Nhiều cha mẹ đặt nặng sự hoàn hảo lên trẻ. Ảnh: Pexels. |
Nghiên cứu cho thấy trẻ em theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo thường dễ mắc phải các vấn đề lo âu, trầm cảm và lòng tự trọng thấp.
Theo giáo sư tâm lý học Allison Butler, Đại học Bryant (Mỹ), trẻ em theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo thường cực kỳ tự phê bình và dễ bị lo lắng về khả năng mắc sai lầm trong bất cứ lĩnh vực nào của cuộc sống, từ học tập đến vui chơi.
"Chủ nghĩa hoàn hảo được định nghĩa là đặt ra tiêu chuẩn quá cao cho bản thân, cảm thấy áp lực phải hoàn hảo để làm hài lòng người khác và tránh bị nhìn nhận là thiếu sót", GS Allison Butler nói với CNBC Make It.
Lời khuyên của bà dành cho cha mẹ của trẻ theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo là hãy giúp trẻ thay đổi cách nhìn nhận về sai lầm và học cách chấp nhận nó. Coi sai lầm là một cơ hội học hỏi có thể giúp trẻ tránh khỏi căng thẳng và trầm cảm.
"Trẻ theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo luôn cố gắng hiệu quả, thành công và làm tốt. Tuy nhiên, chúng sẽ tự tin hơn về kết quả nếu sẵn sàng lắng nghe phản hồi, thử nghiệm và cải thiện trong quá trình thực hiện", GS Butler nhấn mạnh.
Thay đổi cách nhìn về sai lầm
Trong lớp học của mình, GS Allison Butler giảng dạy tư duy thiết kế - một phương pháp giải quyết vấn đề hoặc sáng tạo ý tưởng. Phương pháp này bao gồm nghiên cứu vấn đề, lên ý tưởng giải pháp, tìm kiếm phản hồi mang tính xây dựng để củng cố giải pháp trước khi triển khai.
"Tôi nghĩ đây là phương pháp hoàn toàn trái ngược với cách làm việc của một người theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo. Một người theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo sẽ muốn mọi thứ hoàn hảo trước khi mời bất kỳ ai xem giải pháp của họ", vị chuyên gia nói.
Tuy nhiên, theo bà Butler, cha mẹ có thể dễ dàng sử dụng các khái niệm từ tư duy thiết kế để giúp con giảm lo lắng về những sai lầm tiềm ẩn.
Theo đó, phụ huynh có thể bình thường hóa quá trình giải quyết khó khăn bằng cách thảo luận về các dự án và nhiệm vụ đang thực hiện, đồng thời hỏi ý kiến của con về những gì bạn đã làm cho đến nay và cách giải quyết vấn đề.
Ngoài ra, bà Butler cũng gợi ý cha mẹ nên cởi mở chia sẻ với con về những sai lầm của mình, cho dù đó là trong công việc hay cuộc sống. Hãy cho con biết bạn đã học hỏi và vượt qua chúng như thế nào.
Bằng cách làm như vậy, bạn đang tạo ra một văn hóa trong gia đình, nơi mọi thành viên cùng chia sẻ công việc của mình.
Học cách chấp nhận và áp dụng sự góp ý cũng là cách giúp trẻ em làm việc tốt hơn. Ảnh: Pexels. |
Biến việc góp ý thành niềm vui
GS Allison Butler cho rằng việc giúp con hào hứng với việc nhận lời góp ý để cải thiện ý tưởng hoặc dự án của chúng là điều rất quan trọng.
Ví dụ, khi con muốn trang trí lại phòng ngủ, bạn hãy gợi ý cho chúng viết ra những ý tưởng trước. Nếu con thích vẽ, hãy khuyến khích chúng phác thảo căn phòng mơ ước của mình.
Còn nếu con giỏi thuyết trình, bạn hãy tạo sân khấu để con trình bày ý tưởng trước cả nhà. Đây là cách giúp con nhận được những phản hồi mang tính xây dựng trước khi bắt đầu sơn sửa hay di chuyển đồ đạc nặng nề.
Học cách chấp nhận và áp dụng sự góp ý cũng là cách giúp trẻ em làm việc tốt hơn trong môi trường nhóm - một kỹ năng quan trọng trong tương lai và giúp chúng gắn kết với bạn bè.
"Khi trẻ cùng nhau hoàn thành một việc gì đó, chúng sẽ cảm thấy gắn bó với những người mình đã cùng làm việc. Trong thời đại mà sức khỏe tâm lý của trẻ em đang được quan tâm, việc tạo cho chúng những trải nghiệm chia sẻ, năng động, hợp tác và không bị phụ thuộc vào màn hình thực sự có thể xây dựng cộng đồng", bà Butler nhấn mạnh.
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.
Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.
TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.