Dành quá nhiều thời gian để cập nhật tin tức trong ngày đôi khi cũng gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho chúng ta.
Điểm chính:
- Không chỉ các tin tức tốt, chúng ta còn Doomscrolling với thông tin tiêu cực.
- Cụm từ này đã xuất hiện vào năm 2018 nhưng chỉ được quan tâm nhiều hơn khi đại dịch Covid-19 bùng nổ.
Doomscrolling là gì?
Thuật ngữ này bắt đầu xuất hiện trên các trang mạng xã hội vào năm 2018. Nó được ghép bởi hai từ doom: cái chết hay sự hủy diệt và scroll: cuộn - hành động lướt điện thoại hay máy tính để đọc tin tức.
Từ điển Merriam-Webster (Mỹ) đã định nghĩa Doomscrolling như sau: Đây là từ được sử dụng để mô tả xu hướng tiếp tục lướt và đọc những tin tức mới, bao gồm cả những thông tin tiêu cực.
Một nghiên cứu của Canada còn gọi hiện tượng này là "sự hoảng loạn trên mạng xã hội". Đặc biệt, trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn ra căng thẳng, càng nhiều người rơi vào tình trạng Doomscrolling.
Tại sao chúng ta lại Doomscrolling?
Tiến sỹ và bác sĩ tâm lý Ken Yeager của đại học Ohio, đã chỉ ra một số nguyên nhân khiến chúng ta Doomscrolling:
Phản xạ tự nhiên
Ken Yeager chỉ ra, chúng ta thường bị thu hút bởi các thông tin tiêu cực và đó cũng là một cách giúp con người tồn tại. Doomscrolling là sự kết hợp giữa tính cách tự nhiên của mỗi cá nhân và một phần ảnh hưởng bởi xã hội hiện nay.
Mesfin Bekalu - nhà nghiên cứu về sức khỏe và y tế công cộng tại Đại học Harvard cho rằng, mặc dù phần lớn các tin tức trong thời gian qua là tiêu cực, nhưng việc quan tâm đến chúng cũng là một xu hướng tự nhiên của con người.
Bên cạnh đó, Ken Yeager còn cho biết, một số người chia sẻ việc họ đọc các tin tức tiêu cực như một cách phòng tránh cho cuộc sống của mình. Từ những thông tin đó, họ sẽ tìm ra cách để loại bỏ những việc xấu hay xui xẻo.
"Bão" thông tin trong thời điểm hiện tại
Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, số lượng tin tức trong ngày tăng lên đột biến. Chúng thu hút sự quan tâm của ta để tìm hiểu về dịch bệnh, môi trường, xã hội,...
Chúng ta thường có cảm giác FOMO (sợ bị bỏ lỡ) một thông tin hay sự kiện nào đó. Chính vì vậy, bản thân sẽ dành nhiều thời gian trong ngày "cuộn và lướt" để kịp thời nắm bắt chúng.
Hơn hết, ta dễ dàng nắm bắt được thông tin qua sự hỗ trợ của điện thoại và máy tính. Việc đọc tin tức dần dần trở thành thói quen của nhiều người và vô tình, chúng ta đắm chìm vào nó lúc nào không hay.
Cách để ngừng Doomscrolling trong thời gian giãn cách xã hội
Nếu bạn đang chìm đắm trong các tin tức xung quanh và tốn quá nhiều thời gian cho chúng, hãy thực hiện theo một vài gợi ý sau của tạp chí Verrywell Mind:
- Tìm thêm các hoạt động khác: Thay vì dành nhiều thời gian rảnh cho việc đọc tin tức, bạn có thể thử những hoạt động thú vị khác như học nấu ăn, tập thể dục, chăm sóc cây cảnh,...
- Đặt giới hạn thời gian: Việc cập nhật tin tức liên tục là tốt nhưng bạn cũng nên tự đặt ra giới hạn nhất định cho bản thân, tránh rơi vào tình trạng Doomscrolling.
- Tìm kiếm sự tích cực: Để tránh những thông tin tiêu cực ảnh hưởng đến tâm trạng của mình, sau khi tiếp nhận chúng, bạn có thể xem một bộ phim hài hoặc nghe một bài nhạc có giai điệu vui tươi.