Năm 2019, Korea Yakult thông báo chính thức đổi chức danh nhân viên bán hàng nữ từ "Yakult ajumma" thành "Fresh Managers". Cùng năm, một công ty phụ trách các hoạt động dọn dẹp cho Daegu Metro cũng thông báo đội dọn dẹp nữ ở đây chính thức được gọi là "hwangyeongsa", nghĩa là "người trông nom môi trường" thay cho "cheongso ajumma" (bà cô dọn dẹp).
Đây chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp cho thấy sự bất đắc dĩ của người Hàn Quốc khi sử dụng từ "ajumma", vốn là cách gọi bình thường để chỉ một phụ nữ trung tuổi đã kết hôn, sinh con. Tuy nhiên, cụm từ này đã được gắn thêm hàm ý xúc phạm trong những năm qua, theo Korea Herald.
Gần như tương đương với madam hoặc ma'am (bà/phu nhân), theo Viện Ngôn ngữ Quốc gia Hàn Quốc, "ajumma" là cách nói thân mật của "ajumeoni" - mang cùng ý nghĩa với hàm ý tôn trọng hơn.
"Ajumma" là cụm từ chỉ những phụ nữ trung tuổi, đã kết hôn và có con ở Hàn Quốc. Ảnh minh họa: Travel Stained. |
"Gọi ai đó là 'ajumma' có cảm giác như bạn đang không xem trọng người đó vậy. Tôi tránh gọi phụ nữ lớn tuổi như vậy, thay vào đó là 'imo' (dì)", Lee Bo-ra (36 tuổi) cho biết.
Phụ nữ ở độ tuổi của Lee cũng là nhóm khó tìm kính ngữ thích hợp để xưng hô. Nếu bị gọi là "ajumma" sẽ mang ngụ ý rằng họ không còn giống như một “agassi” - phụ nữ trẻ, độc thân.
Theo Statistics Korea, tính đến năm 2020, độ tuổi kết hôn trung bình của phụ nữ Hàn Quốc là 31,1 và sinh con đầu lòng là 32,3. Ngay cả những người phù hợp với định nghĩa trong từ điển về "ajumma" - phụ nữ đã kết hôn, có con - cũng có thể cảm thấy bị xúc phạm khi bị gọi với danh xưng này.
Các "ajumma" thường có mái tóc xoăn ngắn, mặc đồ sặc sỡ và rộng. Ảnh minh họa: Phim Reply 1988. |
"Dù đã kết hôn, có con hay chưa cũng không quan trọng. Bị gọi là 'ajumma' nghĩa là cuộc sống của bạn với tư cách 'agassi' (tiểu thư, cô gái) đã kết thúc và bạn bước vào thời kỳ của phụ nữ trung niên kém hấp dẫn", Min Yu-ri (47 tuổi), bà mẹ sống ở ngoại ô Seoul, cho biết.
Trên thực tế, "ajumma" gắn liền với hình ảnh và kiểu hành vi rập khuôn bị chế giễu trong xã hội Hàn Quốc. Đối với một số người, từ này gợi lên hình ảnh một phụ nữ với mái tóc ngắn, uốn xoăn xù, có xu hướng mặc đồ sặc sỡ và đeo kính che nắng mỗi khi ra ngoài trời.
"Ajumma" đôi khi cũng được dùng mô tả kiểu phụ nữ hung hăng, tự xem mình là trung tâm, ví dụ như đẩy người khác ra để chiếm ghế trên tàu điện ngầm.
Việc làm thế nào "ajumma" trở thành cụm từ mang ý nhạo báng vẫn là chủ đề được thảo luận rộng rãi trong các cuộc nghiên cứu về phụ nữ.
Nhiều chuyên gia nói rằng nó có liên quan đến việc loại bỏ phụ nữ khỏi lực lượng lao động và việc xã hội thiếu tôn trọng những người làm việc nhà và chăm sóc trẻ em. Việc các "ajumma" mất đi sự nữ tính, cư xử thiếu lịch sự đều là kết quả của việc phải thích nghi với vai trò trong xã hội.