Theo thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), một thống kê trên thế giới cho thấy tự sát là nguyên nhân thứ 3 gây tử vong ở nhóm trẻ 10-19 tuổi. Tại Việt Nam, tự tử cũng là một trong 10 nguyên nhân tử vong ở mọi nhóm tuổi.
Một nghiên cứu tại Hà Nội năm 2012 cho kết quả tỷ lệ người ở 15-24 tuổi có ý tưởng tự sát là 2,3%. Trong đó, tỷ lệ trẻ 15-19 tuổi có tiền sử và toan tự sát cao hơn nhóm 20-24 tuổi.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Hoàng Yến, phòng Trẻ em và Thanh thiếu niên, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, lý giải lứa tuổi thanh thiếu niên là giai đoạn phát triển mạnh mẽ, chuyển đổi từ trẻ em sang trưởng thành và được đánh dấu bằng mốc dậy thì.
"Lúc này, trẻ sẽ có sự phát triển về tư duy, nhận thức, sự quan sát, sáng tạo, tự ý thức khẳng định bản thân, trưởng thành về nhân cách, đối mặt stress, học tập và tích lũy các phương thức đối phó với stress nhiều nhất”, bác sĩ này cho hay.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Hoàng Yến, phòng Trẻ em và Thanh thiếu niên, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: BVCC. |
Theo vị chuyên gia, trầm cảm ở lứa tuổi này thường biểu hiện bởi các triệu chứng không đặc trưng như giảm sút học tập cũng như quan tâm về ngoại hình, thu mình, hạn chế các hoạt động xã hội, dễ cáu gắt, có hành vi mang tính chống đối như bỏ học, sử dụng chất kích thích,...
Tuy nhiên, qua thực tế điều trị, bác sĩ Yến cho hay cha mẹ thường gạt đi và cho rằng con không nên suy nghĩ tiêu cực khi trẻ chớm bộc lộ ý định tự sát.
“Đây là tín hiệu kêu cứu bậc phụ huynh cần lưu tâm. Lúc này, con cần sự lắng nghe, đồng cảm. Cha mẹ nên hỏi han, khơi gợi để con nói ra bất an, tuyệt vọng của mình", vị chuyên gia gợi ý.
Thạc sĩ Lê Công Thiện, Trưởng phòng Trẻ em và Thanh thiếu niên, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, lưu ý thêm với trẻ, sự quan tâm từ cả gia đình là điều rất cần thiết thay vì phần lớn trách nhiệm thuộc về người mẹ.
“Cách quan tâm của ông bà, cha mẹ với đứa trẻ rất khác nhau. Chỉ một mình người mẹ hỏi han không chắc có thể bao quát và đáp ứng đúng điều trẻ cần”, thạc sĩ Thiện giải thích.
Ông cho rằng cha mẹ, gia đình cần coi hành động quan tâm con cái là một công việc, từ đó phân chia đồng đều hơn.
Xét rộng hơn, PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, cho rằng việc hỗ trợ những trường hợp bị rối loạn tâm thần dẫn tới tự sát là trách nhiệm chung của toàn xã hội.
Ông nhấn mạnh: “Việc quản lý thông tin trên Internet cũng cần được lưu ý. Trước đây, tại Hàn Quốc, Nhật Bản,... thậm chí có làn sóng bắt chước hành vi tự sát”.
Theo PGS Tuấn, việc tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho thanh thiếu niên không bắt buộc phải là các bác sĩ, chuyên gia. Phụ huynh, giáo viên cũng cần có kiến thức phát hiện để hỗ trợ cho trẻ về tâm lý, nhận biết các yếu tố nguy cơ từ đó ngăn chặn hành vi tự sát.
“Nhận diện các dấu hiệu bất thường ở trẻ là chìa khóa giúp trẻ vượt qua những vấn đề về tâm lý”, PGS Tuấn kết luận.