Tẩy nốt ruồi bằng phương pháp nào là an toàn nhất?
Theo bác sĩ Đỗ Tuấn Anh, khoa Y học Thực nghiệm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, có thể thực hiện tẩy nốt ruồi bằng hai phương pháp khoa học chính là sử dụng laser (kích thước dưới 0,8 cm) hoặc tiểu phẫu đơn giản (kích thước trên 0,8 cm). |
Tỷ lệ nốt ruồi là u hắc tố ác tính?
Theo PGS.TS Phạm Hữu Nghị, nguyên Trưởng khoa Laser, Bệnh viện Quân đội Trung ương 108, tỷ lệ nốt ruồi là u hắc tố ác tính chiếm khoảng 2,9-4,5/100.000 người. |
Cách nhận biết nốt ruồi ác tính?
Bác sĩ Nguyễn Thùy Linh, Viện da liễu Trung ương, cho biết những dạng nốt ruồi ác tính có biểu hiện như tự nhiên tăng kích thước rất nhanh trong thời gian ngắn, lồi, sần sùi, viền lồi lõm hoặc bề mặt bị chảy máu, viêm loét,... |
Nguy cơ khi tác động lên nốt ruồi ác tính
Theo bác sĩ Nguyễn Thị An, Trung tâm Y tế Dự phòng, việc tác động trực tiếp lên nốt ruồi ác tính sẽ góp phần kích thích cho các tế bào này ngày càng phát triển, xâm lấn và di căn đến nhiều bộ phận khác trên cơ thể. |
Có nên dùng tỏi để tẩy nốt ruồi?
Theo bác sĩ da liễu Nguyễn Thái Dũng, tỏi chứa axit và có tính nóng, dùng để tẩy nốt ruồi có thể dẫn tới hiện tượng axit ăn sâu vào trong da, dễ để lại sẹo, gây bỏng da. |
Tẩy nốt ruồi đúng cách, làn da sẽ lành sau bao lâu?
TS Nguyễn Hữu Sáu cho biết nếu tẩy nốt ruồi đúng cách, tổn thương sẽ lành sau 3-5 ngày, để lại vết nhạt màu, mất dần sau khoảng một tháng. |
Cách chăm sóc vùng da sau khi tẩy nốt ruồi?
Theo PGS.TS Vũ Quang Vinh, Viện Bỏng Quốc gia, sau khi tẩy nốt ruồi, bệnh nhân chỉ cần dùng nước muối sinh lý để sát trùng và xanh metylen làm khô vết thương. Tránh dùng cồn hoặc oxy già sát trùng vì sẽ phá vỡ các tế bào non mới hình thành, làm vết thương bị "bỏng hai lần" rất lâu lành, thậm chí nhiễm trùng. |
Hậu quả khi tẩy nốt ruồi bằng dung dịch tẩy không rõ nguồn gốc?
Bác sĩ Đỗ Tuấn Anh cho hay việc sử dụng dung dịch tẩy nốt ruồi không có nguồn gốc rất nguy hiểm, có thể gây nhiễm khuẩn, viêm tấy, hủy hoại trực tiếp tới những lớp dưới da, thậm chí kích thích nốt ruồi trở nên loạn sản, ác tính và hình thành ung thư. |