Theo TS.BS Trần Văn Giang, Phó trưởng khoa Virus - Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Hà Nội), lần xét nghiệm thứ 3 của bệnh nhân 951 (27 tuổi, nam) cho thấy một số dấu hiệu bất thường. Dù kết quả âm tính, các bác sĩ quyết định giữ người này lại để cách ly và theo dõi thêm.
Trước đó, bệnh nhân nằm trong danh sách 120 người có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 khi còn ở Guinea Xích Đạo. Tại Việt Nam, người đàn ông này có kết quả âm tính.
TS.BS Trần Văn Giang cho biết ở lần xét nghiệm thứ 3, dù kết quả âm tính với virus nhưng có một vài chỉ số ở ranh giới nên bệnh viện quyết định chưa cho bệnh nhân xuất viện. Ảnh: Quốc Toàn. |
Khi nhận thấy dấu hiệu bất thường, các kỹ thuật viên tại phòng Xét nghiệm Vi sinh - Sinh học phân tử đã thông báo cho bác sĩ lâm sàng để theo dõi bệnh nhân kỹ hơn, đồng thời yêu cầu lấy mẫu xét nghiệm thêm. Theo TS Giang, đây là quy trình làm việc của đội ngũ y tế tại bệnh viện.
"Chúng tôi liên kết chặt chẽ giữa bộ phận xét nghiệm và các bác sĩ lâm sàng. Khi xuất hiện nghi ngờ, chúng tôi phải lấy lại mẫu và đối chiếu với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nếu cần", tiến sĩ này nói.
TS Lê Văn Duyệt, Trưởng phòng xét nghiệm Vi sinh - Sinh học phân tử, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho rằng việc lấy mẫu ảnh hưởng lớn tới kết quả xét nghiệm Covid-19.
"Theo quy định, việc lấy mẫu bệnh phẩm phải có đủ 2 loại bao gồm dịch hầu họng (ở họng) và dịch tỵ hầu (ở mũi). Khi lấy dịch họng, nhân viên y tế phải quét được vùng amidan phía dưới. Que lấy dịch mũi phải được đưa vào sâu khoảng 8-10 cm, vị trí bông tới gần mang tai mới có thể quét được dịch tỵ hầu", TS Duyệt cho biết.
Do đó, nhân viên lấy mẫu bệnh phẩm nếu chỉ quét qua vòm họng hoặc đưa que chọc quá thấp, không đúng vị trí khi lấy dịch mũi sẽ khiến kết quả xét nghiệm không chính xác.
TS Duyệt cho biết: "Một số bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính 2 lần do sai sót. Khi xét nghiệm đúng lần thứ 3, kết quả lại dương tính".
TS Duyệt nhận định việc tái dương tính có thể do cơ thể bệnh nhân hoặc quá trình lấy mẫu của nhân viên y tế. Ảnh: Quốc Toàn. |
Bởi vậy, TS Giang cho biết Bộ Y tế quy định tiêu chuẩn người được công bố khỏi bệnh phải có đủ 3 lần liên tiếp xét nghiệm rRT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 là cần thiết. Điều đó hạn chế tỷ lệ tái dương tính.
Ngoài ra, bệnh nhân sau khi về nhà tự cách ly phải có sự giám sát của trung tâm kiểm soát bệnh tật ở địa phương. Họ sẽ được lấy mẫu để xét nghiệm kiểm tra. Qua đó, khả năng bệnh nhân tái dương tính trở thành nguồn lây nhiễm virus ra cộng đồng giảm xuống rất thấp.