Theo Highsnobiety, việc trả hàng trăm USD (hay thậm chí hàng nghìn USD) cho một chiếc áo sơ mi hay hoodie của Supreme và phát hiện ra đó là hàng fake là cảm giác rất tồi tệ với ai đam mê phong cách streetwear.
Streetwear - ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ USD vào năm 2020 với người tiên phong là James Jebbia. Năm 1994, ông thành lập thương hiệu này như cửa hàng giày trượt băng nhỏ ở New York, Mỹ. Nhờ khoản đầu tư 500 triệu USD từ công ty cổ phần tư nhân vào năm 2017, Supreme hiện được định giá 1 tỷ USD - mức định giá chưa từng có đối với thương hiệu quần áo không tiếp thị chính thức.
Song khi nó trở nên nổi tiếng và có giá trị trong những năm gần đây, việc kinh doanh không chỉ bùng nổ với hãng, mà còn cả với các đối thủ cạnh tranh hàng giả.
Vị trí của tag áo, chất lượng dây rút... là những yếu tố giúp khách hàng tránh được việc mua phải hàng giả mạo. Ảnh: Highsnobiety. |
Cách phát hiện áo hoodie giả
Áo hoodie có logo box (hộp logo hay còn gọi là bogo) là mặt hàng chủ lực của Supreme. Do vậy, nó dễ dàng trở thành một trong những mặt hàng bị làm giả nhiều nhất trên thị trường.
Nếu phần bogo hoàn toàn không được thêu hoặc chất lượng đường khâu kém, đó là sản phẩm giả. Ngoài ra, nếu bạn đặt áo giả dưới ánh sáng mặt trời trực tiếp, dòng chữ tên thương hiệu có thể trông hơi xám.
Tag áo trên cổ cũng là điểm đáng lưu ý khi phân biệt hàng thật và giả. Nó phải có dòng chữ tên thương hiệu màu đỏ đậm, sạch sẽ và rõ ràng. Bên cạnh đó, tag phụ ghi nơi sản xuất nhỏ hơn sẽ được đặt bên phải, cách tag chính vài mm. Đặc biệt, tag phụ phải ngắn hơn tag chính. Đường viền của nó phải thằng hàng với chữ "Supreme" được thêu trên tag chính.
Highsnobiety cho biết điều quan trọng khác là phải lưu ý đến đường khâu và vị trí của thẻ giặt. Đây có thể là cách "bắt" dễ nhất.
Bên trái là mác hướng dẫn bảo quản của áo hoodie thật, còn bên phải là giả. Ảnh: Highsnobiety. |
Trên áo hoodie thật, thẻ giặt sẽ nằm bên trong lưng dưới của sản phẩm. Nó sẽ có đường khâu thẳng màu đen gần đầu thẻ nối nó với áo. Đường khâu trên áo hoodie giả thường được thực hiện cẩu thả ở một góc hoặc có đường khâu khác phía trên nó.
Áo hoodie chính hãng có dây buộc và dây chỉ bằng phẳng. Chiều dài các dây buộc không bao giờ được kéo dài qua miếng dán logo hộp thêu. Nếu bạn nhìn thấy áo hoodie có dây rút hình tròn hoặc dây buộc đủ dài để thả xuống bên dưới logo hộp, đó là hàng giả.
Nhận biết áo sơ mi chính hãng
Trên áo sơ mi, việc kiểm tra đường khâu chính xác bắt đầu từ cổ áo. Chỉ có duy nhất một đường may nổi kết nối cổ với phần còn lại của áo. Nếu mẫu áo đó có hai hoặc nhiều đường khâu ở đường viền cổ, đó là dấu hiệu của sản phẩm giả.
Với áo sơ mi thật, một đường khâu duy nhất chạy dọc theo mỗi cạnh của tag cổ màu trắng. Sản phẩm không chính hãng thường có một đường may đôi hoặc ba chạy dọc theo các cạnh đó. Tất cả thông tin về áo trên tag phải được căn giữa, in đậm và dễ đọc.
Nội dung của tag này phải ghi "Made in U.S.A." với dấu chấm sau mỗi chữ cái. Nếu thiếu những dấu chấm này, có thể mặt hàng đó là giả.
Điểm nhận biết áo phông in hình giả
Thương hiệu streetwear Mỹ "bắt tay" với nhiều nhãn hàng mỗi năm để tạo ra các sản phẩm độc đáo nhất. Thông thường, điều đó sẽ đòi hỏi việc in hình ảnh nổi tiếng của ngôi sao đang hợp tác lên mặt trước áo phông.
Trên áo thật, hình in đó phải có chất lượng cao và khả năng chống bong tróc. Tuy nhiên, ngay cả hàng giả cũng khó có thể phát hiện ra bằng cách này. Do vậy, Highsnobiety gợi ý người trải nghiệm chuyển sang kiểm tra tag áo.
Tag áo là một trong những chi tiết quan trọng để nhận biết sản phẩm thật - giả. Ảnh: Highsnobiety. |
Tại mặt sau của tag áo trên cổ phải có đoạn chữ nêu chi tiết các quyền của sự hợp tác được bảo lưu và hợp pháp về bản quyền. Hầu hết sản phẩm giả sẽ bỏ qua chi tiết "nhỏ nhưng có võ" này.
Nếu áo phông của bạn thuộc bộ sưu tập Thu Đông 2013 của Lý Tiểu Long (Bruce Lee), mặt dưới của tag cổ phải có dòng chữ "® & © Bruce Lee Enterprises, LLC" cùng "All Rights Reserved".
Mọi bản cộng tác từ thương hiệu của James Jebbia thực hiện đều được phản ánh trong việc gắn thẻ trang phục.