PGS.TS Hoàng Công Đắc với nhiều năm công tác trong chuyên khoa Ngoại tiêu hóa tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), cho biết ung thư trực tràng rất hay gặp, chiếm khoảng 50% trong ung thư đường tiêu hóa.
Nguyên nhân ung thư đại trực tràng
Trực tràng là bộ phận có nhiều nguy cơ bị ung thư bởi trực tràng nằm vị trí sát hậu môn, Chúng cách hậu môn khoảng 15 cm. Trực tràng có hai phần là phần bóng khoảng 11-12 cm, to để chứa phân và ống hậu môn khoảng 3-4 cm. Vùng này là chỗ chứa phân trước khi cơ thể đưa ra ngoài, chứa nhiều siêu vi trùng, nấm nên dễ gây viêm nhiễm. Khi viêm nhiễm mạn tính sẽ dễ dẫn tới gây ung thư.
Tỷ lệ ung thư đại trực tràng tiếp tục gia tăng ở các nước đang phát triển bởi thực phẩm bẩn. Hàm lượng chất bảo quản thực vật có trong rau, củ hay như chất tăng trọng, chất tạo nạc trong thịt lợn, các chất kích thích khiến nhiều người mắc ung thư.
Những thực phẩm muối, thực phẩm chế biến sẵn tồn dư nhiều chất bảo quản như thịt muối, dưa muối, cà, cá muối, thịt hun khói, xúc xích, xì dầu… Theo nghiên cứu, tỷ lệ người dân các nước châu Âu thường ăn các đồ muối và Trung Quốc ăn xì dầu là những nơi có số người mắc ung thư đại trực tràng cao.
Tuy nhiên, không phải tuyệt đối kiêng hoàn toàn những thực phẩm này. Những thực phẩm này vẫn có lợi ích cho sức khỏe. Nên chú ý không ăn nhiều, ăn triền miên, kéo dài như ngày nào cũng ăn dưa, cà muối, ăn xì dầu…
Theo nghiên cứu, ở các nước phương Tây, gene di truyền chiếm 30% nguyên nhân ung thư đại trực tràng. Ở Việt Nam, gene di truyền chiếm 2% tới 3%. Tuy nhiên, trong gia đình có người đã bị ung thư đại tràng, bạn cần cẩn thận và nên có ý thức chủ động tầm soát.
Những dấu hiệu phát hiện sớm
Bị đi táo, lỏng kéo dài
Bệnh ung thư đại trực tràng biểu hiện ở tất cả bộ phận có rối loạn về đường tiêu hóa từ trên miệng xuống hậu môn như: Hơi thở hôi, hay ợ hơi, ợ chua, giáp thực quản sau xương ức,...
Đại tràng là nơi chứa và bài tiết phân trong quá trình tiêu hóa nên ở giai đoạn sớm, người bị ung thư đại trực tràng thường hay bị chứng rối loạn đại tiện, bài tiết phân như đi táo, lỏng thất thường, hay có thời gian đi táo (hoặc lỏng) kéo dài.
Ung thư trực tràng rất hay gặp, chiếm khoảng 50% trong ung thư đường tiêu hóa. Ảnh: Topdaynews. |
Đi ngoài hay rặn
Đau quặn, mót rặn, khó chịu khi đi ngoài, đi ngoài ra máu mũi, phân dính máu, phân nát, phân hình lá lúa (bởi phân phải đi qua khối u), đi xong vẫn muốn rặn tiếp.
Uống thuốc kháng sinh không khỏi
Người bị ung thư đại trực tràng bị rối loạn tiêu hóa, đi ngoài nhiều lần trong ngày rất giống với triệu chứng bệnh lị. Tuy nhiên, khác ở chỗ, khi bị lị, người bệnh uống thuốc kháng sinh đặc trị sẽ khỏi nhưng khi bị ung thư đại trực tràng, uống kháng sinh cũng không khỏi được tình trạng đi ngoài.
Đi ngoài ra máu
Đáng chú ý với những người hay đi ngoài ra máu. Hai loại đi ngoài ra máu cần phân biệt. Đi ngoài ra máu do trĩ: Đi ngoài ra máu tươi ngay sau khi đi ngoài. Máu này như máu gà cắt tiết phủ lên trên phân.
Còn khi đi ngoài ra máu lẫn với nhầy trong phân thì thường dẫn tới ung thư đại trực tràng. Vì máu chảy ở niêm mạc vùng ung thư có thể bị viêm nên tiết nhầy.
Đau quặn bụng, gầy, sút cân
Các dấu hiệu muộn như đau quặn bụng từng cơn, gầy, sút cân khi ung thư phát triển. Khi ở giai đoạn muộn, có người sờ thấy cả khối u nổi ở dưới da bụng, vàng da, bụng to dần,…
Thăm khám hậu môn
Khi nghĩ tới ung thư đại trực tràng, bác sĩ sẽ đi găng để thăm khám vùng hậu môn bệnh nhân. Nếu là ung thư trực tràng thấp sẽ thấy máu theo tay.
Ung thư đại trực tràng nếu phát hiện sớm, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật cắt bỏ khối u kèm theo hóa, xạ trị theo phác đồ của bác sĩ.
Theo nghiên cứu mới đây tại Việt Nam, nếu phát hiện sớm, áp dụng cả phương pháp hóa trị và xạ trị tiền phẫu, tỷ lệ bệnh tái phát trong một năm đầu chỉ còn 11%. Nhiều bệnh nhân đã sống khỏe mạnh hơn 20 năm sau khi phát hiện bệnh, có người đã ngoài 80 tuổi.