường, một tấm nệm êm ái là rất cần thiết để phòng chống loét do tì đè (thịt bị hoại tử).
Theo bác sĩ Hồng Ánh, nệm cũ cũng có khả năng gây đau lưng do sử dụng lâu ngày, độ đàn hồi không còn đồng nhất ở mọi điểm. Có thể thay đổi mặt nệm thường xuyên để duy trì độ bền và không gây lõm nệm quá mức. Nếu nện đã sử dụng trên 10 năm thì cần thay mới.
Nếu mua nệm dùng cho gia đình, nên nhờ người nặng ký nhất trong nhà thử độ căng của nệm. Nệm nằm tốt cần dày từ 10 cm trở lên, khi nằm lên có cảm giác êm ái, dễ chịu, không gây đau những vùng tiếp xúc chính như ót, vai, lưng và mông. Kiểm tra độ căng của nệm bằng cách nằm thẳng lưng, nếu khoảng cách giữa đoạn eo lưng và nệm có lỗ hổng lớn thì nệm quá cứng, nếu nệm võng xuống quá 10 cm thì nệm quá mềm.