Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

#FORMAT

Cách người Nhật giữ tiền và kiểm soát thu chi

Kakeibo là phương pháp quản lý tiền được nhiều người Nhật áp dụng. Bạn cũng có thể thử Kakeibo để tiết kiệm một khoản nhất định hàng tháng.

phuong phap kakeibo anh 1

Kakeibo là phương pháp quản lý tiền được nhiều người Nhật áp dụng. Bạn cũng có thể thử Kakeibo để tiết kiệm một khoản nhất định hàng tháng.

phuong phap kakeibo anh 2

Điểm chính:

  • Nhờ hành động ghi chép, Kakeibo giúp bạn suy nghĩ kỹ lưỡng trước và sau mỗi quyết định chi tiêu.
  • Người chưa biết tiết kiệm có thể khởi đầu với Kakeibo.

Nhà đầu tư Warren Buffett có một câu nói rất nổi tiếng về quản lý tài chính cá nhân như sau: "Đừng tiết kiệm những gì còn lại sau khi tiêu, mà hãy tiêu những gì còn lại sau khi tiết kiệm."

Nhiều người có xu hướng để tiền dư hàng tháng vào khoản dành dụm. Tuy nhiên, thực tế là nếu không ưu tiên, thì chúng ta thường sử dụng hết tiền mình có.

Phương pháp Kakeibo sẽ thay đổi thói quen này. Điểm đặc biệt của Kakeibo là bạn chỉ cần một quyển sổ và bút, không tải phần mềm hay tính toán phức tạp.


Kakeibo là gì?

Phương pháp Kakeibo có nguồn gốc từ Nhật Bản, xuất hiện vào năm 1904 với mục đích hỗ trợ phụ nữ bận rộn nắm bắt tài chính tốt hơn, theo Medium.

Trong tiếng Nhật, Kakeibo nghĩa là sổ cái tài chính cho gia đình.

Triết lý của Kakeibo là tập trung vào việc chi tiêu, tiết kiệm có chủ ý. Hình thức này được thiết kế để giúp bạn suy nghĩ về mối quan hệ của mình với tiền, đồng thời nghĩ về lý do mỗi lần mua hàng.


Thực hiện Kakeibo như thế nào?

Kakeibo xoay quanh 4 câu hỏi:

  • Bạn có bao nhiêu tiền?
  • Bạn muốn tiết kiệm bao nhiêu?
  • Bạn tiêu bao nhiêu tiền?
  • Bạn sẽ làm gì để cải thiện ngân sách?

Bắt đầu ghi chép mỗi đầu tháng, sau đó tổng kết vào cuối tháng là cách để bạn nhận định và thay đổi tình hình tài chính trong 30 ngày tiếp theo.

Sau khi bạn đã chuẩn bị sổ tay, hãy áp dụng các bước Kakeibo được Money Under 30 tóm tắt, gồm:

Bước 1: Liệt kê thu nhập và các chi phí cố định như tiền điện, nước, tiền nhà; Lấy thu trừ chi, bạn trả lời được câu hỏi mình có bao nhiêu tiền để tiêu xài trong tháng.

Giả sử bạn nhận lương 20 triệu đồng, những mục bắt buộc tốn khoảng 6 triệu đồng. Vậy tháng này bạn còn 14 triệu đồng.

Bước 2: Ghi lại phần tiền tiết kiệm. Ngay cả khi bản thân chưa có mục tiêu tài chính, bạn vẫn nên dành ra 5-10% tổng tiền ở bước 1 cho quỹ dự phòng. Số tiền cụ thể tùy ý bạn.

Bước 3: Tiếp tục liệt kê một số mục cần tiền trong tháng này. Kakeibo phân loại chi tiêu vào 4 mục chính:

  • Thiết yếu: Tiền ăn uống, xe cộ, thuốc men, dầu gội,...
  • Mong muốn: Sắm sửa quần áo, mua đồ ăn bên ngoài,...
  • Văn hóa: Sách, TV, phim ảnh,...
  • Ngoài dự định: Các khoản bất ngờ như quà tặng, sửa thiết bị trong nhà,...

Tất cả những lần chi tiền trong tháng đều cần được xác định ở 1 trong 4 nhóm trên. Bằng cách này, bạn có thời gian suy nghĩ thấu đáo hơn trước khi hành động.

Bước 4: Vào cuối tháng, hãy lướt qua sổ thu chi và tự hỏi mình 4 câu hỏi một lần nữa. Câu cuối cùng, "bạn làm gì để cải thiện ngân sách", quan trọng trong bước này.

Nếu bạn thấy số tiền đang có không thể đáp ứng nhu cầu của bản thân, thì bạn cần tìm cách cắt chi phí, kiếm thêm tiền, hoặc "giảm mục này, tăng mục kia".


Kakeibo có phù hợp với bạn?

Không có phương pháp quản lý tài chính nào hoàn hảo nếu bạn không trải nghiệm và điều chỉnh lối sống.

Kakeibo tập trung vào chánh niệm, vì vậy thích hợp với những ai mong muốn chi tiền vào điều thật sự làm họ hạnh phúc.

Ngoài ra, như đã đề cập, Kakeibo giúp người chưa biết cách tiết kiệm bắt đầu dành dụm mỗi tháng.

Tuy nhiên, trong khi không ít nghiên cứu chứng minh viết tay có nhiều lợi ích tinh thần, quản lý kiểu ghi chép có thể không dành cho những ai...không thích viết tay.

Việc để ý từng khoản chi nhỏ vừa là ưu điểm, vừa là nhược điểm của Kakeibo. Bạn sẽ mất một ít thời gian cân nhắc. Bù lại, bạn có thể tự tin mỗi quyết định dùng tiền đều không phải do "một phút bốc đồng".


Làm sao để mua sắm cẩn thận?

Bên dưới là một số gợi ý từ Sarah Harvey giúp bạn chi tiền thông minh hơn. Cô nghiên cứu về văn hóa Nhật và là tác giả cuốn "Kaizen: The Japanese Method for Transforming Habits".

  • Chờ đủ 24 tiếng trước khi trả tiền cho món mình thích.
  • Đừng mua sắm chỉ vì bạn thấy giá ưu đãi.
  1. Thường xuyên kiểm tra số dư tài khoản.
  2. Dùng tiền mặt hoặc dùng tiền có sẵn trong tài khoản của mình, hạn chế thẻ tín dụng.
  3. Tự hỏi "tôi có thật sự cần món đồ này".
  4. Thay đổi môi trường khiến bạn mua sắm quá độ. Ví dụ, hãy tắt thông báo sàn thương mại điện tử nếu bạn thường mua hàng khi thông tin khuyến mãi gửi đến.

Thiên Hân

Đồ họa: Bảo Châu

Bạn có thể quan tâm