Sáng 24/3, Sở Y tế TP.HCM thông báo ngưng nhận đồ tiếp tế để tránh tụ tập đông người tăng nguy cơ lây nhiễm ở KTX ĐH Quốc gia TP.HCM. Tuy nhiên, nhiều người vẫn lén đưa đồ vào trong.
Trước đó, hàng trăm người xếp hàng dài để chờ chuyển đồ tiếp tế cho người nhà phải cách ly khiến lực lượng chức năng gần như quá tải.
Bên cạnh việc ảnh hưởng đến công tác quản lý, theo các bác sĩ, việc tập trung đông đúc trong những ngày này có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh.
"Con của bạn không bị bỏ đói"
Sau một loạt bài phản ánh của Zing.vn về tình trạng trên, ở phần bình luận, rất nhiều độc giả tỏ ra băn khoăn khi cho rằng có cần tiếp tế, thăm nuôi người đang cách ly.
Bạn đọc Duy Nguyễn tỏ ra khó hiểu khi cách ly chống dịch mà còn tụ tập đông người. Người này mong muốn cơ quan quản lý yêu cầu cấm tụ tập, gửi đồ tại khu cách ly và người làm nhiệm vụ tại đây cũng không có trách nhiệm chuyển đồ tiếp tế.
"Biết bao người đang vất vả để chống dịch giờ lại thêm việc giao hàng nữa thì đúng là quá vất vả. Mong những người có hành vi trên nên có ý thức hơn".
Người thân mang đồ tiếp tế đến khu cách ly KTX Đại học Quốc gia TP.HCM. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Tài khoản Trần Trần viết: "Ai cũng thương con thương cháu nhưng làm ơn hãy dừng lại hành động thiếu suy nghĩ này. 14 ngày cách ly con cháu các bạn được nuôi ăn 3 bữa có đầy đủ rau, thịt cá lại còn có cả sữa, hoa quả. Mang thùng lớn thùng bé đồ tiếp tế như vậy cứ làm như con cái bạn cả năm không được cho ăn uống. Thấy mà thương khi mấy bạn tình nguyện bê đồ vào áo ướt đẫm mồ hôi".
Đưa ra quan điểm của mình, tài khoản Xuan Tran cho hay về tới Việt Nam là các bạn đã được an toàn, được gần gia đình, người thân nhất có thể. Vào cách ly trong thời điểm này là nghĩa vụ. Đừng vì nóng lòng lo cho người thân mà làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh.
"Chưa nói các vấn đề đúng hay sai ở đây. Nhìn lượng đồ tiếp thế lớn như vậy chỉ làm khổ mấy bạn tình nguyện mất thêm công sức để dọn dẹp", Alex Le bình luận.
"Đừng làm vất vả thêm các chiến sĩ chống dịch"
Bên cạnh đó không ít người nhận định việc tiếp tế, thăm nuôi là do sự nuông chiều của những ông bố bà mẹ với những cậu ấm, cô chiêu chỉ biết sống cho bản thân.
Bạn đọc Tonny viết: "14 ngày cách ly, cơm, nước, nhu yếu phẩm cần thiết đều được đội ngũ cán bộ, nhân viên đưa đến tận nơi. Tôi không hiểu tại sao các bạn bên trong khu cach ly lại cần đến đồ tiếp tế đến thế. Chúng ta thương con, song cũng nên nghĩ đến những người ngày đêm gồng mình phục vụ cho người thân của các bạn".
Đám đông đeo khẩu trang kín mít, đứng tập trung trước cổng ký túc xá gửi đồ tiếp tế vào khu cách ly. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Đồng tình với quan điểm trên một độc giả khác bình luận: "Trong cuộc chiến chống dịch, mỗi người là một chiến sĩ, con em các bạn đang cách ly cũng vậy. Chỉ 2 tuần thôi, đừng hành xử quá lên như vậy".
Bạn Duy Linh bức xúc khi cho rằng nhà nước đã khám chữa bệnh miễn phí, cơm ngày 3 bữa. Không được như ở nhà cũng không đến nỗi thiếu chất.
"Chỉ cách ly 14 ngày, không thiếu thốn đến mức phải tiếp tế, thăm nuôi", độc giả này viết.
Trao đổi với Zing.vn, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết không chỉ việc tập trung gửi đồ tiếp tế vào khu cách ly, bất cứ khu vực nào, việc tụ tập đông người sẽ có nguy cơ lây nhiễm nếu có người mang mầm bệnh.
“Việc tập trung đông đúc trong thời gian này là đi ngược lại khuyến cáo phòng chống dịch của Bộ Y tế”, bác sĩ Khanh nhấn mạnh.
TS Đỗ Đại Thắng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Quốc phòng - An ninh sinh viên, quản lý khu cách ly của gần 1.000 người tại trung tâm này, cho biết khu cách ly cũng đã cung cấp nhu cầu thiết yếu nhất. Về cơ bản, hiện nay, các trung tâm phục vụ tốt cho người cách ly.
“Khu cách ly vốn đông đúc, tài sản cũng là của nhiều đơn vị khác nhau. Do đó, chúng tôi đề nghị hạn chế đưa tài sản cá nhân vào. Hiện nay những vật dụng to, cồng kềnhcũng sẽ không được gửi vào khu cách ly”, TS Thắng nói.
Tối 24/3, số người mắc Covid-19 ở Việt Nam là 134 sau khi Bộ Y tế cùng lúc công bố 11 ca mới. Trong đó, 4 ca bệnh ở TP.HCM đều có liên quan đến quán bar Buddha (quận 2).