Bên cạnh những ảnh hưởng rõ ràng về mặt thể chất do SARS-CoV-2 gây ra, đại dịch Covid-19 còn đang tác động không nhỏ tới sức khỏe tâm thần của một nhóm người. Ở những mức độ khác nhau, chúng có thể còn đang ảnh hưởng tới cả cộng đồng.
Tái phát trầm cảm sau khi khỏi bệnh
Cuối tháng 3 vừa qua, Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội) đã tiếp nhận bệnh nhân A. (nữ, 45 tuổi, trú tại Hà Nội) trong tình trạng phải cấp cứu sau khi có ý định tự sát.
Tiến sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, cho biết trường hợp này từng được chẩn đoán mắc trầm cảm nặng 5 năm trước.
Tiến sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương. Ảnh: Quốc Toàn. |
"Trường hợp này khi đó cũng từng nhiều lần tự sát bằng việc uống thuốc sâu, thuốc tân dược quá liều,... nhưng đều không thành", tiến sĩ Thu kể lại.
Sau thời gian điều trị tại Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, tình trạng của chị A. cải thiện. Bệnh nhân uống thuốc điều trị trầm cảm đều đặn và giữ được sức khỏe tâm thần ổn định trong nhiều năm.
Tuy nhiên, vừa qua người này không may mắc Covid-19 và đã khỏi bệnh. Dù vẫn duy trì dùng thuốc, bệnh trầm cảm của chị A. đột ngột có dấu hiệu diễn biến nặng.
Tiến sĩ Thu cho hay: "Sau khi khỏi Covid-19, bệnh nhân không thể làm chủ cảm xúc, thường xuyên bị căng thẳng, khó chịu, cáu kỉnh vô cớ, thậm chí nhiều lần khóc ầm ĩ, sau đó lại thấy bản thân có lỗi, vô dụng và là gánh nặng cho người thân".
Tình trạng này kéo dài khiến chị A. bế tắc, đau khổ và xuất hiện những suy nghĩ tiêu cực. Lúc này, bệnh nhân bắt đầu tìm cách tự sát do không muốn tồn tại và được gia đình đưa đi khám.
Tại Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, bệnh nhân được chỉ định nhập viện, theo dõi sát sao để tránh nguy cơ tử vong. Các bác sĩ cũng phải tăng liều thuốc điều trị trầm cảm kết hợp thuốc giải lo âu mạnh.
Sau khi qua được cơn bệnh cấp tính, tình trạng của chị A. hiện ổn định hơn.
Theo tiến sĩ Trần Thị Hồng Thu, việc mắc Covid-19 có thể là một trong những yếu tố thúc đẩy bệnh trầm cảm của người phụ nữ này diễn biến nặng.
Stress kéo dài
Lãnh đạo Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương cho biết thời gian gần đây, tỷ lệ bệnh nhân có rối loạn lo âu, trầm cảm diễn biến nặng hơn khi khỏi Covid-19, tăng lên rất nhiều.
Theo tiến sĩ Thu, một số trường hợp trước đó chỉ lo âu nhẹ, có thể tự điều chỉnh, thích nghi được nhưng nay buộc phải dùng thuốc. Một số khác trải qua nhiều năm điều trị ngoại trú nhưng hiện phải nhập viện theo dõi.
“Thực tế, rất nhiều người gặp vấn đề stress sau khi mắc Covid-19, trong đó có cả bệnh nhân tâm thần. Stress kéo dài cũng là điều kiện thuận lợi cho các bệnh về tâm thần như trầm cảm, lo âu xuất hiện. Ở những người có sẵn bệnh, Covid-19 lại trở thành nguyên nhân để họ dễ trở nặng hơn", bà nói.
Đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe tâm thần của cộng đồng, nhất là nhóm đã có tiền sử mắc bệnh về tâm lý. Ảnh minh họa: Vitality. |
Vị chuyên gia cho hay trong quá trình thăm khám và điều trị, nhiều bệnh nhân vẫn uống thuốc đều đặn. Tuy nhiên, tình trạng bệnh nặng lên sau khi khỏi Covid-19 khiến các bác sĩ phải tăng liều hoặc điều chỉnh phác đồ, cho thêm thuốc.
Tiến sĩ Thu nhấn mạnh gia đình của các bệnh nhân có rối loạn lo âu, trầm cảm cần quan tâm hơn tới người bệnh. Trong trường hợp thấy các dấu hiệu của bệnh nặng hơn sau khi bệnh nhân mắc Covid-19, gia đình cần đưa họ tới bệnh viện để có hướng điều trị kịp thời.
Các báo cáo đến nay cho thấy tỷ lệ người gặp vấn đề liên quan stress, lo âu, trầm cảm đang chiếm khoảng 1/4 dân số. Các biểu hiện có thể cả nặng, nhẹ, rõ rệt hay mơ hồ.
Theo tiến sĩ Thu, trường hợp các triệu chứng rối loạn về sức khỏe tâm thần kéo dài từ 2 tuần trở lên hoặc ảnh hưởng quá nhiều đến khả năng duy trì công việc hàng ngày cần đi khám để được theo dõi chuyên khoa và điều trị sớm.
Trong khi đó, các trường hợp chỉ rối loạn nhẹ có thể tự điều chỉnh tâm lý để vượt qua và không cần đi khám.
Để xác định tình trạng tâm lý của mình, hiện rất nhiều bảng hỏi cũng được đăng tải trên các website, mạng xã hội để người dân thực hiện. Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, cũng đã đăng tải công khai bộ câu hỏi này.
Ngoài ra, tiến sĩ Trần Thị Hồng Thu khuyến cáo người dân cần chủ động chăm sóc cho sức khỏe tâm thần của bản thân, tìm cách cân đối giữa công việc và thư giãn, sắp xếp mức độ ưu tiên để tránh quá tải.
Ngược lại, tình trạng nhàn rỗi kéo dài quá lâu cũng không tốt. Bà đưa lời khuyên mọi người nên điều chỉnh để không rơi vào tâm trạng quá căng thẳng, có thể thư giãn bằng cách tập hít thở sâu hay yoga.
“Sức khỏe tâm lý sẽ được đảm bảo khi chúng ta biết cách duy trì các mối quan hệ, giải quyết khó khăn trong cuộc sống mà vẫn giữ được cân bằng tinh thần", vị chuyên gia khẳng định.
Tiến sĩ Thu cũng cảnh báo khi có các rối loạn nặng về tâm thần, xuất hiện triệu chứng lo âu, trầm cảm nhưng không điều trị chuyên khoa, việc chỉ sử dụng thuốc bổ não, tăng cường miễn dịch hay thể lực,... không có giá trị cũng như hiệu quả.