PGS.TS. bác sĩ Bùi Quang Huy, Trưởng khoa Tâm thần (Bệnh viện Quân y 103, Hà Nội) cho biết khi rượu bia vào cơ thể, chúng được hấp thụ từ miệng đến niêm mạc hậu môn, nhưng chủ yếu ở tá tràng (90%).
Trước tiên, chúng đi vào máu, tác động đến não, gây ức chế ở vỏ não, từ đó dẫn đến mất kiểm soát hành vi, lời nói, nặng hơn là ức chế về hô hấp. Nồng độ cồn trong máu quá cao sẽ gây hôn mê. Những trường hợp này rất khó cứu chữa kể cả cho thở máy, đặt nội khí quản.
Do đó, cách tốt nhất là không uống rượu bia. Thực tế, mức độ tiêu thụ những đồ uống có cồn này ở nước ta quá lớn, đặc biệt vào dịp Tết.
Nhiều người cũng quan tâm đến cách giải rượu bia sau khi uống và dùng nhiều cách như uống thuốc. Nhưng chuyên gia cho rằng đó không phải là cách tốt nhất.
Biện pháp đơn giản nhất để giải rượu là uống nước. Ảnh: Brobible. |
Nhiều năm nghiên cứu về cơ chế tác động của rượu bia đối với cơ thể, bác sĩ Huy cho biết khi rượu vào máu, thời gian phân hủy là 2 tiếng. Cứ sau khoảng thời gian này, nồng độ rượu trong máu giảm đi một nửa.
Chúng thải ra bằng cách chuyển hóa hết ở gan, hô hấp hoặc nước tiểu (10% nguyên vẹn qua nước tiểu). Do đó, chỉ cần để qua đêm, lượng rượu sẽ được chuyển hóa hết mà không cần làm gì.
Trong trường hợp muốn nhanh chóng đào thải lượng rượu bia khỏi cơ thể, cách tốt nhất là đào thải qua đường nước tiểu.
“Biện pháp đơn giản nhất để giải rượu là uống nước lọc, nếu cảm thấy khó, có thể pha nước chè, nước đường cho dễ uống. Mục đích của việc này là để đi vệ sinh nhiều thải hết rượu ra ngoài. Ở phương Tây, các bác sĩ thường cho uống nước máy trực tiếp để giải rượu cho bệnh nhân”, PGS Huy cho biết.
Theo bác sĩ, các loại trà giải rượu thực chất có tác dụng bởi kích thích người uống đi vệ sinh. Ngoài ra, móc họng nôn cũng là một cách giúp đào thải rượu bia nhanh chóng.
Tuy nhiên, khi lượng cồn đã hấp thụ vào cơ thể, việc nôn đẩy lượng thức ăn ra ngoài hết, nếu tiếp tục uống, chúng ta sẽ mệt mỏi và dễ gây tổn thương dạ dày.