Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cách ngồi an toàn sau xe mô tô

Chẳng có trường lớp nào dạy mọi người cách ngồi đằng sau mô tô, vì vậy bạn nên học từ lời khuyên của những tay lái hoặc những hành khách dày dạn kinh nghiệm.

Cách ngồi an toàn sau xe mô tô

Chẳng có trường lớp nào dạy mọi người cách ngồi đằng sau mô tô, vì vậy bạn nên học từ lời khuyên của những tay lái hoặc những hành khách dày dạn kinh nghiệm.

Làm thế nào để ngồi ở vị trí hành khách mà không cảm thấy sợ hãi là một việc hoàn toàn không đơn giản như mọi người thường nghĩ.

Mặc dù ai cũng nghĩ rằng chẳng có gì đáng nói nhưng trên thực tế ngồi ở vị trí hành khách thậm chí còn khó hơn điều khiển một chiếc xe. Kể cả người lái cũng gặp rất nhiều khó khăn khi điều khiển xe với một người ngồi đằng sau, bởi nó đòi hỏi ở anh ta nhiều kỹ năng hơn.

Khi đèo thêm người khác ngồi đằng sau, chiếc xe thường nặng, khó lái và phanh chậm hơn. Thêm vào đó, xe thường mất thăng bằng khi dừng lại. Chỉ cần một chuyển động bất ngờ của hành khách có thể khiến người điều khiển xe mất lái và gây ra va chạm. Người lái thường cảm thấy áp lực hơn khi đèo thêm hành khách bởi lúc đó anh ta phải đảm bảo an toàn cho cả hai.

Lần đầu tiên ngồi ở vị trí hành khách?

Nếu chưa bao giờ ngồi đằng sau người khác, điều đầu tiên bạn nên làm là tìm kiếm một tài xế có kinh nghiệm trong việc lái xe cũng như đèo thêm hành khách để đi cùng. Trong quá trình tìm kiếm, bạn cần nói rõ với người lái đây có phải là lần đầu tiên bạn ngồi đằng sau hay không và đề nghị anh ta hướng dẫn cách bảo đảm an toàn.

Trước khi lên xe, bạn nên hỏi người lái cách đảm bảo an toàn cho cả hai.

Người lái sẽ chỉ cho bạn biết thời điểm và cách ngồi cũng như xuống xe, những việc cần làm khi vào cua, phanh, dừng lại và cách giao tiếp trong lúc đang di chuyển. Ngoài ra, người lái còn đưa cho bạn một bộ quần áo bảo vệ. Lần đầu tiên ngồi đằng sau, bạn không nên tham gia vào những chuyến đi quá dài. Hãy đề nghị người lái đưa bạn đi những đoạn đường ngắn trước để làm quen với cảm giác ngồi đằng sau. Có những người cảm thấy rất sợ hãi và không muốn tiếp tục sau khi đi lần đầu tiên.

Cách giao tiếp

Bạn và người lái nên đưa ra những qui ước chung dùng để giao tiếp trên đường đi. Đừng nghĩ rằng ngay sau khi bạn ngồi lên xe mọi chuyện sẽ diễn ra êm đẹp cho đến lúc dừng lại. Bạn phải có một kế hoạch cụ thể cho việc giao tiếp trên đường đi. Nếu đi trong thành phố thì việc nói chuyện với người lái chẳng có gì khó khăn. Tuy nhiên, nếu đi trên đường cao tốc, bạn sẽ rất khó nói chuyện với người ngồi ngay đằng trước mình. Do đó, bạn nên thỏa thuận với người lái một số ký hiệu tay cơ bản dùng khi muốn dừng, giảm tốc hoặc có vấn đề xảy ra. Tại điểm dừng chân, bạn cũng nên trao đổi với người lái hoặc bày tỏ quan điểm của mình.

Trong quá trình di chuyển, bạn phải đặt ít nhất một tay lên eo người lái để không bị ngã ngửa ra đằng sau.

Bộ đồ bảo vệ

Chỉ có một vài điểm khác biệt nho nhỏ giữa bộ quần áo bảo vệ của người lái và hành khách. Cả hai đều phải đội mũ bảo hiểm và mặc áo khoác. Nếu phải đi nhiều, bạn nên sắm cho mình một chiếc mũ bảo hiểm riêng. Người ngồi đằng sau không cần phải đi ủng và đeo găng tay nhưng nếu có thì vẫn tốt hơn. Ngoài ra, bạn cũng nên mặc quần dài, đặc biệt là quần bò.

Những bí quyết cơ bản

Trước khi lên hoặc xuống xe, bạn phải chờ tín hiệu đồng ý từ phía người lái. Hành khách luôn là người lên xe thứ hai và xuống xe đầu tiên. Bạn nên lên xe từ bên trái (ống xả nằm bên phải, do đó cần phải tránh chạm vào nó). Nếu có ý định ngồi đằng sau, hãy đảm bảo là chân bạn đủ dài để với tới chỗ để chân. Khi xe đang chạy, đừng rời chân khỏi chỗ để chân của bạn.

Tuyệt đối không được quay ngang quay ngửa hoặc chuyển động bất ngờ bởi điều đó có thể gây ảnh hưởng tới khả năng điều khiển xe một cách an toàn của người lái. Khi ngồi ở vị trí hành khách, bạn nên đặt tay vào vùng thắt lưng của người lái hoặc chỗ bám dành riêng cho mình. Lúc nào cũng phải bám ít nhất một tay vào eo người lái. Đừng bám vào vai, cánh tay hoặc bất cứ thứ gì gắn trên yên xe.

Khi vào cua, bạn cần phải bình tĩnh và đừng cố gắng kéo xe dựng lên nếu thấy nghiêng.

Khi vào cua, vị trí cơ thể bạn cũng bị ảnh hưởng lớn bởi góc lái và góc nghiêng. Có thể bạn sẽ cảm thấy sợ khi nghiêng hẳn sang một bên và cố gắng đẩy người về hướng đối diện để dựng đứng xe lên. Tuy nhiên, điều này chỉ gây ra kết quả ngược lại vì người lái sẽ nghiêng sâu hơn để duy trì vòng cua. Vì vậy, tốt hơn hết là bạn nên bình tĩnh và quan sát qua vai người lái.

Thậm chí nếu đang ngồi ở vị trí hành khách, bạn cũng nên để mắt tới tình hình giao thông để có thể đoán trước những tình huống có thể xảy ra. Khi phanh gấp, bạn sẽ bị ép về phía người lái, do đó bạn nên chống tay vào bình xăng. Khi tăng hoặc giảm tốc, mũ bảo hiểm của bạn và người lái có thể đập vào nhau. Bạn không cần phải xin lỗi vì điều đó. Đây thường là lỗi của người lái vì anh ta không biết cách tăng hoặc giảm tốc một cách êm ái.

An HuY

Theo Bưu điện Việt Nam

Bạn có thể quan tâm