Thanh thiếu niên là nhóm tuổi thường xuyên bị thiếu ngủ. Ảnh: SCMP. |
Các chuyên gia cho biết thiếu niên nhỏ tuổi cần ngủ trung bình 9-11 giờ/đêm. Trong khi đó, thanh thiếu niên lớn hơn nên ngủ 8-10 giờ.
Tuy nhiên, ngày nay, khi thời gian sử dụng các thiết bị điện tử tăng lên, cùng với đó là khối lượng công việc học tập, áp lực xã hội và một số yếu tố khác khiến các em thường ngủ ít hơn.
Theo US News, thiếu ngủ có thể dẫn đến việc thanh thiếu niên ngủ gật khi học tập, gây ra thiếu hụt kiến thức và xáo trộn trong lớp học.
TS.BS Hina Talib, chuyên gia y học vị thành niên tại Viện Atria (Mỹ), cho biết giấc ngủ có tác dụng phục hồi và thúc đẩy tối ưu hóa sức khỏe não bộ. Vì vậy, ngủ đủ giấc thực sự quan trọng với sức khỏe tổng thể.
"Thanh thiếu niên là nhóm tuổi thường xuyên bị thiếu ngủ. Thật không may, thiếu ngủ có thể gây ra tác hại như học sinh gặp khó khăn ở trường, học bài, làm bài kiểm tra không tốt, không hoàn thành bài tập về nhà, gây ra tai nạn, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần", BS Talib cho biết.
US News gợi ý một số cách giáo viên có thể áp dụng nhằm giúp học sinh tỉnh táo trong ngày học, đồng thời đưa ra một số khuyến nghị cho phụ huynh và học sinh nhằm phát triển thói quen ngủ lành mạnh.
Đối với giáo viên
Dành thời gian nghỉ giải lao
Các chuyên gia gợi ý giáo viên nên cho học sinh nghỉ giải lao trong giờ học như đứng lên, vươn vai hoặc nói chuyện với bạn học trong vài phút.
Cô Jessica Saum, một giáo viên giáo dục đặc biệt tại Mỹ, cho biết nhiều người nghĩ việc nghỉ giải lao chỉ nên diễn ra ở trường tiểu học. Tuy nhiên, điều này cũng nên có ở học sinh lớn hơn.
"Điều đó giúp học sinh di chuyển và tương tác. Sau đó, họ tỉnh táo hơn và hy vọng sẽ tham gia nhiều hơn vào bài học", cô Saum nói.
Khuyến khích tương tác lớp học
Các chuyên gia cho biết thay vì nghe một bài giảng xuyên suốt tiết học, học sinh nên có thời gian để tương tác với bạn của mình.
"Hãy tạo cơ hội để học sinh trở thành thành viên có ý nghĩa trong quá trình học tập. Để họ tương tác, thảo luận với những người khác nhau trong lớp, điều đó buộc họ phải vận động hoặc di chuyển để tỉnh táo hơn", cô Saum khuyên.
Học sinh cần chủ động trao đổi với giáo viên về lý do chúng ngủ gật trong lớp, nhất là khi hành vi đó nằm ngoài tầm kiểm soát. Ảnh: Freepik. |
Đối với học sinh và phụ huynh
Cởi mở trao đổi
Ngủ gật trong lớp thường được coi là vấn đề về hành vi và có thể tạo ra căng thẳng giữa giáo viên và học sinh.
"Giáo viên có thể dễ dàng hình thành định kiến tự nhiên nếu họ thấy học sinh không tập trung hoặc buồn ngủ. Tuy nhiên, việc ngủ gật có thể có lý do như có việc xảy ra ở nhà hoặc họ phải học bài muộn. Nếu giáo viên không biết, tất cả họ thấy là một người bỏ bê việc học của chính mình", cô Saum nhận định.
Vì vậy, theo cô Saum, học sinh cần chủ động trao đổi với giáo viên về lý do chúng ngủ gật trong lớp, đặc biệt nếu hành vi đó nằm ngoài tầm kiểm soát của học sinh (liên quan đến bệnh tật hoặc các vấn đề sức khỏe khác).
"Học sinh nên cởi mở trao đổi với giáo viên để người lớn tìm ra cách giúp chúng tiếp tục tham gia lớp học", cô Saum nói.
Giới hạn thời gian với thiết bị điện tử
Nhiều thanh thiếu niên có thói quen chơi điện tử hoặc lướt mạng xã hội vào buổi tối để kết nối với bạn bè và thư giãn sau giờ học. Tuy nhiên, theo BS Talib, ánh sáng các thiết bị có thể làm gián đoạn khả năng đi vào giấc ngủ, chưa kể từ một vài phút có thể biến thành hàng giờ ngồi trước màn hình.
"Điều đó cũng ảnh hưởng đến cách học sinh tự điều chỉnh giờ ngủ. Ánh sáng xanh hoạt động ngược lại với cơ chế sinh hoạt của cơ thể, khiến cơ thể cảm thấy tỉnh táo hơn mức bình thường vào thời điểm bắt đầu nghỉ ngơi và thời điểm buồn ngủ", BS Talib phân tích.
Thay vì dùng smartphone để thư giãn, các chuyên gia khuyên thanh thiếu niên nên đọc sách hoặc nghe nhạc nhẹ trước khi đi ngủ. Để tránh đặt thiết bị bên cạnh, thanh thiếu niên có thể mua đồng hồ báo thức thay vì dùng báo thức trên điện thoại.
TS Samuel Knee, Giám đốc y tế tại Trung tâm Rối loạn giấc ngủ và hơi thở, Bệnh viện Đại học Saint Peter (Mỹ), khuyên nên để điện thoại bên ngoài phòng ngủ, tắt nguồn và bật lại vào buổi sáng.
Bên cạnh đó, cha mẹ nên đóng vai trò trong việc tạo lập và thực hiện các giới hạn về việc sử dụng smartphone vào ban đêm.
Ánh sáng xanh trên smartphone là nguyên nhân gây ra hiện tượng khó ngủ. Ảnh: iStock. |
Rèn kỹ năng quản lý thời gian
Một số thanh thiếu niên cảm thấy áp lực phải hoàn thành việc ôn tập cho bài kiểm tra vào đêm hôm trước, một số lại thức trắng đêm để hoàn thành số lượng bài tập đã trì hoãn.
Các chuyên gia khuyên phụ huynh và giáo viên nên xác định khối lượng công việc mà học sinh phải làm và dạy chúng cách quản lý thời gian.
"Việc chuyển từ bậc tiểu học lên THCS có thể là bước ngoặt lớn. Kỳ vọng thay đổi quá nhanh không phải là điều tốt khi học sinh chưa thích nghi với điều mới. Cha mẹ, giáo viên cần đưa ra một số hướng dẫn và giúp xây dựng thời gian biểu để con thực hành, học những thói quen tốt và hoàn thành công việc của mình", cô Saum nói.
Chuẩn bị trước
Để tiết kiệm thời gian buổi sáng, học sinh nên chuẩn bị đồ đi học từ tối hôm trước, bao gồm sắp xếp quần áo, chuẩn bị balo...
Các chuyên gia cho biết sự chuẩn bị này có thể làm tăng thời gian ngủ vào buổi sáng, dù chỉ 15-20 phút.
Chú trọng sức khỏe
Thanh thiếu niên nên nắm rõ thực phẩm và đồ uống mà chúng tiêu thụ vào buổi tối. Ví dụ, đồ uống chứa caffein như trà ngọt, cà phê có thể khiến trẻ khó đi vào giấc ngủ nếu sử dụng cuối ngày.
Ngoài ra, tập thể dục và vận động nên diễn ra thường xuyên, giúp cơ thể đỡ mệt mỏi hơn.
"Khi học sinh chú trọng đến chế độ dinh dưỡng, tập thể dục và cuối cùng là giấc ngủ, chúng sẽ cảm thấy khỏe khoắn hơn và dễ dàng tham gia nhiều hơn trong lớp học", cô Saum nói.
Phòng ngủ chỉ để ngủ
Các chuyên gia khuyên phòng ngủ nên được sử dụng chỉ để ngủ, thay vì là nơi để xem tivi, chơi điện tử hoặc làm việc.
"Nếu học sinh muốn hoàn thành bài tập về nhà trong phòng ngủ, tốt hơn nên học trên bàn thay vì trên giường", TS Samuel Knee khuyên.
Duy trì giờ đi ngủ
Học sinh thường ngủ muộn vào ngày cuối tuần, ngày nghỉ. Tuy nhiên, hãy cố gắng giữ duy trì một giờ đi ngủ nhất định hàng ngày và có thể ngủ thêm 1-2 tiếng vào cuối tuần.
Phương pháp nuôi dạy trẻ tự chủ
Không can thiệp quá sâu vào cuộc sống của trẻ, từ bỏ thói quen dùng hình phạt với con là những phương pháp nuôi dạy trẻ trưởng thành một cách khoa học, văn minh. Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về phương pháp nuôi dạy trẻ tự chủ, quý độc giả có thể tham khảo tại đây.